Đầu năm 1948, đồng chí Hoàng Sâm được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm Thiếu tướng, là một trong những vị tướng đầu tiên của Quân đội ta. Ông là vị tướng đặc biệt với nhiều chiến công, từng đảm nhiệm nhiều trọng trách như: Khu trưởng Liên khu 2, Liên khu 3 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Quân khu Hữu Ngạn, Quân khu 3 và Quân khu Trị-Thiên thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ... Nhiều câu chuyện về ông như một huyền thoại.
Làm giao liên và được Bác Hồ đặt tên
Trong cuốn “Đội quân giải phóng” (1950) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi giới thiệu về cán bộ và đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp nói: "Đây là Hoàng Sâm, Đội trưởng. Từ lúc bé đã thoát ly gia đình làm cách mạng, bôn ba từ trong nước sang Thái Lan và Trung Quốc, trở về hoạt động ở miền biên giới. Bao nhiêu năm bị giặc truy nã, từng lặn lội trong dân chúng các dân tộc Kinh, Mán, Thổ, Nùng, từng vũ trang chiến đấu nhiều với quân tuần tiễu của Pháp, đã làm cho bọn thổ phỉ nghe tiếng là kinh sợ".
Năm 2025 này là tròn 110 năm ngày sinh Thiếu tướng Hoàng Sâm. Ông tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915, tại Lệ Sơn, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Do hoàn cảnh cuộc sống khó khăn, năm 1927, cậu bé Kỳ phải phiêu bạt sang Xiêm (Thái Lan ngày nay) khi mới bước vào tuổi 12. Tại đây, Trần Văn Kỳ được một tổ chức cách mạng của Việt kiều kết nạp vào Đội Thiếu niên tiền phong. Một cơ hội lớn bất ngờ đến với Trần Văn Kỳ là được gặp Thầu Chín (tức lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc). Qua thử thách và giác ngộ, Trần Văn Kỳ được chọn làm liên lạc cho Nguyễn Ái Quốc trong suốt thời gian Người hoạt động tại Xiêm. Cuối năm 1929, khi Người rời Xiêm sang Trung Quốc; nghe theo lời khuyên của Người, Trần Văn Kỳ quyết định ở lại Xiêm để tiếp tục gây dựng phong trào. Trần Văn Kỳ được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương và được giao phụ trách công tác in ấn, phát tán truyền đơn của Hội Việt kiều yêu nước tại Xiêm. Ông bị mật thám Xiêm bắt và giao cho Lãnh sự Pháp ở Bangkok. Tuy nhiên, vì không đủ bằng chứng để kết tội nên Lãnh sự Pháp đã trao trả Trần Văn Kỳ lại cho nhà cầm quyền Xiêm. Ngay sau đó, ông bị trục xuất khỏi Xiêm.
Rời Xiêm, Trần Văn Kỳ tìm đường trốn sang Trung Quốc, đến Quảng Tây thì bắt liên lạc được với một cơ sở cách mạng. Sau thời gian thử thách, được dự các lớp huấn luyện, mùa xuân năm 1937, Trần Văn Kỳ được tổ chức phái về nước hoạt động. Ông bị thực dân Pháp ở Cao Bằng bắt giam chỉ vì không có thẻ thuế thân. Ra khỏi nhà tù thực dân, ông vượt biên trở lại Trung Quốc. Tại đây, Trần Văn Kỳ gặp lại Nguyễn Ái Quốc và được Người đặt cho bí danh Hoàng Sâm. Sau lần gặp gỡ quan trọng này, Hoàng Sâm cùng một số cán bộ quyết định bỏ dở trường Trương Bội Công trở về nước hoạt động.
Vị tướng dũng cảm, tài ba
Đồng chí Hoàng Sâm không những là một nhà quân sự tài ba, một nhà chính trị dày dạn kinh nghiệm mà còn là một cán bộ dân vận giỏi. Thời gian đã trôi qua nhưng trong ký ức của nhiều người dân Cao Bằng vẫn không thể nào quên những câu chuyện huyền thoại về ông-một con người được nhân dân yêu quý, cảm phục, còn kẻ thù thì nể sợ.
Đầu thập niên 1940, ở vùng biên Cao Bằng, nạn thổ phỉ hoành hành dữ dội. Các toán phỉ chia lãnh địa hoạt động, sống ngoài vòng pháp luật, ngang tàng theo kiểu “giang hồ hảo hán”, chỉ nể trọng những người can đảm, tài ba. Để đối phó với bọn phỉ, Ban Châu ủy Hà Quảng chủ trương tiêu diệt những toán phỉ nhỏ, tạm thời hòa hoãn với những toán phỉ có thế lực lớn. Tuy nhiên, với những toán phỉ có thế lực lớn, việc hòa hoãn không dễ chút nào. Nghe đồn ông Trần (Hoàng Sâm), ông Lê (Lê Quảng Ba) là những trang “hảo hán”, được mọi người mến mộ, bọn trùm phỉ Lý Xìu, Voòng A Sáng, Voòng A Sình... muốn thi gan, đọ tài. Lý Xìu cầm đầu toán phỉ kéo từ Lục Khu xuống Pác Bó đòi gặp hai ông. Chúng được ông Trần đón tiếp thịnh tình, coi như anh em. Trùm phỉ Lý Xìu mời hai ông lên Lũng Nặm, sào huyệt của chúng để uống rượu, với điều kiện “chỉ đi một mình, không đem theo quân cơ”.
