Đáp lại ân nghĩa của thành phố đang trên đà phát triển văn minh, hiện đại, nghĩa tình, ông đã dồn tâm huyết truyền cảm hứng, ngọn lửa đam mê của đạo học cho các thế hệ học sinh, sinh viên...

Ân nghĩa trên quê hương thứ hai

Bây giờ thì người thầy đặc biệt ấy đã yên giấc ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng. Sự ra đi của ông giữa những ngày bầu trời phương Nam sụt sùi trút nước do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, đã thu hút sự chú ý của truyền thông và mạng xã hội. Khắp các diễn đàn đều bày tỏ lòng tiếc thương, cảm phục một con người tật nguyền mang trong mình tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường, nghị lực phi thường, tâm hồn cao cả và khát vọng cống hiến bền bỉ đến hơi thở cuối cùng.

Dâng nén nhang trước linh cữu ông được quàn tại tư gia (phường Phước Long B, TP Thủ Đức), chúng tôi và đông đảo người thân, gia quyến, đồng nghiệp, các thế hệ học trò của ông, ai cũng rưng rưng xúc động. Trên di ảnh, thầy giáo, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký tươi rói nụ cười, như muôn sắc hoa vây quanh linh cữu. Cuốn sổ tang chi chít những trang, dòng cảm thán! Có người từ quê hương Nam Định của ông vừa đến nơi, có người ở xung quanh thành phố đến đây túc trực, lo hậu sự cùng gia đình, cũng có người dù chưa một lần gặp mặt thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, biết tin buồn cũng từ xa lặn lội tới, thắp nén nhang đưa tiễn ông! Doanh nhân Trần Văn Phương, Giám đốc Công ty TNHH Tâm Phát, người học trò cũ và là đồng hương của thầy Nguyễn Ngọc Ký tâm sự rằng, chính tấm gương về nghị lực chiến thắng số phận của thầy Ký đã truyền cho anh ngọn lửa của tinh thần vượt khó. Sự thành công của anh và rất nhiều người từng là học trò của thầy Ký qua các thế hệ, đều có nguồn động lực to lớn từ tấm gương của thầy Ký.

Tôi không phải là học trò thầy Ký, nhưng công việc làm báo giúp tôi có không ít lần được gặp, tiếp xúc với ông. Cuối năm 2013, trong chương trình tọa đàm về hình mẫu giáo viên tương lai, do Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức, với sự tham gia của nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và đông đảo sinh viên, phóng viên, thầy Nguyễn Ngọc Ký đã gieo vào chúng tôi những ấn tượng rất sâu sắc. Lúc bấy giờ sức khỏe của thầy đã yếu do mắc bệnh tiểu đường, nhưng thầy vẫn hăng say và nhiệt huyết. Bằng những câu chuyện thân tình, dí dỏm, thầy Ký mong muốn các thầy, cô giáo tương lai không nên biến mình thành những người thợ giảng bài. Theo thầy, nếu chỉ giảng như một người thợ thì học sinh không cần thiết phải đến lớp. Các em có thể tiếp thu kiến thức bằng nhiều kênh khác nhau. Điều các thầy cô cần làm là mỗi ngày lên lớp là phải “viết” được vào thế giới tâm hồn và tư duy của các em một điều gì đó có ích...

Kể từ khi rời quê hương vào TP Hồ Chí Minh sinh sống năm 1994, thầy Nguyễn Ngọc Ký được bố trí làm việc tại một số trường học, cơ quan trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2005. Trong khoảng thời gian đó, ngoài việc giảng dạy, thầy Ký được tín nhiệm phân công dự giờ giảng bài của các đồng nghiệp trẻ. Thầy tận tâm quan sát, ghi chép, đưa ra những ý kiến đánh giá, đóng góp xây dựng giúp các thầy, cô giáo ngày càng hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp và đặc biệt là truyền lửa nhiệt huyết cho sự nghiệp “trồng người”. Thầy được các trường học, cơ quan, đơn vị, các tổ chức hội, đoàn... khắp nơi mời đến giao lưu, nói chuyện, truyền lửa ý chí, nghị lực cho công chúng. Dù mang trong mình nhiều trọng bệnh, nhưng ngọn lửa nhiệt huyết, yêu nghề của thầy vẫn rực cháy đến chút sức lực cuối cùng. Gần 3 thập kỷ ở Thành phố mang tên Bác, thầy Nguyễn Ngọc Ký đã thực hiện gần 1.500 cuộc giao lưu, giáo dục lẽ sống, truyền lửa cho hàng triệu người. Mỗi hoạt động trên những bước đường đời đều được thầy ghi chép tỉ mỉ bằng đôi bàn chân tài hoa thay cho đôi bàn tay đã bị bại liệt từ nhỏ. Thầy đã chắt lọc, gửi lại cho đời nhiều cuốn sách có nội dung thấm đẫm tình người, lòng nhân ái, ân nghĩa trước sau, đặc biệt là những bài học không bao giờ gục ngã trước hoàn cảnh, số phận. Còn sống là còn học, còn phấn đấu, cống hiến. Hãy cùng thắp lên ngọn lửa của tình yêu, niềm tin và nghị lực trong mỗi trái tim và hãy cùng nhau giữ mãi ngọn lửa ấy ngay cả khi bản thân mình không còn sống trên đời...

