Theo quyển “Hán Việt từ điển”, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 2009, trang 215, “Đầu thử kỵ khí” có ý nghĩa là muốn trừ cái hại do một người nhưng lại sợ bị thương, phạm đến người mình kiêng né.

Còn trong quyển “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn học, năm 2016, trang 302, Giáo sư Nguyễn Lân giải thích “Ném chuột còn ghê cũi bát” ý nói muốn trừ một điều hại cũng phải dè chừng để tránh sự tổn thương đến những mối liên quan đến điều hại đó.

Trong truyện “Tam quốc diễn nghĩa” có ghi câu chuyện Tào Tháo đi săn cùng nhà vua và các quần thần. Đi qua một cái gò, chợt thấy trong bụi gai một con hươu lớn chạy ra, vua bắn luôn ba phát không trúng, bèn ngoảnh lại bảo Tào Tháo bắn.

Tào Tháo xin mượn cung ngọc tên vàng của vua, giương lên bắn một phát, trúng ngay giữa lưng, hươu ngã trong đám cỏ. Các đại thần và tùy tùng trông thấy lưng hươu có tên bịt vàng, tưởng vua bắn trúng, cùng chạy lên trước mặt vua reo: "Vạn tuế!". Tào Tháo tế ngựa ra đứng trước mặt vua để nhận lấy những lời chúc mừng.

Trăm quan thấy vậy ai nấy đều tái mặt. Sau lưng Huyền Đức, Quan Vân Trường giận lắm, cầm đao, thúc ngựa định ra chém Tào Tháo. Huyền Đức biết ý, vội vàng vẫy tay đưa mắt. Quan Công thấy anh ra hiệu, phải chịu đứng im.

Khi các quan tướng đâu đã về đấy rồi, Quan Vũ mới hỏi. Lưu Bị nói: "Ném chuột còn phải lo vỡ đồ quý, Tháo đứng cách vua chỉ có một đầu ngựa, mà những người tâm phúc nó đi xúm xít cả chung quanh, nếu em nhân cơn giận làm liều không nghĩ, nhỡ việc không xong, hại đến Thiên tử thì có phải tội tại chúng ta không?".

Như vậy, câu tục ngữ “Ném chuột sợ vỡ bình” còn mang thêm lớp nghĩa bóng. Lưu Bị dùng với nghĩa: Trừng trị, tiêu diệt kẻ thù cần phải khôn ngoan, tránh làm tổn hại chính mình.

Ấy chính là cái khó khi muốn tiêu diệt địch hại mà chúng lại luôn tìm cách nương náu, dựa dẫm, lẩn khuất vào những thứ mình đang cần bảo vệ.

 

VĂN TUẤN