Theo Giáo sư Nguyễn Lân trong cuốn “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhà xuất bản Văn học, năm 2016, trang 423) giải thích: “Thông đồng bén giọt” nói công việc trôi chảy, không có gì trở ngại.

Từ xa xưa, con người đã biết chế tạo ra chiếc đồng hồ để đo thời gian trong ngày. Chữ “hồ” ở từ “đồng hồ” nghĩa là cái bình chứa nước. Đồng hồ nghĩa là cái bình, hay hệ thống bình dùng nước để tính thời gian. Cái bình chứa thường làm bằng đồng hoặc là hợp kim của đồng với thiếc (đồng điếu) vì dễ đúc...

Ở đáy mỗi bình có một lỗ nhỏ để nước (hoặc thủy ngân-dùng khi lạnh quá, nước đóng băng) nhỏ giọt đều đặn xuống. Ở cái bình dưới cùng có khắc giờ, kèm một cái phao có gắn kim để chỉ giờ. Dần dần kỹ thuật phát triển tới mức làm cho đồng hồ tự đánh chuông báo giờ. Người ta đổ nước (thủy ngân) đầy đồng hồ, nước nhỏ giọt và vơi dần. Nhìn ngấn nước ở đồng hồ biết được thời gian trong ngày. Khi thông đồng là nước chảy đều. Còn khi giọt nước nhỏ đều đặn, nghĩa là bén giọt thì đồng hồ chạy đều, thời khắc chính xác.

Từ hiện thực sự việc trên, sau này dân gian vận dụng cách nói “thông đồng bén giọt” để chỉ công việc suôn sẻ, không bị vướng mắc.

Cùng với thời gian, đồng hồ cơ học ra đời. Lê Quý Đôn viết về chiếc đồng hồ cơ học phương Tây đầu tiên ở Việt Nam, xuất xứ từ Hà Lan, trong cuốn “Phủ biên tạp lục” (Ghi chép tạp về vùng biên thùy đã yên ổn, tức vùng Thuận Hóa, Quảng Nam, thời Chúa Trịnh). Ông miêu tả chiếc đồng hồ cơ, mặt tròn chia làm 12 giờ, với giờ Ngọ trên cùng, có hai kim ngắn dài, bên trong có hệ thống bánh răng, chạy nhờ con lắc phía dưới, hoặc một cái khác thì chạy bằng lên dây cót. Có lẽ nhờ sự giao thương với phương Tây từ thế kỷ 18 mà chúng ta dần dần chuyển cách dùng chữ “đồng hồ” từ việc chỉ cái bình nhỏ nước sang dùng chung cho tất cả dụng cụ đo thời gian. Và câu thành ngữ “thông đồng bén giọt” vẫn được dùng đến ngày nay.

VĂN TUẤN