leftcenterrightdel

Ý chí, nghị lực, nhân cách Nguyễn Ngọc Ký vẫn mãi tỏa sáng như nụ cười trên di ảnh của ông. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp 

Người ra đi, nụ cười gửi lại

Một trong những dấu ấn sâu đậm mà nhà văn, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký để lại ở mảnh đất và con người Thành phố mang tên Bác là công việc sáng tác văn học. Nói đó là công việc, bởi trong một cuộc gặp gỡ, trò chuyện với một số bạn viết trẻ tuổi của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, khi đồng nghiệp trẻ bàn đến sự nghiệp sáng tác, ông nói, dùng từ “sự nghiệp” đối với bản thân mình nó to tát quá. Khiêm nhường, khiêm tốn là một đặc trưng trong tính cách của ông. Nhà văn Nguyễn Ngọc Ký bước vào con đường sáng tác văn học như một lẽ đương nhiên, bởi chính cuộc đời của ông đã là một tác phẩm-tác phẩm người thật việc thật, không cần bất cứ sự hư cấu, nghệ thuật tu từ nào. Chính vì vậy, văn của ông là thứ ngôn từ được chắt lọc, chưng cất từ chính cuộc đời bất hạnh, nhiều biến cố nhưng cũng đầy vẻ vang, tự hào của mình. Bao trùm lên tất cả trang viết là tình người, tình yêu nghề, các giá trị nhân văn trong sự nghiệp “trồng người” và mọi thông điệp đều khởi nguồn từ nghị lực phi thường và cái tâm luôn hướng thiện.

“Tâm huyết trao đời” là cuốn sách cuối cùng của nhà văn, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký, ra mắt độc giả tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 7-2017. Tựa sách đã lột tả khái quát chủ đề, nội dung, thông điệp của tác giả. Trong gần 50 câu chuyện tự sự về cuộc đời mình, ông dành thời lượng đáng kể viết về những điều ân nghĩa ở TP Hồ Chí Minh, quê hương thứ hai của ông. Thông qua mỗi câu chuyện kể, ông rút ra những bài học kinh nghiệm, những tư duy đổi mới, tâm huyết về nghề dạy học, về đào tạo, phát triển toàn diện con người Việt Nam... để “trao đời”, như một món quà tinh thần gửi lại cho thế hệ sau. Tất cả các cuốn sách của ông đều được viết và ra mắt độc giả tại TP Hồ Chí Minh.

Chị Trần Thị Hồng Vân, con dâu của thầy Nguyễn Ngọc Ký, hiện là giáo viên Trường Cao đẳng nghề TP Hồ Chí Minh tâm sự rằng, trong mái ấm gia đình, chị luôn coi ông như cha đẻ của mình. Nhiều năm vợ chồng chị sống chung với bố mẹ chồng, chị đón nhận ở ông bà tình yêu thương ấm áp. Dù tật nguyền, về già mắc nhiều chứng bệnh, bị suy thận nặng phải chạy thận nhân tạo, nhưng ông luôn cố gắng tự lo liệu các sinh hoạt cá nhân. Nghị lực phi thường của ông như dòng chảy được khơi nguồn từ ngày thơ bé, càng chảy càng đầy, càng ngày càng mạnh. Nó trở thành phương châm, triết lý sống. Các con cháu học được ở ông những điều ấy không chỉ từ bao lời căn dặn mà ở chính sự nêu gương tuyệt vời của ông. Để gia đình luôn hòa thuận, ông khuyên con cháu trong mọi việc, khi có mâu thuẫn thì hãy biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự. Nhường nhịn, chia sẻ, cảm thông, yêu thương... là những thứ không được thiếu trong mái ấm gia đình.

Sức khỏe của ông sa sút kể từ khi ông bị nhiễm Covid-19 vào giữa năm 2021, thời điểm dịch bệnh bùng phát dữ dội. Ông được gia đình đưa vào bệnh viện điều trị, chữa khỏi Covid-19. Nhưng do mắc nhiều bệnh nền, sức đề kháng yếu nên hậu Covid-19, ông bị suy kiệt thể chất, thanh thản ra đi về cõi vĩnh hằng. Biết trước thời điểm ra đi, những tháng cuối đời, ông nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng thơ. Con cháu mua cho ông chiếc máy in. Sáng tác được bài nào, ông tự in ra và gửi cho các cụ ở câu lạc bộ thơ ở phường, quận. Với ông, đó cũng là một cách để sống và chống chọi với bệnh tật.

Thầy Nguyễn Ngọc Ký ra đi là một sự kiện của truyền thông. Tên của ông trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên công cụ Google những ngày qua. Điều đó cho thấy sự quan tâm, lòng ngưỡng mộ của các thế hệ học sinh và công chúng dành cho ông. Vẻ đẹp bình dị mà cao quý mang tên Nguyễn Ngọc Ký đã, đang và sẽ tiếp tục tỏa sáng, như nụ cười trên di ảnh ông đang được truyền thông và các nền tảng mạng xã hội chia sẻ, tôn vinh với tất cả lòng khâm phục, ngưỡng mộ và yêu quý!

NGUYỄN TRẦN THẮNG