Từ Cục trưởng Cục Quân huấn đầu tiên...

Xuất thân từ gia đình nhà Nho và lương y ở thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, tốt nghiệp Tú tài ở Huế, ông Phan Văn Phác thi đỗ vào trường quân sự ở Sơn Tây (nay là thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội), tháng 9-1943. Tốt nghiệp sĩ quan hạng ưu với hàm trung úy của quân đội Pháp, tương lai mở rộng trước mắt, nhưng theo tiếng gọi của Tổ quốc, Phan Văn Phác đã từ bỏ tất cả để tự nguyện dấn thân vào cuộc trường kỳ kháng chiến đầy khó khăn, gian khổ của dân tộc. Trước đó, ở tuổi thanh niên, ông đã tham gia phong trào vận động dân chủ do đồng chí Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn) lãnh đạo đấu tranh mở rộng quyền dân chủ ở Huế (1936-1937). Hai năm học ở trường đại học quân sự, ông đã tham gia phong trào dân chủ chống phát xít.

Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), trong một chuyến hành quân lên Sơn La, ông Phan Văn Phác gặp đồng chí Khuất Duy Tiến (1910-1984), nhà hoạt động cách mạng, khi đó là Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội, những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Biết nhau từ thời kỳ đấu tranh dân chủ (năm 1938), được sự chỉ đường của đồng chí Khuất Duy Tiến, ông Phác đã đi theo Việt Minh tham gia làm công tác binh địch vận và chiến đấu chống phát xít Nhật.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đầu tháng 10-1945, ông Phan Văn Phác được cử làm Ủy viên Hội đồng nghiên cứu xây dựng Quốc phòng. Với cương vị này, ông được tham dự cuộc gặp mặt và đối thoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh với hai đại diện chính phủ Pháp tại Đông Dương là Pignon và Sainteny, tố cáo Pháp vi phạm quy định của đồng minh, núp bóng quân Anh chiếm đóng Nam Bộ. Sau sự kiện này, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Phan Phác đã tư vấn cho Bộ Tổng Tham mưu tổ chức những đoàn quân Nam tiến đưa quân vào Nam Bộ và Nam Trung Bộ tiếp viện cho đồng bào chiến đấu chống thực dân Pháp.

leftcenterrightdel

Cục trưởng Cục Quân huấn Phan Văn Phác (bên phải) báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lễ khai giảng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (26-5-1946). Ảnh tư liệu

Ngày 25-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh cử ông Phan Văn Phác làm Cục trưởng Cục Quân huấn. Với cương vị Cục trưởng Cục Quân huấn (từ tháng 3-1946 đến tháng 5-1948), ông vừa xây dựng cơ quan Cục Quân huấn, vừa triển khai công tác tổ chức và trực tiếp chỉ đạo, tham gia giảng dạy khóa 1 tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) ở Sơn Tây; khóa 2, khóa 3 ở Việt Bắc; tổ chức và chỉ đạo huấn luyện dân quân tự vệ ngoại thành Hà Nội và dọc theo Quốc lộ 1, Quốc lộ 5, Quốc lộ 6 và Đường 32 đi Sơn Tây...

Tháng 2-1948, theo chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh, Cục Quân huấn tổ chức Hội nghị quân huấn toàn quốc lần thứ nhất tại La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Hội nghị này đã thống nhất việc tổ chức, phương pháp đào tạo cán bộ, huấn luyện bộ đội và lập kế hoạch luyện quân lập công. Sau hội nghị này, ông mở lớp tập huấn và huấn luyện quân sự đầu tiên, tuyển sinh khóa 4 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Tháng 4-1948, Bộ Quốc phòng cử ông Phan Phác làm phái viên giúp các đơn vị “Luyện quân, lập công” ở đơn vị chủ lực của Bộ; giúp chỉ huy ở Mặt trận 2 Đông Bắc và Đường số 4 Cao-Bắc-Lạng.

Trong hồi ức “Thầy Phan Phác với Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn”, ông Võ Khắc Vui, học viên khóa 1 (năm 1946) kể lại: “Từ tháng 8-1946 đến tháng 5-1948, với cương vị Cục trưởng Cục Quân huấn, ông đã tổ chức trực tiếp chỉ đạo và tham gia giảng dạy các khóa 1, 2, 3 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, tổ chức mở lớp đào tạo thiếu sinh quân đầu tiên ở Hà Nội và lớp kỵ binh tại Bắc Kạn, giảng dạy ở Trường bổ túc Quân sự Trung cao cấp tại Đại Từ, Thái Nguyên, tổ chức và chỉ đạo huấn luyện dân quân tự vệ ở ngoại thành Hà Nội”.