Để thu phục và hòa hoãn với các toán thổ phỉ, hai ông nhận lời. Mỗi ông chỉ mang theo một khẩu pặc-khoọc, kiếm, lựu đạn rồi cưỡi ngựa lên Lũng Nặm. Chúng nghênh tiếp hai ông bằng rượu ngô, thịt lợn quay và cả não hầu (óc khỉ) tươi... Ông Trần không uống rượu bằng miệng mà bằng mũi, hết cả một cốc đầy, không còn giọt nào, làm cả bọn thán phục. Khi thấy hai ông đã say, chúng đòi thi bắn súng, cưỡi ngựa, ném lựu đạn.
Với khí chất oai phong, khoanh hai tay trước ngực, súng pặc-khoọc đeo lệch một bên, con dao quắm đi rừng giắt bên hông, ông Trần lững thững bước ra khoảng trống. Cho dù đã ngấm hơi men, mỗi tay một súng, ông nâng lên vẩy đâu trúng đó. Hai vỏ chai rượu đặt cách xa 50m bị bắn vỡ tan. Tiếp đó xuất hiện hai mục tiêu di động cách xa 25m, ông Trần quay người từ trái sang phải, nổ súng đồng thanh, cả hai viên đạn đều trúng đích. Lý Xìu thấy vậy vội quỳ gối, chắp hai tay, miệng dạ ran: “Bái phục đại ca! Bái phục đại ca!”. Sau đó, hai ông mời bọn phỉ đấu kiếm nhưng chúng liền xin thôi.
Những tên trùm phỉ gốc Hoa rất trọng đồng họ, đồng hương, đồng môn, đồng niên... nên khi Voòng A Sáng, Voòng A Sình biết ông Trần còn có tên Hoàng Sâm thì nhận là “đồng họ”. (Hoàng phát âm theo tiếng Quảng Đông là Voòng, Hoàng Sâm là Voòng Sám). Cùng với Lý Xìu, hai trùm phỉ họ Voòng xin được kết nghĩa huynh đệ. Tại tiệc rượu kết nghĩa, Lý Xìu và bọn đàn em hứa không tác oai tác quái, chăm chỉ làm ăn trên nương rẫy của mình.
Những hoạt động khôn khéo, kiên quyết, dũng cảm của anh em trong Đội du kích Pác Bó cùng tài năng quân sự và uy tín cá nhân của đồng chí Hoàng Sâm đã hạn chế sự phá phách, lộng hành của những toán phỉ, tạo điều kiện cho các hội cứu quốc của Việt Minh ở vùng Lục Khu phát triển. Từ đó, một vùng biên cương bình ổn, có lợi cho cách mạng.
|
|
Gia đình Thiếu tướng Hoàng Sâm. Ảnh tư liệu
|
Với kinh nghiệm chiến đấu dày dạn, ngay sau khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, được chọn làm Đội trưởng, đồng chí Hoàng Sâm trực tiếp chỉ huy đánh thắng các trận Phai Khắt, Nà Ngần (Nguyên Bình, Cao Bằng), Đồng Mu (Bảo Lạc, Cao Bằng)... Trong trận Phai Khắt (ngày 25-12-1944), Đội trưởng Hoàng Sâm mưu lược, quyết đoán, lợi dụng lúc địch ăn cơm chiều và tên đồn trưởng đi vắng, đã cho Đội cải trang làm quân tuần tiễu của cấp trên đến kiểm tra đồn, bộ phận tiên phong nhanh chóng chiếm kho súng, đội thứ hai bao vây quân lính đang ăn cơm, buộc chúng phải đầu hàng. Cùng lúc đó, tên đồn trưởng trở về cũng bị bắn chết. Kết quả, chỉ trong 10 phút, ta diệt và bắt 18 tên địch, thu 17 súng cùng toàn bộ trang bị và rút lui an toàn. Đồn Phai Khắt bị thất bại nhanh chóng, quân địch vô cùng bất ngờ về hoạt động của quân du kích.
Tại trận Nà Ngần (ngày 26-12-1944), được lệnh của Đội trưởng Hoàng Sâm, Đội cải trang làm một toán lính dõng, lính khố đỏ áp giải 3 "cộng sản Mán" đến giao nộp cho quan đồn. Khi tiếp xúc với địch, ta chủ động nổ súng, tiêu diệt 5 tên, bắt 17 tên, thu 27 súng và nhiều đạn. Thắng lợi của trận Phai Khắt và Nà Ngần mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tại chiến trường Tây Bắc, dấu ấn nghệ thuật quân sự sắc sảo và quyết đoán của đồng chí Hoàng Sâm càng được khẳng định. Tiêu biểu là trận chặn địch ở Dốc Đẹt. Lợi dụng địa hình tự nhiên, Hoàng Sâm bố trí bộ đội trên các dốc cao để mai phục, bình tĩnh chờ quân Pháp đến gần mới nổ súng. Vốn nổi tiếng về tài bắn súng, riêng ông đã tiêu diệt 5 tên địch. Trước tinh thần chiến đấu ngoan cường của bộ đội, địch buộc phải rút lui. Âm mưu đánh úp Bộ chỉ huy Mặt trận Tây Tiến của địch bị ta đập tan.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1955 đến 1968, đồng chí Hoàng Sâm làm Tư lệnh các quân khu: Tả Ngạn, Hữu Ngạn, Quân khu 3, Trị-Thiên. Thời gian này, ông sang làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào (năm 1962, với bí danh là Chăn-đi). Với tinh thần trách nhiệm cao, Thiếu tướng Hoàng Sâm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế, được lãnh đạo nước bạn hết sức tin cậy, kính trọng. Tháng 12-1968, ông hy sinh tại chiến trường Bình-Trị-Thiên ở tuổi 53, khi tài năng quân sự đang tỏa sáng.
Thiếu tướng Hoàng Sâm được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 1999, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
|
NGUYỄN ĐỨC THÀNH