Anh Nhật liền hỏi:

- Chú đi tập huấn về rồi đấy à?

- Dạ vâng! Em vừa về đến đây. Đợt này, em gặp anh Thanh, đang công tác ở trường quân sự. Anh ấy khoe là học sĩ quan cùng với anh và gọi anh với biệt danh là Nhật “thoát hiểm”. Em gặng hỏi mãi mà anh Thanh không nói lý do tại sao lại gọi anh như vậy!

leftcenterrightdel
 Minh họa: PHÙNG MINH

 

Nghe cậu em nhắc về người bạn của mình, kèm biệt danh mà ở đơn vị này chưa ai biết, anh Nhật thoáng chút giật mình, nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, hỏi lảng:

-Anh Thanh cũng đi tập huấn đợt này à? Anh ấy thì tếu táo, hay pha trò lắm. Có chuyện gì vui không, kể anh nghe đi?

Thượng úy Sinh có vẻ vẫn chưa quên chủ đề chính, mắt nháy nháy, chớp chớp gạ gẫm:

- Anh kể em nghe về cái biệt danh “thoát hiểm” của anh đi đã. Chỗ thân tình, anh giấu em làm gì?

Khó từ chối trước sự gạ gẫm của cậu em thân thiết, Đại úy Nhật đành phải kể cho Sinh nghe “bí mật” từ hồi học sĩ quan của mình mà lâu lắm rồi không ai nhắc tới. Hôm đó, lớp tổ chức thi hết môn Triết học. Đây là môn học mà Nhật “hãi” nhất vì với những môn học khác, Nhật chỉ đọc tài liệu vài lần kết hợp nghe giảng, thảo luận trên lớp là nhớ ngay, nắm chắc bản chất vấn đề. Riêng với môn này thì cố lắm anh cũng chỉ nhớ mang máng, có lúc đọc xong chuyên đề sau, quay lại chuyên đề trước lại cảm thấy hoàn toàn mới mẻ. Vì vậy, dù trước khi kiểm tra, giáo viên đã quán triệt rất kỹ rằng nhà trường cấm tuyệt đối, sẽ xử lý nghiêm học viên mang tài liệu vào phòng thi, nhưng do không tự tin, Nhật vẫn tìm cách phô tô thu nhỏ làm hai cuốn “phao” to bằng bàn tay, kín đáo mang vào phòng thi.

Hôm đó, do cách đánh số báo danh kiểu mới nên Nhật ngồi ngay chính giữa chiếc camera giám sát của nhà trường. “Thôi chết rồi! Mắt thần camera soi thẳng vào mình thế này thì còn “làm ăn” gì nữa”, Nhật trộm nghĩ rồi dặn lòng quyết không “sờ” đến tài liệu để tránh bị camera “bắt” được. Cũng may, sau khi đọc đề, Nhật thấy các câu hỏi đều xoay quanh những vấn đề mình nắm cơ bản nên hai tệp “phao cứu sinh” kia chẳng còn tác dụng nữa. Nhưng khổ nỗi, nhớ đến quy chế thi thầy quán triệt, chỉ cần bị phát hiện mang tài liệu vào phòng thi là thí sinh dù không sử dụng vẫn bị lập biên bản nên Nhật vẫn thấy lo, sợ bị “lộ”.

Nghĩ vậy nên Nhật quyết định xin ra ngoài để “tẩu tán” tài liệu, nhưng theo quy chế, phải sau 2/3 thời gian làm bài, thí sinh mới được ra ngoài. Vậy là Nhật đành ngồi xuống, tiếp tục làm bài trong nỗi lo sợ nơm nớp. Vừa làm bài vừa liếc đồng hồ, đến đúng 2/3 thời gian, Nhật đứng dậy xin ra ngoài. Do tâm lý muốn nhanh chóng trút bỏ số “phao” khỏi người nên vừa ra khỏi cửa lớp, Nhật đã vội thục tay vào túi áo móc tài liệu ra. Ngẩng lên, Nhật tối sầm mặt khi thấy đồng chí cán bộ thanh tra nhà trường trước mặt. Ngay lập tức, cán bộ thanh tra tiến hành lập biên bản sự việc...

 Nghe kể đến đây, Sinh không giữ được bình tĩnh, hỏi:

- Thế anh có bị đuổi học không?

- Bị đuổi học thì làm sao bây giờ anh có thể ngồi ở đây? Anh Nhật cười hiền.

 Theo anh Nhật kể lại, thấy bị lập biên bản, cả lớp đều lo lắng nên bàn bạc và quyết định làm đơn xin “giảm nhẹ kỷ luật” cho anh. Trong đơn có trình bày những lý do là học viên Nhật học tập rất nghiêm túc, chưa từng vi phạm quy chế thi; bài thi hôm đó Nhật làm đã gần xong, không phụ thuộc vào “phao”... Sau khi cơ quan chức năng xem lại camera, lãnh đạo nhà trường đã chấp nhận giảm nhẹ hình phạt cho Nhật. Do đó, Nhật vẫn tốt nghiệp ra trường, sau này trở thành sĩ quan ưu tú.

Kể xong câu chuyện của mình, anh Nhật vỗ vai Sinh nói: "Sau vụ đó, mọi người trong lớp gắn cho anh biệt danh Nhật “thoát hiểm”. Dù “thoát hiểm” thật, nhưng với anh, đó là bài học nhớ đời! Từ đó, làm việc gì anh cũng đều nghiêm túc, suy nghĩ kỹ lưỡng để không bao giờ phải rơi vào tình huống “thoát hiểm” như thế nữa".

Truyện vui của CHIẾN VĂN