- Nghe nói chú hạ quyết tâm năm nay lấy vợ, sao đến nhà bạn gái lại về sớm thế?

- Tất cả là tại anh đấy! Hiểu đáp lại bằng giọng vùng vằng, có chút hờn dỗi.

Anh Hưng lắc đầu khó hiểu, hỏi lại:

- Lại bị em Trang giận hả? Không sao! Chuyện tình cảm nó phức tạp lắm. Nhiều khi giận dỗi nhau chỉ vì chuyện không đâu vào đâu. Muốn cách mạng thành công thì phải kiên trì em ạ!

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH 

- Cô ấy từ chối em rồi. Mà lý do đúng như anh nói, toàn chuyện “không đâu vào đâu”!?!

Hiểu nói xong, ngồi phịch xuống ghế. Thấy tình hình có vẻ nghiêm trọng, anh Hưng chuyển sang giọng tâm tình, an ủi. Lát sau, Hiểu mới kể đầu đuôi câu chuyện, mà đúng là, điểm mấu chốt lại liên quan đến Chủ nhiệm Hưng...

Vừa rồi, đơn vị tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng. Để chương trình phong phú, sinh động, ngoài các tiết mục hát, múa, biểu diễn võ thuật, Chủ nhiệm Hưng xin ý kiến cấp trên cho dàn dựng một tiểu phẩm kịch ngắn.

Ban đầu, Hiểu chỉ tham gia đội võ thuật, không liên quan gì đến màn kịch cả. Nhưng vì sát đến ngày diễn, đồng chí nữ nhân viên quân y đảm nhiệm vai chính bị ốm nên phải thay người khác. Tìm khắp đơn vị, không thấy gương mặt nào thay thế được vai diễn chính kia, anh Hưng liền nghĩ đến Hiểu, vì thấy mấy lần tập văn nghệ, cậu có khả năng “nhái” giọng nữ rất giỏi. Chỉ cần tập luyện thêm điệu bộ, cử chỉ một chút là Hiểu có thể “hóa thân” thành phụ nữ ngay.

Khi đặt vấn đề, Hiểu giãy nảy: “Em nhìn “men lỳ” thế này, lại chưa vợ, mới đang chuẩn bị có người yêu mà anh bắt em đóng giả gái thì “sái” lắm. Nhỡ may sau hội diễn mọi người lại nghĩ em không chuẩn men thì toi”. Thấy Hiểu nói vậy, anh Hưng ra sức động viên, thuyết phục. Cuối cùng, Hiểu đành chấp nhận “hy sinh vì nghệ thuật”. Hội diễn văn nghệ thành công ngoài dự kiến, nhất là màn tiểu phẩm do Hiểu thủ vai chính, đóng giả thành vợ của một sĩ quan trẻ thường xuyên xa nhà. Khổ nỗi, hội diễn hôm đó, trên hàng ghế đại biểu khách mời có cả bác Tiến, bố của Trang, người mà Hiểu đang tìm hiểu. Bác đại diện lãnh đạo địa phương nơi đơn vị đóng quân đến dự.

Lúc đầu, thấy Hiểu điệu đà bước lên sân khấu, ông Tiến rất tò mò. Khi kết thúc vở kịch, biết đích xác diễn viên chính là cậu Hiểu đang tìm hiểu con gái mình, chuẩn bị xin đến “ra mắt”, ông Tiến lắc đầu nguầy nguậy. Vừa về đến nhà, ông gọi con gái ra rồi nói ngắn gọn nhưng hết sức đanh thép: “Bảo cậu Hiểu đừng đến nữa. Đàn ông mà ẻo lả, uốn éo thế cưới nhau về sẽ khổ cả đời con ạ!”. Nghe bố nói vậy, Trang gọi ngay cho Hiểu tìm hiểu đầu đuôi. Sau đó, dù dùng hết mọi cách để thuyết phục nhưng cô vẫn không lay chuyển được ý chí sắt đá của phụ huynh, đành đưa ra phương án tạm dừng gặp Hiểu.

Nghe xong chuyện của Hiểu, anh Hưng hỏi dò:

- Thế chú không có cách gì chứng minh cho gia đình em ấy thấy được chất “đàn ông” của mình à?

- Chứng minh kiểu gì hả anh? Này, anh đừng nghĩ “đen tối” đấy nhé!

Anh Hưng im lặng, vò đầu bứt tai một lát rồi vỗ đùi đánh “đét”:

- Anh có cách rồi! Đợt tổng kết cuối năm này, anh sẽ tham mưu với lãnh đạo đưa thêm phần văn nghệ chào mừng vào, trong đó, mình lại dựng màn kịch. Lần này, anh sẽ để chú thủ một vai nam chính hiên ngang, oai phong, lẫm liệt. Mình sẽ lại mời bác Tiến đến dự, khi ngồi bên anh sẽ tích cực “tâm lý chiến” giúp chú. Chắc chắn bác ấy sẽ thay đổi cách nhìn về chú ngay.

Đúng như lời Chủ nhiệm Hưng nói, tại hội nghị tổng kết, Hiểu tiếp tục khiến mọi người nể phục tài năng diễn xuất của mình khi vào vai nhân vật chính là chỉ huy một tiểu đoàn bộ binh. Trông thần thái, điệu bộ, cử chỉ, giọng nói của Hiểu, ai cũng xuýt xoa, trầm trồ: “Diễn xuất “ngọt” quá, chuẩn như tiểu đoàn trưởng thật ngoài đời vậy”. Ngồi hàng ghế khách mời, vừa xem Hiểu diễn xuất, vừa nghe Chủ nhiệm Hưng “thủ thỉ”, ông Tiến cứ gật gù, tủm tỉm cười liên tục. Sau buổi tổng kết về, ông phấn khởi giục con gái: “Con nói với cậu Hiểu thu xếp công việc, hôm nào đến nhà mình ăn cơm. Hôm nay bố ngồi dưới “chấm” kỹ rồi, thấy chàng rể tương lai này khá lắm con ạ...!”.

Truyện vui của CHIẾN VĂN