Với cách nói ví von, câu tục ngữ truyền dạy bài học sâu sắc, dù thành cao, hào sâu bao nhiêu chăng nữa cũng không bằng sức mạnh đoàn kết của lòng dân. Một triều đại hay chế độ xã hội mà không thu phục được nhân tâm, không được ủng hộ bởi lòng dân, thì triều đại, thể chế, quốc gia ấy không những khó có thể đứng vững mà thậm chí còn bị tiêu vong.
Theo quyển “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” (Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, năm 2000, trang 554), “Thành đá không bằng dạ người” ý nói, mọi người đoàn kết một lòng một dạ chiến đấu thì mạnh hơn cả khi có thành quách kiên cố.
Câu tục ngữ cũng chính là bài học lịch sử đúc kết từ thực tiễn.
Triều đại nhà Hồ có quân đội hùng mạnh, thành cao, hào sâu... nhưng “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà / Để trong nước lòng dân oán hận”. Khi nhà Minh lăm le xâm lược, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đã sớm bày tỏ sự lo ngại với Thượng hoàng Hồ Quý Ly: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”.
Hồ Nguyên Trừng giăng xích sắt trên sông, dựng phòng tuyến trải dài mấy trăm dặm quyết tâm chống giặc... Nhưng rồi tất cả thành lũy, phòng tuyến ấy lần lượt và dễ dàng tan vỡ trước sức tấn công ào ạt của quân Minh. Cha con họ Hồ bỏ cả cơ đồ Đại Ngu, bỏ cả Tây Đô thành đá sừng sững có một không hai... trốn chạy vào vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhưng rồi giặc Minh cũng đuổi kịp. Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly bị bắt giải về Kim Lăng-kinh đô nhà Minh, cùng với tất cả anh em con cháu họ Hồ lần lượt bị bắt sống sau đó.
Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa khi đất nước đã rơi vào tay giặc. Lê Lợi được lòng trời, lòng người ủng hộ. Khắp vùng miền Tây Thanh Hóa-Nghệ An đều in dấu chân nghĩa quân Lam Sơn và lưu giữ những truyền thuyết về sự che chở tài tình của thần linh, mưu trí của dân chúng, giúp Lê Lợi và nghĩa quân.
Trải qua “mười năm nếm mật nằm gai”, Lê Lợi cùng đại quân từ Nghệ An, Thanh Hóa tiến dần ra Bắc, lần lượt quét sạch giặc Minh khỏi bờ cõi, thu lại giang sơn gấm vóc Đại Việt.
Bài học lịch sử “Thành đá không bằng dạ người” vẫn còn giá trị đến ngày nay.
VĂN TUẤN