leftcenterrightdel
 Đại tá, Giáo sư Phan Văn Phác (1915-2009). Ảnh tư liệu 

... đến Giáo sư Phan Phác

Tháng 6-1949, ông Phan Văn Phác được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định cử làm Quyền Tổng Tham mưu phó (nay là Phó tổng Tham mưu trưởng) Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng với Đại tá Đào Văn Trường, Đại tá Vũ Hiển, Đại tá Phan Phác là thế hệ Phó tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong năm 1949, Đại tá Phan Phác ghi dấu ấn với việc trực tiếp phụ trách Phòng Tác chiến (nay là Cục Tác chiến), tổ chức theo dõi nắm tình hình chiến sự ở từng mặt trận, từng chiến trường trong cả nước; chỉ đạo Ban Nghiên cứu không quân và Ban Nghiên cứu thủy quân chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, mở lớp đào tạo cán bộ làm tiền đề để sau này phát triển thành Quân chủng Phòng không-Không quân và Quân chủng Hải quân. Đồng thời, ông còn nghiên cứu củng cố tổ chức cải tiến lề lối làm việc, bồi dưỡng cán bộ về nghiệp vụ công tác tham mưu chiến lược; quan hệ chặt chẽ với Cục Quân huấn, Cục Quân lực giúp Bộ chỉ đạo huấn luyện bộ đội và đào tạo cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ xây dựng LLVT và chiến đấu ở chiến trường Bắc Bộ.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hình ảnh Đại tá Phan Văn Phác vẫn in đậm trên các mặt trận của chiến trường chủ lực Bắc Bộ từ Mặt trận Đông Khê-Thất Khê-Đường số 4 (Chiến dịch Biên giới 1950) xuống tới Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ (Chiến dịch Trần Hưng Đạo-Hoàng Hoa Thám-Quang Trung).

Năm 1951, Đại đoàn Công binh và Pháo binh gọi tắt là Đại đoàn Công-Pháo 351 ra đời, các đồng chí: Vũ Hiển, Phạm Ngọc Mậu và Phan Phác được cử tham gia Ban chỉ huy đầu tiên của Đại đoàn. Từ đây, cuộc đời ông gắn liền với pháo binh. Mùa xuân năm 1953, đồng chí Phan Phác được cử sang Vân Nam-Trung Quốc cùng với các chuyên gia giải phóng quân Trung Quốc chuẩn bị và tổ chức cho Trung đoàn 45 (lựu pháo 105mm) hành quân về nước để tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ góp phần làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”.

Năm 1957, Bộ Quốc phòng thành lập Trường Sĩ quan Pháo binh do Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh làm Hiệu trưởng, Đại tá Phan Phác được bổ nhiệm làm Hiệu phó. Trước đó, ngày 15-7-1955, ông được phong học hàm Giáo sư. Trên cương vị mới, Đại tá, Giáo sư Phan Phác vừa xây dựng nhà trường, vừa mở lớp đầu tiên cho số cán bộ từ đại đội đến trung đoàn pháo binh nhằm nâng cao năng lực chỉ huy và rèn luyện nếp sống sinh hoạt chính quy.

leftcenterrightdel

Tác phẩm “Cuộc đấu trí bất ngờ” - hồi ức của Đại tá, GS Phan Phác xuất bản năm 2024. Ảnh: DUY NGUYỄN

 

Sau này, khi miền Bắc xây dựng kinh tế làm hậu phương vững chắc cho nhiệm vụ chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, Đảng và Chính phủ đã điều một số cán bộ cao cấp ưu tú của Quân đội sang tăng cường cho các bộ làm kinh tế. Lúc này, Đại tá, Giáo sư Phan Phác được chuyển ngành sang làm Cục trưởng Cục Công cụ và Cơ khí nông nghiệp đầu tiên của Bộ Nông Lâm (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).

Khi còn công tác tại Cục Quân huấn cũng như sau này, Đại tá, Giáo sư Phan Phác vẫn thường xuyên quan tâm đến các đồng đội. Đối với ông, việc được sinh hoạt đều đặn với các cựu chiến binh của Cục Quân huấn là niềm vui cho đến năm 2009 khi ông về với thế giới người hiền. Đại tá, Giáo sư Phan Phác, người Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân huấn là tấm gương của một quân nhân mẫu mực, một trí thức yêu nước tài năng, như một lời nhận xét của đồng đội về ông: Ở ông hội tụ đủ cả 5 điều: Trí-Tín-Nhân-Dũng-Liêm!

Bài và ảnh: DUY NGUYỄN