Tự nhìn nhận mình hằng ngày

Phóng viên (PV): Xuất hiện chưa lâu nhưng liên tục ra mắt tác phẩm mới, lại ở thể loại văn học vẫn được cho là tốn sức như tiểu thuyết. Đã có không ít lời khen dành cho cả tác giả và tác phẩm, còn bản thân Đức Anh, có khi nào tự đánh giá về mình?

Nhà văn Đức Anh: Có hai việc mà các nhà văn vẫn làm thường ngày, đó là tự nhìn nhận mình và trì hoãn viết tác phẩm mới. Tôi nghĩ hai chữ “nhà văn” rất khác hai chữ “tác giả”. Hãy nghĩ xem: Làm nhà văn trong cuộc đời, giữa mọi người, giữa những người bạn, đứng trước đứa cháu nhỏ của ta... hẳn là một việc rất hệ trọng. Nó không giống như làm hoa hậu, làm ca sĩ, hay giả vờ làm một người tốt. Theo tôi, chữ “nhà văn” bao gồm hiểu đời và bao dung. Nhưng đạt được những điều đó rất khó, là cả một bài tập suốt cuộc đời. Với tôi, viết văn là một cuộc hành khất, lãng mạn nhưng cũng liều lĩnh. Những tác phẩm đầu tiên tôi viết một cách bản năng, tôi yêu quý chúng, nhưng không lấy điều đó làm một thành công hay tự hào. Và cũng đã có những câu hỏi mới phát sinh trong tôi. Viết để làm gì và sống để làm gì? Có lẽ hành trình hiện tại của tôi là gắng sức thoát khỏi bản năng, trên con đường đó, một cách tự nhiên, tôi gặp quê hương, gặp quá khứ, hiện tại và những phận người.

PV: Người ta vẫn bảo, văn chương vốn là con đường đầy chông gai. Vậy con đường Đức Anh đến với văn chương, từ những tác phẩm như bạn nói là viết một cách bản năng, cho tới bây giờ thế nào?

Nhà văn Đức Anh: Tôi luôn nghĩ tôi là một người tốt, nóng tính, bao đồng, hơi “thù vặt” và dễ xúc động trước những hoàn cảnh khó khăn của người khác. Khi qua tuổi 30, tôi biết mọi tính cách chỉ là bản năng. Dẫu có tốt bụng thì chúng cũng chỉ là bản năng. Điều quan trọng khi trưởng thành là chúng ta cố sức lựa chọn để trở thành một người như thế nào và hoàn cảnh sẽ đặt ta vào những phân vân cụ thể. Tôi đến với văn chương cũng như vậy, ban đầu tôi hoàn toàn bản năng. Nhưng tôi đã kịp học những kỹ thuật kể chuyện, cách quản lý cảm xúc và năng lượng của mình trên bàn viết. Viết văn đôi khi là một công việc đòi hỏi sức khỏe, sự cần mẫn tuyệt vời. Đôi khi viết xong đã là cả một thành công, cả một quãng trưởng thành rồi. Tôi quan niệm viết văn như vậy, nên bao nhiêu khó khăn-thuận lợi của sự trưởng thành đều là khó khăn-thuận lợi của sự viết văn.

PV: Từ “Tường lửa”, “Thiên thần mù sương” năm 2019, “Đảo bạo bệnh”, hay mới đây là “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời”. Vì sao lại là văn học trinh thám, thể loại mà như chính Đức Anh có lần từng nói phần lớn không phải các tác phẩm có giá trị đọc lại... và có vẻ vẫn chưa có nhiều đất phát triển ở Việt Nam?

Nhà văn Đức Anh: Văn học trinh thám quan tâm đến con người ở cấp độ xã hội. Khi một nhân vật chết đi, cả xã hội có trách nhiệm với vụ án đó. Đó là thứ văn học dẫn người ta đến thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền sống của mỗi con người. Ngoài ra, nó lại là một dạng văn học giải trí một cách trí tuệ. Tôi nghĩ đó là một thể loại vô cùng lành mạnh. Không cần chứng minh nhiều, văn học trinh thám là thể loại yêu thích của các nhà văn, nhà bác học rất lớn trên thế giới, như: Garcia Marquez, Umberto Eco.

