Trong cuốn “Bách khoa tri thức quốc phòng toàn dân” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2003) ghi lại, năm Trùng Hưng thứ 5 (1289), sau khi đánh đuổi quân Nguyên, nhiều đoạn thành Thăng Long bị quân địch phá hủy. Vua Trần Nhân Tông hạ chỉ gấp rút sửa sang lại thành, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn can: Việc sửa thành trì không cần kíp lắm. Việc cần kíp triều đình phải làm ngay không thể chậm trễ là úy lạo nhân dân. Hơn bốn năm, quân giặc hai lần tràn sang quấy rối. Từ nơi núi rừng tới đồng ruộng đều bị tàn phá hầu hết. Vậy mà nhân dân vẫn một lòng hướng về triều đình, xuất tài, xuất lực đi lính và đóng thuế làm nên một lực lượng mạnh giúp triều đình đánh bại quân giặc. Nay nhà vua được trở về nơi yên ổn, việc làm trước hết là chú ý ngay đến nhân dân. Những nơi nào bị tàn phá, tùy tình trạng nặng, nhẹ có thể miễn tô thuế cho mấy năm. Có như thế nhân dân mới nức lòng cùng quay hướng về triều đình hơn nữa. Người xưa đã nói “chúng chí thành thành” nghĩa là ý chí của quần chúng làm nên bức thành kiên cố. Đó mới là cái thành cần sửa ngay, xin nhà vua xét kỹ.

“Chúng chí thành thành” không phải là một phát kiến của Trần Hưng Đạo. Điều đó đã được nói đến trong các binh thư cổ. Hưng Đạo Vương-danh tướng rường cột nhà Trần đã tâm đắc, ứng dụng đúng lúc, có hiệu quả. Trần Hưng Đạo coi việc chăm sóc đời sống muôn dân là cấp bách hơn cả. Biết đánh thức sức dân, dùng sức dân làm gốc rễ, nhờ đó mà nhà Trần đã đánh thắng giặc Nguyên xâm lược.

PHẠM TUẤN