Bây giờ, ở tuổi 107, sức khỏe của vị lão thành cách mạng đã giảm sút nghiêm trọng so với hồi trước Tết Nguyên đán Quý Mão. Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, con dâu của cụ bảo, hơn một tuần qua cụ nằm một chỗ. Sau khi về nhà tĩnh dưỡng, hiện cụ đã có thể nhúc nhắc đi lại trong phạm vi hẹp với sự trợ giúp của người thân. Tai cụ điếc nặng một bên vì dùng thuốc kháng sinh. Trên giường, cụ giao tiếp với người quen qua ánh mắt mờ đục và đôi lông mày trắng như cước trên nếp da mồi nhăn nheo. Với tôi, cụ là một chiến binh tuyệt vời và vô cùng đáng kính. Cụ không chỉ là một chỉ huy dũng cảm, kiên định, chiến thắng kẻ thù trên trận tuyến mà còn có nhiều kinh nghiệm chiến thắng tuổi già, chiến thắng sức ì và bệnh tật.

 

leftcenterrightdel

Đại tá Hoàng Long Xuyên cuối năm 2021. ẢNH: VIỆT VĂN 


Cuối năm 2021, tôi cùng đồng đội đến thăm cụ Long Xuyên. Trong căn nhà cấp 4 giản dị ở tổ 3, phường Chùa Hang (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), cụ nở nụ cười hiền từ khi trò chuyện với chúng tôi. Thời điểm ấy, giọng cụ vẫn sang sảng. Chị Kim Ngân khoe, cụ tập thể dục buổi sáng và buổi tối rất đều đặn như một chiếc đồng hồ. Ban ngày, cụ đọc sách rồi tưới cây, chăm hoa. Khu vườn của cụ có nhiều hoa và chim bồ câu.

Cụ Hoàng Long Xuyên là người dân tộc Tày, sinh năm 1917 tại Cao Bằng và tham gia cách mạng từ rất sớm. Theo cụ kể thì gia đình ngày xưa nghèo lắm, dân bản bị cường hào và thổ ty áp bức đến mức nhiều người phải bỏ lên rừng. Năm 17 tuổi, Long Xuyên đi theo cách mạng và năm 24 tuổi thì được tổ chức cử sang Trung Quốc học quân sự tại phân hiệu trường quân sự Hoàng Phố. Thời gian học tập tại trường, Long Xuyên và các học viên phải trải qua những ngày tháng huấn luyện rất vất vả, hà khắc. Có những buổi học viên phải bò tiếp cận mục tiêu dưới hỏa lực đại liên bắn bên trên bằng đạn thật. Chế độ ăn của học viên cũng vô cùng thiếu thốn, đói khổ nhưng Long Xuyên và các học viên Việt Nam khi ấy đều nỗ lực vượt qua mọi khó khăn. Bạn học cùng ông ngày ấy có nhiều người sau này đã phát triển và giữ các chức vụ cao cấp trong Quân đội ta, như: Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Vũ Lập, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Trung tướng Nam Long...

Cuối tháng 10, đầu tháng 11-1944, đoàn thanh niên học quân sự rời Trung Quốc trở về Tổ quốc. Long Xuyên cùng với một số đồng chí bị lạc trong rừng nên ngày 24-12-1944 mới về đến nơi. Lúc này, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã ra đời được hai ngày. Cụ cứ xuýt xoa với chúng tôi vì đã bỏ lỡ một sự kiện lịch sử trọng đại. Rồi trên phân công Long Xuyên về gây dựng cơ sở cách mạng tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

leftcenterrightdel
 

Đại tá Hoàng Long Xuyên bên con trai và cháu nội, năm 2021. ẢNH: VIỆT VĂN


Sau cuộc khởi nghĩa Thanh La ở xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, ngọn lửa cách mạng vùng Việt Bắc bùng cháy mạnh mẽ. Phong trào chiến tranh du kích, khởi nghĩa từng phần nổ ra tại hàng loạt châu, huyện của các tỉnh Việt Bắc. Trung tuần tháng 3-1945, phân đội do Long Xuyên phụ trách nhận được lệnh cấp trên nhanh chóng đến Phổ Nuống (nay thuộc xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) để nhận lệnh tập trung mít tinh toàn tỉnh và phân công công tác.

Nheo nheo đôi mắt đã mờ và trũng sâu bởi thời gian, Đại tá Hoàng Long Xuyên hào hứng kể tiếp. Đồng chí Đàm Minh Viễn, liên Tỉnh ủy viên truyền lệnh, chuẩn bị và tổ chức cho đơn vị “Đông tiến”. Cụ giải thích, “Đông tiến” có nghĩa là mở đường liên lạc tới Lạng Sơn và mở rộng căn cứ Cao Bằng đến các huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn. Đồng chí Đàm Minh Viễn chỉ đạo: Phương châm hoạt động trong "Đông tiến" là lấy chính trị làm trọng, quân sự hỗ trợ cho chính trị. Xuống Lạng Sơn, đơn vị của Long Xuyên sẽ cùng cán bộ chính trị, quân sự tỉnh này xây dựng cơ sở quần chúng và đánh đồn địch.

Sau đó vài hôm, đêm xuống, toàn phân đội xuất phát theo đường mòn xuyên rừng tiến xuống các địa phương của huyện Thạch An và nghỉ lại một đêm, rồi sau đó vượt sang huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn và chính thức tiến công vào các đồn, bốt của địch.

Câu chuyện đến cao trào, tôi nhận thấy trong đôi mắt mờ đục của cụ như có những đốm lửa sáng rực. Cụ đang hoài niệm về một thời thanh niên sôi nổi. Cụ hào hứng, giọng không có biểu hiện mệt nhọc, cho dù chị Kim Ngân ngồi bên cạnh lo lắng, ý tứ nhắc khéo: “Bố nói chậm thôi”. Bỏ ngoài tai lời chị, cụ hào sảng: Toàn phân đội chiến đấu dũng cảm, lần lượt đánh chiếm kho muối ở Bản Trại (huyện Tràng Định) rồi chia cho dân; đánh đồn Pò Mã, diệt phỉ bảo vệ Bình Gia, giải phóng Điềm He... Dẫu vũ khí rất đơn sơ, chỉ chân trần áo vải nhưng với tinh thần và khí thế tốc chiến tốc thắng, mấy ngày sau, khu giải phóng được nối liền từ căn cứ Cao Bằng đến các huyện biên giới của tỉnh Lạng Sơn...

Cho đến khi Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh thì Việt Minh đã chủ động tiếp ứng cho nhân dân nổi dậy giành chính quyền tại Lạng Sơn. Đến tháng 8-1945, trên cương vị Phân đội trưởng, cụ đã chỉ huy đơn vị hội quân với Đại đội Thoát Lãng, do đồng chí Ngọc Trình làm chỉ huy, tiến hành hỗ trợ quần chúng cách mạng nổi dậy, tiến công quân Nhật, làm chủ Ôn Châu, Hữu Lũng, Thất Khê, Thoát Lãng, Na Sầm... Sau đó, tại châu Điềm He, cụ tham gia cuộc họp của Tỉnh ủy Lạng Sơn, thành lập Ban chỉ đạo khởi nghĩa của tỉnh và đề ra chủ trương, nhanh chóng giải phóng tỉnh lỵ, lập chính quyền cách mạng.

Cụ kể tiếp, ngay sau đó, từ vùng giải phóng, LLVT đi cùng quần chúng nhân dân chia làm hai hướng tiến vào thị xã Lạng Sơn qua các ngả Bằng Mạc, Điềm He. Trời hửng sáng, nhân dân từ các ngả đổ ra chào đón lực lượng cách mạng. Đến đầu giờ chiều, ta đã chiếm lĩnh các vị trí trọng yếu, như: Sở Mật thám, Kho bạc, Sở Dây thép (Bưu điện), phá đề lao, giải thoát cán bộ và quần chúng bị địch bắt. Phân đội Long Xuyên phối hợp cùng các đơn vị bao vây dinh tỉnh trưởng, buộc tỉnh trưởng bù nhìn Linh Quang Vọng phải đầu hàng. Tiếp đó, dưới sự chỉ huy của Ban Việt Minh các châu, huyện, LLVT chủ lực của tỉnh cùng quần chúng cách mạng đã giành chính quyền ở Cao Lộc và Lộc Bình.

Sau khi toàn quốc kháng chiến, Hoàng Long Xuyên được bổ nhiệm làm Trung đoàn phó, rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 và tham gia rất nhiều chiến dịch quan trọng. Năm 1949, cụ được cử làm Phó tư lệnh Mặt trận Long Châu, tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, giúp cách mạng Trung Quốc giải phóng biên khu Quảng Tây và Vân Nam. Trong giai đoạn này, đồng chí, đồng đội đã thân mật lấy tên của cụ đặt cho tên trung đoàn. Từ đây, nhắc đến Trung đoàn Long Xuyên là người ta nhớ ra cụ. Những năm sau, cụ được bổ nhiệm giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn... Năm 1962, cụ về công tác tại Công an vũ trang Việt Bắc, sau đó làm Giám đốc Công an của toàn Liên khu Việt Bắc. Năm 1986, cụ nghỉ hưu với cương vị Thủ trưởng cơ quan Điều tra hình sự, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Chia tay chúng tôi, vị Đại tá đại thọ Hoàng Long Xuyên đọc một bài thơ, giọng sang sảng và tràn đầy tin yêu của cụ khiến chúng tôi xúc động. Nhìn cụ, tôi thấy mình thật nhỏ bé, như đứng trước giá trị của viên ngọc quý. Hy vọng, bài viết là thang thuốc bổ để tiếp thêm tinh thần, nghị lực cho cụ vượt qua bệnh tật, trường thọ mãi cùng con cháu trong gia đình, họ mạc và đồng đội, chứng kiến sự vươn lên xây dựng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại của Quân đội nhân dân Việt Nam.

MẠNH THẮNG