Ở Việt Nam, môi trường rất đặc thù. Người Việt mình hay nói “Trăm cái lý chẳng bằng tý cái tình”. Cái lý và cái tình suy cho cùng là những thứ sản sinh ra mọi khúc mắc của đời sống người Việt. Văn học trinh thám ở Việt Nam có nhiệm vụ thám cứu những điều đó. Người ta cứ nghĩ trinh thám là điều tra ai giết người, ai phạm tội. Nhưng đó chỉ là bề nổi. Xung quanh một vụ việc là biết bao nhiêu dây mơ rễ má, cuộc đời chúng ta nằm ở những dây mơ rễ má ấy, với những ích kỷ riêng, những tim đen riêng, những nỗi đời không thể kể cho ai được. Tôi nghĩ trinh thám Việt có sứ mệnh của nó. Đó là một chỗ xuất phát không tệ để ta bắt đầu một sự nghiệp văn chương tử tế. Tất nhiên cái quan trọng vẫn là: Trở thành một nhà văn đúng nghĩa.

Tìm kiếm bản sắc dân tộc trong chính mình

PV: Sinh ra ở nước ngoài, được tiếp cận những nền văn hóa, lại có vài ngoại ngữ, điều đó có được cho là lợi thế của Đức Anh so với những tác giả trẻ khác?

Nhà văn Đức Anh: Tôi sinh ra ở Nga, rất mê tiếng Nga. Chính nhờ ngoại ngữ, tôi có chỗ đứng để quan sát lại tiếng mẹ đẻ của mình. Tiếng Nga có nhiều danh từ chỉ những sự vật, sự việc thật giản dị mà ta không thể diễn tả được. Nhưng chính vì thế tôi biết rằng tiếng Việt có những nét đẹp mà tôi chưa hiểu được. Tiếng Việt của dân tộc ta đi thẳng vào trung tâm sự vật, như một vị cao nhân có phong thái nhẹ nhàng, đã né đi những gì không cần thiết. Tôi về Việt Nam khi còn nhỏ, nhưng thế cũng đủ để tôi ấn tượng về việc chúng ta có ngôn ngữ của dân tộc mình và đó là điều rất quan trọng trong đời ta. Sau này tôi học ngành báo chí và hiện giờ tôi vẫn cộng tác với báo chí. Tôi nghĩ, việc biết một hoặc hai ngoại ngữ sẽ làm chúng ta có sự so sánh giữa các nền văn hóa, đâu đó chúng ta nhận ra chỗ đứng của mình hiện tại, với tư cách một công dân toàn cầu. Nhưng tôi không nghĩ đó hẳn đã là một lợi thế. Điều cốt lõi, mang tính bản chất, đó là chúng ta có cự ly để quan sát ngôn ngữ. Ngoại ngữ là một dạng cự ly. Ngoài ra, có nhiều dạng cự ly khác. Ví như tôi từng để ý cách ăn nói của những cụ già ở các miền quê Bắc Bộ và nhận ra trong đó nhiều triết lý mà tôi mới chỉ hiểu mơ hồ.

leftcenterrightdel

Nhà văn Đức Anh (thứ hai, từ trái sang) trong buổi giao lưu văn học của Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: THU HÒA

PV: Với tư cách một công dân toàn cầu, Đức Anh nghĩ sao về tính dân tộc hay bản sắc Việt trong văn học? Và người sáng tác có cần điều đó cho tác phẩm của mình?

