Tìm hiểu chiết tự từng thành tố trong câu thành ngữ, theo quyển “Hán Việt từ điển giản yếu”, Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, năm 2009, trang 456, “môn” là cửa để ra vào (cửa có hai cánh). Trang 312, “hộ” là cửa nhà, cửa có một cánh. 

Giáo sư Nguyễn Lân giải thích trong cuốn “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn học, năm 2016, trang 280, “môn đương hộ đối” có nghĩa là cửa nhà xứng với nhau, một quan niệm cũ về hôn nhân, đòi hỏi nhà trai và nhà gái phải tương xứng về địa vị xã hội.

Vào đời Hán, nhà quan thường đặt đôi trống bằng đá trước cửa (do tiếng trống vang dội uy nghiêm nên được cho là tượng trưng của sấm sét, có hiệu dụng xua đuổi tà ma, xui rủi), đôi trống đá này gọi là “môn đương”.

Quan từ hàm tam phẩm trở lên mới được dựng cửa hai cánh và bày “môn đương”. Quan văn thì môn đương có hình tròn, quan võ thì môn đương có dạng vuông. Quan tòng tam phẩm thì có hai môn đương, chánh tam phẩm được bốn, nhị phẩm được sáu, nhất phẩm được tám và duy chỉ cung vua mới được bày chín môn đương. Do đó, cứ đếm môn đương là biết cấp phẩm của nhà quan và căn cứ vào hình dạng của môn đương để phân biệt quan văn hay võ.

Quan dưới tòng tam phẩm chỉ được làm cửa một cánh, ở thanh đà phía trên khung cửa được đặt đôi trụ hình tròn nhô ra khoảng một tấc, gọi là “hộ đối”. Hộ đối tượng trưng cho nam đinh, đặt trên cửa là ngụ ý gia tộc hưng vượng. Tùy phẩm hàm mà có hộ đối nhiều ít khác nhau.

 “Môn đương hộ đối” có nghĩa đen là sự phân biệt quan chức cao thấp. Câu thành ngữ có hai vế tách biệt, mỗi vế tự tìm đối tượng bằng vai phải lứa với nhau. Nói rộng hơn là con nhà trọng thần có môn đương thì nên phối ngẫu với nhà có môn đương và tương tự, con nhà quan nhỏ chỉ có hộ đối thì chỉ nên gả cho nhà có hộ đối, chứ môn đương không thể cùng hộ đối cưới gả.

Xưa, người ta quan niệm vợ chồng về căn bản phải có cùng hệ quy chiếu thì mới có thể hòa hợp lâu bền. Người không cùng đẳng cấp sẽ có quan điểm bất đồng, dễ tạo nên xung đột, khiến đời sống hôn nhân trở nên trục trặc, thành gánh nặng trong đời.

VĂN TUẤN