Trước hết, hiểu theo nghĩa đen, câu thành ngữ “đứng mũi chịu sào” sử dụng hình ảnh quen thuộc khi di chuyển ghe, thuyền hay thúng trên sông, hồ sẽ có một người làm nhiệm vụ quan trọng cầm sào điều khiển. Từ “mũi” trong câu thành ngữ trên được hiểu là bộ phận nhô ra phía trước của một số vật (theo quyển “Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, tr.822), còn từ “sào” (theo sách đã dẫn, tr.1074) được giải thích là đoạn tre, nứa... thẳng, dài và cứng, thường dùng để chống thuyền. Người đứng ở mũi thuyền dùng những cây sào dài để điều khiển hướng đi, tốc độ di chuyển của thuyền, ngăn vật cản, giúp thuyền tránh khỏi sự va chạm nguy hiểm. Khi thuyền vào bến, bờ thì người cầm sào phải chống sào vào bờ để kìm tốc độ của thuyền lại.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Thông qua hình ảnh người cầm sào, câu thành ngữ “đứng mũi chịu sào” chỉ ra rằng, trong một hoạt động hay một nhiệm vụ nào đó, luôn có người đứng ra nhận trách nhiệm nếu có bất cứ sự cố nào xảy ra. Đôi khi, lỗi này không do mình gây ra nhưng vì là người “đứng mũi” nên vẫn phải chịu trách nhiệm.

Người đứng ở mũi thuyền, cầm sào chèo chống có vai trò đặc biệt quan trọng và phải chịu nhiều gian khổ, nguy hiểm hơn những người còn lại.

Như vậy, câu thành ngữ “đứng mũi chịu sào” muốn nói đến trách nhiệm của người đứng đầu gánh vác nhiệm vụ quan trọng, nặng nề, đương đầu với gian khổ, vì lợi ích chung của tập thể. Muốn làm người đứng đầu cần dũng cảm, sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình.

Câu thành ngữ này cũng có ý nhắc nhở những người thiếu rèn luyện, tu dưỡng, thiếu kỹ năng và kinh nghiệm đảm đương công việc trước khó khăn, thách thức, khi có sự cố xảy ra thường trốn tránh trách nhiệm của bản thân, đổ lỗi cho người khác để bào chữa cho lỗi sai của mình.

VĂN TUẤN