Nhà văn Đức Anh: Ai cũng sẽ dễ dàng đề cao bản sắc dân tộc. Nhưng thực hành điều đó không phải là dễ dàng. Chúng ta vẫn sử dụng đồ dùng của nước ngoài và là công dân toàn cầu. Tuy nhiên, đối với tôi, văn học Việt Nam cần trả lời những câu hỏi của Việt Nam, hiện tại, ở đời sống ngay bây giờ, trong mỗi bước đi, hơi thở, những nỗi niềm của ngày hôm nay. Chúng ta có một lịch sử đặc thù. Người Việt Nam hào hiệp, bao dung, lại hay mơ mộng, cười ở mọi hoàn cảnh, ưa đùa dai và đặc biệt thích trêu đùa với hiện thực. Đó chính là những phẩm chất văn chương có trong chính người Việt. Vậy nhiệm vụ của mỗi nhà văn không phải là tìm lấy bản sắc Việt ở trong một tư liệu, một thực tại nào đó, mà là tìm kiếm trong chính mình, như thế sẽ ra được một khuôn mặt văn chương Việt Nam với thế giới. Muốn như vậy thì là cả một hành trình sống, quan sát, trải nghiệm. Con đường đó có thể rất đơn độc, nhưng không phải là không có hoa thơm mọc ven.

PV: Tôi nhớ có lần Đức Anh từng chia sẻ, thế hệ tác giả như mình phải đối mặt với điều gọi là "áp lực ba chiều": từ những thế hệ nhà văn tài năng đi trước, các phương tiện giải trí khác và từ chính bản thân. Nhưng trong đó vẫn có những cơ hội chứ?

Nhà văn Đức Anh: Việt Nam có nhiều nhà văn lớn. Có những nhà văn lớn vì một tác phẩm đột phá, có những nhà văn là vì phong cách. Viết dưới bóng của những nhà văn lớn chính là một áp lực cho thế hệ sau. Ngày trước tôi nghĩ chúng tôi còn chịu áp lực của thời đại, nhưng bây giờ tôi không nghĩ thế nữa. Tiền cũng không phải áp lực với tôi vì tôi phân biệt rất rõ giữa tham vọng văn chương và khát khao thành công trong cuộc đời. Người ta thường nghĩ về cái thứ hai hơn, với những nhuận bút, giải thưởng, sự công nhận, ngợi khen... Song nó chỉ là những khát khao đời thường chứ chẳng liên quan chút nào đến "tham vọng văn chương" đúng nghĩa.

Bây giờ thì tôi thấy chúng tôi, tức là những bạn viết văn của thế hệ tôi và tôi nữa, có sứ mệnh riêng. Chẳng phải hơn hai thập niên qua, cộng với những năm tiếp theo đây là đã bao nhiêu biến động diễn ra trên mặt đất này? Chúng ta có mạng xã hội, toàn cầu hóa, những vấn đề ngày càng phức tạp của lối sống đương đại... Có quá nhiều câu hỏi cần được đặt ra, rồi trả lời. Điều quan trọng là người viết có dám bền bỉ quan sát và lên đường hay không. Ở Việt Nam hiện tại, văn chương rất được quan tâm, cổ vũ ở cả bình diện độc giả lẫn các cơ quan quản lý nhà nước. Đó là một thuận lợi.

PV: Ở Việt Nam, đội ngũ tác giả trẻ đang được cho là đông đảo, trong đó có những gương mặt thế hệ 2000 khá nổi bật. Các tác giả trẻ hiện nay nên quan tâm đến điều gì?

Nhà văn Đức Anh: Tôi nghĩ các nhà văn trẻ nên mạnh dạn tham gia các trại sáng tác, các hoạt động trao đổi chuyên môn. Các hội văn học nghệ thuật cả Trung ương và địa phương luôn khuyến khích những bạn trẻ tìm đến. Đừng nghĩ đó chỉ là những hoạt động mang tính công vụ. Một điều thật sự quan trọng, tôi muốn các bạn hãy tận dụng các cơ hội để gần gũi với những người lớn tuổi. Một vài thập niên tới, một thế hệ đáng kính-những người là nhân chứng của lịch sử Việt Nam sẽ không còn ở bên ta nữa. Cũng một vài thập niên tới, chúng ta bước vào một thời đại mới, một tương lai thật khó tưởng tượng với trí tuệ nhân tạo, robot... Nên thời khắc này thật đáng quý. Hãy trân trọng, hãy giao lưu, hãy gần gũi.

PV: Trân trọng cảm ơn Đức Anh về cuộc trò chuyện!

DƯƠNG THU (thực hiện)