Theo cuốn “Từ điển tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 847), “ngạo mạn” là kiêu ngạo đến mức hỗn xược, tỏ ra khinh thường; trang 926, “Nịnh hót” là nịnh nọt và ton hót. Nịnh bằng cách luồn cúi hèn hạ.

Trong quyển “Tứ thư bình giải” (Nhà xuất bản Tôn giáo) có ghi lại cuộc trò chuyện của Tử Cống và thầy Khổng Tử. Tử Cống là người giỏi về buôn bán và giàu có. Ông cũng là một cao đệ có tài ăn nói của đức Khổng Tử. Một lần trò chuyện, ông muốn đức Khổng Tử đánh giá xem mình thuộc vào hạng người nào.

Tử Cống thưa: “Bần nhi vô siểm, phú nhi vô kiêu, hà như?”.

Đức Khổng Tử đáp: “Khả dã. Vị nhược bần nhi lạc, phú nhi hiếu lễ giả dã”.

Dịch nghĩa:

Tử Cống thưa: “Nghèo mà không nịnh hót, giàu mà không ngạo mạn, như vậy là thế nào?”.

Đức Khổng Tử đáp: “Khá đấy. Nhưng chưa bằng nghèo mà vui, giàu mà ưa thích điều lễ”.

Kiến giải về cuộc trò chuyện của thầy trò Khổng Tử và Tử Cống trong quyển “Tứ thư bình giải” trang 26 viết, khi nghèo khó, một số kẻ thường hay nịnh hót người giàu sang, quyền thế để kiếm lợi. Khi đã giàu thì lại sinh tính ngạo mạn tự cao, khinh rẻ những người nghèo khó hơn mình. Đó đều là kẻ tiểu nhân, kém đạo đức, không có lòng tự trọng.

Người có lòng tự trọng, có đức tự chủ không tỏ ra hèn kém, đánh mất phẩm giá mình trong lời nịnh hót; người ấy cũng không ngạo mạn, coi rẻ giá trị người khác. “Không nịnh hót, không ngạo mạn” chính là trạng thái tâm lý của một người đã đạt tới mức độ vững vàng trong tu thân, tu tâm, lập đức. Đó là đức hạnh của người quân tử.

Đức Khổng tử nói “khá đấy” tức là có ý ngợi khen. Tuy nhiên, ngài nói thêm: “Nhưng chưa bằng nghèo mà vui, giàu mà ưa thích điều lễ”.

“Nghèo mà vui” chỉ tình trạng tâm thức con người không còn lệ thuộc vào vật chất nữa. “Ưa thích điều lễ” chỉ tình trạng con người sống từ lời nói đến việc làm đều thuận theo lễ nghĩa.

Con người nếu không có đức hạnh, khi trở nên giàu có thường hay buông thả theo dục vọng mà đánh mất lễ (thất lễ). Nếu giàu có mà ưa thích điều lễ tức là có cơ hội, có khả năng tiền tài để buông thả theo dục vọng nhưng vẫn không sa ngã, vẫn tự chủ trong đức nhân. Đó thực sự là người quân tử.

VĂN TUẤN