Theo quyển “Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 1.220, “thùng” là đồ đựng bằng kim loại hoặc bằng gỗ hình trụ hoặc hình hộp; còn “rỗng” (trang 1.055) nghĩa là không có phần lõi, phần ruột ở bên trong, mà chỉ có lớp vỏ ngoài; “kêu” (trang 616) là có âm thanh to, vang.

Như vậy, ở lớp nghĩa thứ nhất, câu thành ngữ nói đến chiếc thùng rỗng, khi gõ vào sẽ phát ra âm thanh rất to, bởi không gặp bất kỳ sự cản trở nào ở bên trong. Trái ngược với chiếc thùng có chứa đồ vật bên trong, khi gõ vào thì vì bị các đồ vật bên trong cản lại nên âm thanh phát ra nhỏ.

Từ việc quan sát một hiện tượng thực tế, ông cha ta đã dùng thành ngữ “Thùng rỗng kêu to” để ám chỉ, phê phán những người có sự hiểu biết hạn hẹp nhưng lại thích khoe khoang, khoác lác. “Thùng rỗng” được dùng để chỉ người có trình độ, năng lực thấp kém nhưng lại thích “kêu to”, nghĩa là lúc nào cũng tỏ vẻ thông thái. Những người này thường thích phô trương sự hiểu biết của mình để nhận được sự ngưỡng mộ từ người khác mà không ý thức được mình rất nông cạn.

Theo quyển “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 2000, trang 563, “Thùng rỗng kêu to” ý nói kẻ hay to mồm lớn tiếng khoe khoang thường lại là kẻ bụng dạ rỗng tuếch, ít hiểu biết, lười suy nghĩ, bất tài vô dụng.

Trong xã hội hiện nay, bên cạnh những người khiêm tốn, có rất nhiều người thích thể hiện bản thân dù họ chẳng hề tài giỏi.

“Thùng rỗng kêu to” là một tính cách xấu, đầu tiên, phải kể đến chính là do căn bệnh tự cao tự đại. Chính vì thói quen tự mãn, kiêu căng nên những người “thùng rỗng” dường như chẳng coi ai ra gì, lúc nào cũng tỏ vẻ ta đây, cái gì cũng biết, cũng giỏi, từ đó sinh ra bảo thủ, không chịu học tập, rèn luyện.

Thứ hai, kiểu người “thùng rỗng kêu to” thường dễ mắc phải căn bệnh “ảo tưởng sức mạnh”, nghĩa là họ mới biết được một chút, làm được một ít thì đã cho rằng bản thân rất tài giỏi, hiểu biết hết mọi thứ trên đời nên phải đứng trên người khác, hành động, lời nói đều mang phong cách “lãnh đạo”, “chỉ đạo” người khác. Thế nhưng họ lại không hề biết rằng, những việc họ làm nếu đem so với những người tài giỏi thật sự thì vô cùng nhỏ bé, chẳng đáng là bao.

Thứ ba, “thùng rỗng kêu to” cũng là một biểu hiện của thói ba hoa, khoác lác, mà ngôn ngữ giới trẻ hiện nay hay gọi là “nổ”, “chém gió”... Thực tế, “kêu to” cốt để che giấu sự rỗng tuếch, yếu kém của bản thân.

Như vậy, ngoài ý phê phán, câu thành ngữ còn răn dạy bản thân mỗi người phải tự “biết mình, biết ta”. Hãy học cách sống khiêm tốn, thật thà, chân thành, tôn trọng người khác, luôn cố gắng nâng cao tri thức bản thân để không bị tụt lại phía sau.

VĂN TUẤN