Chợt ngồi thừ ra. Đã 50 năm. Bất giác, tôi ngước nhìn lên bầu trời. Sắc thu, trời xanh và trong văn vắt, nắng hanh hao đẹp đến nao lòng. Bầu trời này thật lý tưởng cho lính phòng không tác chiến thời chiến tranh.

Với những người lính phòng không thì điểm nhấn số một là bầu trời. Cuộc chiến của họ là ở đấy. Ngày nắng đẹp hay mây mù, thậm chí mưa dông, thì những pháo thủ cao xạ luôn trực chiến trên mâm pháo, mắt hướng lên bầu trời, dõi theo từng hoạt động của không quân địch để sẵn sàng nhả đạn bảo vệ mặt đất và bầu trời bình yên. Và những người lính phòng không luôn tâm niệm, luôn yêu thương gọi những khoảng trời tác chiến ấy là “Khoảng trời của mẹ”.

        Không nhiều lắm khẩu đội chúng tôi

        Một khoảng trời xanh với sáu người

        Trời nắng hạ cánh chim bay mải miết

        Đêm về sao đính lung linh

        Khoảng trời xanh ôi khoảng trời mẹ dệt...

Lần ấy, khi kết thúc chiến tranh phá hoại năm 1972 của không quân Mỹ, tiến tới ký kết Hiệp định Paris, đơn vị chúng tôi bước vào củng cố để chuẩn bị “đi Bê”. Một cuộc thi báo tường được tổ chức. Tôi có chút năng khiếu văn thơ nên được giao nhiệm vụ biên tập nội dung. Rất vô tình, tôi nhận được bài thơ trên đây của một chiến sĩ Hà Nội. Bài thơ khiến tôi xúc động mạnh. Mà không chỉ riêng tôi, hầu như tất cả đơn vị đều xúc động. Thú thật tôi cũng không rõ có phải anh chiến sĩ kia làm ra hay anh chép ở đâu đó. Nhưng điều đó chả quan trọng gì. Thơ của ai cũng đều giá trị ở sự liên tưởng bất ngờ. Khoảng trời của mẹ dệt lên cho chúng con chiến đấu với quân thù, khoảng trời cho chúng con lời ru bình an, cho chúng con yêu thương, cho chúng con sức mạnh... Bao nhiêu năm đã trôi qua. Chiến tranh kết thúc. Tôi trở về tiếp tục dấn bước trên con đường văn nghiệp. Mấy câu thơ trên cứ luôn ám ảnh tôi. Khoảng trời của mẹ đã trở thành ký ức hóa thạch, không thể lãng quên.

Lứa lính Hà Nội nhập ngũ đầu năm 1972 của chúng tôi có may mắn được vào Quân chủng Phòng không-Không quân, chiến đấu bảo vệ vùng trời miền Bắc rồi sau đấy là chiến trường miền Nam cho đến ngày thống nhất đất nước. May mắn hơn, chúng tôi được biên chế trong cùng một đại đội pháo cao xạ 57mm. Dù điều kiện chiến tranh phải thuyên chuyển qua những vùng chiến trường khác nhau, qua nhiều đơn vị khác nhau... thì Đại đội 41 của chúng tôi còn giữ được phiên hiệu đến tận ngày hôm nay. Thật là điều hiếm có. 

leftcenterrightdel

 Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở Lữ đoàn Phòng không 77. Ảnh: NGUYỄN VĂN 

Sau khi tham gia bảo vệ bầu trời Hà Nội trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng Chạp năm 1972, chúng tôi được lệnh củng cố đơn vị để chuẩn bị hành quân vào Nam. Đầu năm 1974, đại đội chúng tôi trong đội hình của Trung đoàn 262, vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam Bộ và nhập vào Đoàn Phòng không 77 (trước đó, ngày 1-10-1973, Đoàn Phòng không 77-hiện nay là Lữ đoàn Phòng không 77, Quân khu 7-được chính thức thành lập). Trung đoàn 262 là một trung đoàn đặc biệt, toàn pháo cao xạ 57mm có khí tài kèm theo để đánh tự động, lần đầu tiên được bổ sung cho chiến trường miền Nam. Hành quân khoảng hơn 3 tháng thì chúng tôi vào đến Lộc Ninh. Dọc đường không quân địch liên tục đánh phá chặn bước tiến của chúng tôi, nhưng điều kiện chiến trường bấy giờ đã khác, ta làm chủ được không phận bằng hệ thống hỏa lực cao xạ và cả tên lửa để bảo đảm thông suốt con đường chiến lược.

