Theo quyển “Từ điển tiếng Việt”, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội, 1988, trang 261, "danh" là tên người, về mặt dư luận xã hội biết đến và coi trọng.
Bằng việc sử dụng hình ảnh hoạt động mua và bán, câu thành ngữ trở nên dễ nhớ, dễ hình dung. Cụm từ “mua danh” chỉ hành động việc làm tạo dựng nên danh thơm và uy tín. Còn “bán danh” lại là hành vi phá hoại danh tiếng của bản thân.
|
|
Ảnh minh họa/gotiengviet.com.vn |
Trong câu thành ngữ sử dụng đơn vị số đếm “ba vạn” là 30.000 (1 vạn bằng 10.000) và “ba đồng” là hai con số cách xa nhau, chênh lệch rất nhiều. Thông qua câu thành ngữ cha ông muốn nhắc nhở mọi người, phải trải qua một hành trình nhiều năm với biết bao nỗ lực làm điều tốt đẹp mới có thể tạo ra được hình ảnh đẹp của chính mình trong lòng người khác nhưng chỉ cần một lần dại dột, một hành vi sai lầm có thể đủ để xóa đi tất cả. Vì vậy, cách sống, hành xử sao cho đúng đắn, phải chú ý nghiêm cẩn rèn luyện đạo đức tác phong liên tục, thường xuyên.
Theo Giáo sư Nguyễn Lân giải thích trong cuốn "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam", Nhà xuất bản Văn học, năm 2016, trang 288: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” nghĩa là chê người vì mối lợi nhỏ mà phẩm giá sa sút.
Nhìn từ góc độ cuộc sống, xã hội xưa và nay đều rất xem trọng danh tiếng. Một người có danh tiếng tốt, hay làm điều thiện, sống tích cực thường được nhiều người yêu mến, quý trọng. Vậy nên, sống phải luôn tự răn, làm việc thiện, tích đức tránh xa những cám dỗ thấp hèn để không vướng vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật dẫn đến đánh mất hết thanh danh một đời cố gắng xây dựng.
VĂN TUẤN