Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh sinh năm 1929, ông cùng lứa với nhà văn Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu... Ông cũng là một trong những nhà văn đi B sớm nhất và dài nhất. Năm 1967, Nguyễn Trọng Oánh theo đường Trường Sơn vào B3-chiến trường Tây Nguyên. Bài thơ nổi tiếng của ông tại Mặt trận B3 mang tên "Khúc hát một dòng sông" sau này được dàn dựng, là hồn cốt của một phim tài liệu rất hay về chiến tranh đã đoạt giải thưởng phim quốc gia. Khúc hát một dòng sông dường như là khúc hát thẳm sâu nhất, miệt mài nhất, cũng là dữ dội nhất của Nguyễn Trọng Oánh trong dằng dặc đời văn bút của mình.

Nhà văn Nguyễn Thi nổi tiếng với tác phẩm "Người mẹ cầm súng" vào chiến trường miền Nam trước Nguyễn Trọng Oánh. Khi Nguyễn Trọng Oánh rời Mặt trận B3 vào thẳng Bộ tư lệnh Miền ở Nam Bộ đã cùng với Nguyễn Thi, Võ Trần Nhã, Thanh Giang... làm tờ Văn nghệ Quân giải phóng rất được bạn đọc đón đợi. Có một câu chuyện rất đặc biệt, nhà văn Nguyễn Thi với cá tính của mình đã có lần định "kết thúc tất cả". Mọi người xung quanh rất sợ hãi không biết phải làm gì. Chỉ có Nguyễn Trọng Oánh, bằng một cách nào đó, có lẽ do phẩm cách riêng đặc biệt đã khiến Nguyễn Thi phải mềm lòng. Mọi chuyện lặng lẽ qua đi. Trong cuộc sống cũng như trong sáng tác, Nguyễn Thi đặc biệt quý trọng Nguyễn Trọng Oánh.

Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh vào chiến trường thẳng một mạch từ năm 1967 đến 1975. Khi Nguyễn Thi hy sinh trong Tết Mậu Thân 1968 tại chân cầu chữ Y, Nguyễn Trọng Oánh thay Nguyễn Thi phụ trách tờ Văn nghệ Quân giải phóng. Khi đó, bộ đội ta nhiều đơn vị đều phải rút ra vòng ngoài. Tình hình rất khó khăn. Chính những tháng ngày ấy, Nguyễn Trọng Oánh đã lộn lại vùng đất Củ Chi, trăm lần vượt qua cái chết để sau này ông thể hiện tác phẩm "Đất trắng" rất nổi tiếng, đặt dấu mốc mới với văn xuôi viết về chiến tranh.

leftcenterrightdel

Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh. 

"Đất trắng" đã ghi lại những thời khắc sinh tử của một Trung đoàn cảm tử quyết tâm trụ lại bám đất, bám dân để cho đại quân rút ra an toàn. Trung đoàn hy sinh gần hết, chỉ còn lại 16 người. Điều khủng khiếp ấy đã được Nguyễn Trọng Oánh viết thành thực với trường thẩm mỹ và chứng kiến của một người trong cuộc. "Đất trắng" cho người đọc một cái nhìn khốc liệt đến tận cùng, nhiều lúc là trần trụi về chiến tranh.

Sau giải phóng miền Nam, mãi năm 1976 Nguyễn Trọng Oánh mới trở ra Bắc, rồi chẳng hiểu làm sao ông lại quay vào Nam. Đã từng có câu chuyện rằng, một lần, khi được hỏi, nhà thơ Vũ Cao, một người mà Nguyễn Trọng Oánh suốt đời quý mến đã nói với anh em nhà văn đi B về rằng: “Các cậu yên trí. Anh em ở ngoài này chẳng có gì thay đổi cả. Thằng nào như thế nào thì bây giờ vẫn thế. Mình có một cái thuyết càng già càng thấy đúng, đó là con người không thể cải tạo được. Thằng nào thế nào thì cứ vẫn thế, chỉ càng đậm hơn lên thôi”.

Nguyễn Trọng Oánh chỉ biết im lặng trước câu nói của ông anh. Nhà thơ Vũ Cao rất quý Nguyễn Trọng Oánh. Tôi lấy làm lạ khi làm phim tài liệu chân dung về nhà thơ Vũ Cao, ông chẳng nói về mình mà chỉ nói về Nguyễn Thi và Nguyễn Trọng Oánh. Ông bảo ở cơ quan làm gì có người sung sướng, nhưng khổ cực nhất chính là Nguyễn Trọng Oánh. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở vào giai đoạn quyết liệt nhất, Nguyễn Trọng Oánh nằng nặc xin đi B. Vũ Cao lần chần mãi mới để Nguyễn Trọng Oánh vào chiến trường. Rồi các nhà văn khác ở Văn nghệ Quân đội lần lượt vào chiến trường, đã có người trở thành Liệt sĩ như nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn -Nguyễn Thi.

Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh rất thân thiết với nhà văn Nguyễn Minh Châu. Hai ông dường như là hai cực viết khác nhau. Nguyễn Minh Châu bay bổng và thanh thoát, nhưng không ít trang văn rất dữ dội như: "Lão Khúng"; "Phiên chợ Giát"; "Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành"; "Lửa từ những ngôi nhà";... Nguyễn Trọng Oánh khác hẳn, ông viết rất dữ dội, nhiều trang trần trụi, khốc liệt, mà cũng không ít trang đầy chất thơ bởi trong ông luôn có một tâm hồn thơ ngự trị. Bộ sách ghi tên tuổi ông với cái tên "Đất trắng" đã khắc họa đầy đủ nhất tính cách cũng như văn cách của Nguyễn Trọng Oánh.

Đã từng có thời đoạn, một số người không hiểu nổi cách viết dữ dội của "Đất trắng" đã coi Nguyễn Trọng Oánh có cái nhìn quá khắc nghiệt, thậm chí là cực đoan, lệch lạc về chiến tranh. Nguyễn Trọng Oánh chỉ im lặng. Còn những người của Văn nghệ Quân đội đều được trui rèn trong lửa đỏ chiến tranh nên ai cũng nhận ra phẩm chất đích thực của Nguyễn Trọng Oánh. Tôi đã nhiều lần thấy nhà thơ Vũ Cao rơm rớm nước mắt khi nhắc về Nguyễn Trọng Oánh, miệng ông lẩm bẩm: “Thằng Oánh nó giỏi lắm, cơ mà cũng tội tình hoàn cảnh lắm”.

Mãi sau tôi mới hiểu, nhà thơ Vũ Cao đã nhiều lần bôn ba xin cho vợ Nguyễn Trọng Oánh được chuyển trường dạy học từ trong quê ra Hà Nội mà sao vô cùng trầy trật. Thời bao cấp trăm thứ dây dợ trói buộc lẫn nhau. Nguyễn Trọng Oánh ở thời gian này đã không còn mấy sức lực. Ông lại mắc bệnh sốt rét kinh niên. Đã có lúc trong nhà, gian trong, gian ngoài đều là những người ốm nằm liệt giường vô cùng khốn khổ.

leftcenterrightdel

Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh (đứng thứ ba, từ phải sang, hàng trên cùng) và các đồng nghiệp tại trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội trước khi vào chiến trường. Ảnh tư liệu 

Lứa hậu sinh chúng tôi không hiểu sao khi viết tác phẩm tâm huyết nhất của đời mình, Nguyễn Trọng Oánh lại lấy tên là "Đất trắng". Trong "Đất trắng", có lẽ cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên một nhà văn dám viết về một Chính ủy sư đoàn đã đi đầu hàng địch trong những ngày quần nhau ác liệt trên đất Củ Chi. Liệu chuyện đó có thật trong chiến trường và đã nên đưa vào văn học hay không? Khi đã vào văn học, liệu rằng bạn đọc và nhất là giới văn bút, người quản lý văn nghệ ở các cấp có ý kiến gì khác không? Những câu hỏi này, có thể Nguyễn Trọng Oánh đều biết, đều đã đặt ra. Song, với một tính cách như Nguyễn Trọng Oánh, ông đã cầm bút và viết thẳng ra như "Đất trắng".

Từng giữ cương vị quản lý làm Tổng biên tập tờ Văn nghệ Quân giải phóng những năm ở chiến trường và sau này làm Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nguyễn Trọng Oánh luôn rất biết mình phải làm gì để giữ vững và phát triển văn học, nghệ thuật với cái nghĩa cao nhất-phục vụ nhân dân và Tổ quốc. Bản thân ông suốt đời đều thực hành điều đó, âm thầm, bền bỉ, nhất quán, đúng như bản tính con người ông.

Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 năm 2001. Đây là phần thưởng rất chính đáng với toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp mà ông đã cống hiến không một phút giây ngừng nghỉ. Nguyễn Trọng Oánh lặng thầm tạo nên nhiều dấu mốc, trong đó có không ít dấu mốc từ nơi sinh tử, từ trong lửa đỏ chiến tranh. Ông-một lính chiến thực thụ trong cầm bút và trái tim khắc khổ nhân văn luôn truyền hơi ấm cho đồng đội khi cầm súng đã cho lứa nhà văn sau này nhìn vào đó học những bài học làm người.

Lứa chúng tôi, có nhiều người sinh sau chiến tranh, đều trưởng thành sau dấu mốc đổi mới 1986, luôn hiểu rất sâu sắc rằng, con đường văn bút, dù là trong chiến tranh hay thời bình hôm nay, đều là phải hướng tới nhân dân và Tổ quốc.

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI