Sau phút hân hoan, Công chợt nhớ ra, để có thành tích ấy, là nhờ sự đóng góp rất lớn của Trung úy Tài, chàng sĩ quan trẻ mới được điều động về đơn vị. Hôm đó, Công đang đứng suy tư trước khu vườn rau và đu đủ trĩu quả, Tài lại gần trò chuyện. Sau khi biết ý định của Công là sẽ báo cáo với chỉ huy cho thu hoạch toàn bộ số rau và tỉa những quả đu đủ già, sắp chín đưa vào dự trữ, đề phòng bão to, dài ngày, Tài mạnh dạn góp ý:

- Theo em, anh nên cho thu hoạch toàn bộ vườn rau và hái hết quả đu đủ cả già lẫn non!

Nghe Tài nói vậy, Công hốt hoảng:

- Hái toàn bộ thì anh em mình ăn đến tết... Công-gô chẳng hết. Chưa kể, đu đủ còn non thế kia, hái sớm phí lắm!

- Em nghe dự báo, bão lần này rất to, sức gió giật rất mạnh, có thể quật đổ toàn bộ những cây đu đủ này. Lúc đó, còn lãng phí hơn nhiều. Còn nếu rau, quả nhiều quá, chúng ta có thể mang đi tặng bà con dưới bản. Em thấy dưới đó có nhiều hộ khó khăn, mưa bão thế này sợ không có gì ăn đâu ạ. Nhất là một số hộ xóm lẻ, nằm cách biệt ở dãy núi bên kia.

Thấy Tài nói có lý, Công mạnh dạn gặp, báo cáo chỉ huy phương án trên và nhận được sự nhất trí rất cao. Biết tin anh Công được chỉ huy giao triển khai nhiệm vụ này, Tài đến gặp và xung phong xin được tham gia cùng một số chiến sĩ mang rau, đu đủ xanh đi tặng người dân. Trước việc làm đó, bà con hết sức cảm động, viết thư cảm ơn, rồi được chính quyền địa phương và cấp trên ghi nhận, biểu dương. Như vậy, đóng góp của Tài là quá lớn ấy chứ!

Nghĩ đến đó, Công liền đi xuống khu phòng của Tài, thông báo cho chàng sĩ quan trẻ tin vui mình vừa nhận. Tài phấn khởi, hân hoan ra mặt. Nhưng, khi nghe anh Công nói sẽ báo cáo chỉ huy khen thưởng cho mình, Tài hốt hoảng:

- Anh ơi, cái chuyện khen thưởng thì em xin... thôi ạ!

- Sao lại thôi? Cậu rất xứng đáng! Nói thật, cậu còn có công lớn hơn cả tớ đấy!

- Úi! Em không dám nhận đâu ạ! Vì em... có lợi dụng việc công để làm việc “tư” ạ!

- Nghĩa là sao? Cậu nói rõ cho tớ xem nào?

Thấy mặt anh Công nghiêm nghị, Tài đỏ ửng mặt, gãi gãi đầu, rồi ấp úng:

- Dạ, hôm đó, thực ra em xung phong mang rau, đu đủ đi tặng các hộ dân xóm lẻ là vì trong xóm đó có gia đình của Giàng A Xinh, cô sinh viên năm cuối trường sư phạm tỉnh em mới quen ạ. Em muốn nhân dịp này đến để tạo hình ảnh và...

- Vậy là cậu đã lừa dối cấp trên, lợi dụng việc công để làm việc tư. Lỗi này cậu biết sẽ bị xử lý như thế nào không?

- Dạ, dạ. Em xin lỗi. Mong anh tha lỗi cho em!

Nhìn Tài mặt hết đỏ chuyển sang tái, giọng lắp bắp, Công bật cười:

- Trời! Tớ trêu cậu đấy! Thực ra cái lỗi cậu nói không quá lớn, vì không gây ra hậu quả gì, chỉ mang lại kết quả tốt thôi. Chưa kể, cậu còn rất thật thà khi đã chủ động nói ra nguồn cơn sự việc. Còn chuyện cậu lồng việc công vào việc riêng là rất nhanh nhạy, linh hoạt đấy chứ? Cái này rất tốt mà. Mà tớ hỏi thật nhé, sao cậu mới về đồn chưa lâu, em hoa khôi Giàng A Xinh thì đi học suốt, mà cậu đã quen được thế?

- Dạ, do có duyên ạ! Hôm em về đồn, cũng trùng với ngày Xinh được nghỉ học, về nhà thăm gia đình. Em xách đồ giúp Xinh nên quen nhau, trao đổi số điện thoại. Hôm trước em mang rau đến tặng, cả nhà Xinh đều cảm động. Nhất là lúc em giúp bố Xinh chằng lại mái nhà, quấn lại hệ thống dây điện, nàng nhìn em vẻ tình tứ lắm. Sau đó Xinh còn xung phong dẫn em đi đến giúp mấy nhà trong bản nữa.

- Vậy là tốt quá rồi! Thế cậu đã...

- Ấy chết! Chúng em mới quen mà, sao mà đã như anh nghĩ được!

- Tôi hỏi cậu đã ngỏ lời chưa, chứ có nghĩ gì đâu?

- À, em chưa dám ngỏ lời. Nhưng Xinh cũng ý tứ “bật đèn xanh” là khi ra trường sẽ không bám trụ lại thành phố nữa mà trở về quê để dạy cho các em học sinh của bản làng rồi ạ.

- Vậy là quá ổn rồi! Thế thì cậu càng xứng đáng được đề nghị khen thưởng ấy chứ. Đúng là vẹn cả “công-tư” còn gì?!...

 

Truyện vui của KHÁNH TÚ