Tuy nhiên, trong "Từ điển tiếng Việt" bản mới nhất (Trung tâm Từ điển học, Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2020), mục từ “bác” có tới 7 nghĩa và nét nghĩa thứ bảy: "Bác" là từ nhân dân Việt Nam dùng để gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỏ lòng kính yêu.

Như vậy, sự bổ sung này là hoàn toàn mới (kể cả chính tả lẫn ngữ nghĩa). Đây là trường hợp đặc biệt với một cuốn từ điển. Nó xuất phát từ sự kính trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kiệt xuất, anh hùng dân tộc, mà trong tâm khảm của mỗi người đều có một tình cảm quý trọng rất riêng, rất sâu sắc. Đạo đức, nhân cách, công lao và những phẩm chất quý báu kết tinh ở Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thay đổi một nét nghĩa trong "Từ điển tiếng Việt" tường giải của cha ông ta đã có cả ngàn năm.

“Nhân dân ta gọi Người là Bác/ Cả đời Người là của nước non” (Nguyễn Đình Thi). Cách gọi đó, vô hình trung, nhân dân đã coi Chủ tịch Hồ Chí Minh như một người thân, một bậc đáng kính trong gia đình. Chính thái độ, tình cảm và cách ứng xử đó của cả cộng đồng dân tộc Việt đã cấp cho từ “Bác” một nét nghĩa riêng-nét nghĩa nhân văn và văn hóa.

Thật là kỳ diệu, trong suốt chiều dài lịch sử, từ năm lập nước Việt Nam mới (1945) cho đến nay, từ “Bác” thân quen “trẻ mãi không già” với người Việt Nam.

 "Chỉ một từ “Bác” viết hoa

  Mà ta nhìn thấy bao la nghĩa tình" .

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH