Trong cuốn “Các thú tiêu khiển Việt Nam: Thú vui tao nhã”, Nhà xuất bản Trẻ, năm 2011, đã viết: “Ngày Tết là ngày thiêng liêng nhất đối với dân tộc Việt Nam. Ngày Tết bắt đầu một năm và đây cũng là tiết lễ đầu tiên của năm”. Nhắc nhở thế hệ sau luôn ghi nhớ, thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Tôn sư trọng đạo" trong những ngày đầu xuân mới, cha ông ta có câu: "Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy".

Tìm hiểu ngữ nghĩa thành tố trong câu, chữ “Tết” trong câu thành ngữ trên là động từ, một nét văn hóa độc đáo của người Việt. Đó là việc đi chúc Tết.  

Với người Việt ta, “cha” là bên nội, “mẹ” là bên ngoại. Theo quan niệm, ngày mồng Một là ngày đầu tiên trong năm mới, có tính chất tượng trưng cho sự khởi đầu. “Mồng Một Tết cha” nghĩa là ngày mồng Một, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột thịt tập trung sang chúc Tết bên nội; "mồng Hai Tết mẹ” thì mồng Hai đến nhà ngoại thăm hỏi, chúc tụng, tỏ lòng thành kính. Sau những nghi thức trang trọng, đầm ấm thân tình, ông bà, cha mẹ, con cháu thường tổ chức ăn cỗ Tết đông vui. Nếp sống đẹp ngày Tết thể hiện sự tri ân của con cháu với ông bà, cha mẹ hai bên nội ngoại-cái gốc sinh thành và giáo dưỡng mình nên người.

Trong quyển “Việt Nam phong tục”, Nhà xuất bản Văn học, năm 2005 có viết: "Sáng mồng Một thì làm cỗ cúng gia tiên... Cúng xong thì con cháu ra mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu mỗi đứa một vài xu hoặc một vài hào gọi là tiền mừng tuổi”.

Sau khi đã chúc Tết hai bên nội ngoại-những người đã có công sinh thành-thì tiếp đến là chúc Tết thầy cô-những người có công dạy bảo chúng ta nên người. Đây cũng là ý nghĩa của vế câu “mồng Ba Tết thầy”.

Với người Việt, từ xưa đến nay, đạo lý thầy trò luôn rất được coi trọng. Thầy được coi trọng như cha. Tết đến cũng là dịp học trò thể hiện lòng biết ơn, kính trọng đối với thầy giáo, cô giáo bằng việc đến thăm và chúc Tết. Đây là truyền thống tốt đẹp "Tôn sư trọng đạo"-nét giá trị văn hóa cốt lõi của người Việt.

Câu thành ngữ "Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy" không chỉ mang tính chất chỉ dẫn cách ứng xử, thứ tự nghi lễ ngày Tết mà còn nhắc nhở sự tôn kính đối với bậc sinh thành và người dạy dỗ. Đây là biểu hiện của đạo hiếu mà mọi người cần gìn giữ trong tâm trí và hành động của mình.

Hiện nay, cuộc sống có nhiều sự thay đổi nên việc thăm chúc Tết không nhất thiết phải diễn ra theo đúng ngày mà có thể linh động để thuận tiện cho mỗi cá nhân và gia đình. Tuy nhiên, câu thành ngữ vẫn nguyên giá trị, nhắc nhở mọi người gìn giữ nền nếp gia phong, tình cảm, lòng biết ơn với gia đình, tổ tiên và người đã dạy dỗ mình.

VĂN TUẤN