Vùng giải phóng Lộc Ninh những thời khắc cuối năm 1974 tấp nập không khí chuẩn bị cho những chiến dịch lớn. Không quân địch liên tục tập trung đánh phá vùng giải phóng, nhưng gặp phải hỏa lực phòng không của Đoàn Phòng không 77 đánh bật. Để chuẩn bị cho chiến dịch đánh tiểu khu Phước Long và đường 14, Đoàn Phòng không 77 được biên chế lại, một số đơn vị pháo cao xạ được điều chuyển về các sư đoàn bộ binh chủ lực. Số còn lại ngoài nhiệm vụ bảo vệ thủ phủ Lộc Ninh, còn tỏa ra các hướng chiến trường.

Tháng 1-1975, ta giải phóng tiểu khu Phước Long và mở Chiến dịch Đường 14. Đại đội 41 của chúng tôi trong đội hình Tiểu đoàn 18 được giao nhiệm vụ bảo vệ Lộc Ninh. Toàn đơn vị được đặt trong tình trạng báo động cấp 1. Đúng như phán đoán của cấp trên, cay cú mất Phước Long, không quân địch tập trung đánh phá vào Lộc Ninh để trả đũa. Có ngày chúng tập trung hàng trăm lượt máy bay oanh tạc dữ dội. Tuy có thương vong nhưng không khí chiến thắng tràn ngập trong lòng những người lính chúng tôi. Có lần giữa hai đợt đánh phá, chính trị viên đại đội giao cho tôi nhiệm vụ động viên tinh thần bộ đội bằng một quyết tâm thư đọc giữa trận địa. Khi khói bom còn khét lẹt, sau khi đọc quyết tâm thư, tôi đã nghẹn ngào đọc bài thơ Khoảng trời của mẹ. Cả trận địa lặng đi xúc động. Nghe rõ cả tiếng nấc rất khẽ của một anh nào đó. Tôi cũng không cầm được nước mắt...

Khoảng trời của mẹ lúc đó trong tầm mắt chúng tôi luôn mênh mang như thiên la địa võng giăng bắt lũ giặc trời. Chúng tôi được lệnh hành quân theo chiến dịch và Khoảng trời của mẹ luôn hiện hữu song hành cùng chúng tôi theo mỗi bước hành quân. Tháng 3-1975, chúng tôi được lệnh cùng bộ binh vây ép đánh Chơn Thành sau khi đã giải phóng Dầu Tiếng-An Lộc. Tại đây, cuộc chiến đấu bảo vệ vùng trời diễn ra vô cùng ác liệt. Nguyễn Thế Lượng, chàng trai người Cầu Giấy (Hà Nội) đã nằm lại trên mảnh đất Chơn Thành. Anh Lượng nhập ngũ cùng ngày với chúng tôi...

Hơn hai tháng sau, vào một ngày đầu tháng 5-1975, khi đơn vị dừng chân ở Đức Hòa-Long An, chúng tôi tổ chức lễ truy điệu cho Lượng. Một ngôi mộ đắp nổi phủ quốc kỳ và cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nửa xanh nửa đỏ. Khi loạt súng tiễn biệt người đồng đội trẻ vừa vang lên, tất cả chúng tôi không ai bảo ai đều ngước mắt nhìn lên bầu trời. Khoảng trời xanh trong của hòa bình hiện ra trong vắt và tinh khiết như chưa hề có binh đao chiến trận. “Khoảng trời xanh ôi khoảng trời mẹ dệt...” là khoảng trời hòa bình này đây! Vào chính giây phút ấy, trong những khoảnh khắc hòa bình đầu tiên, chúng tôi đều nghĩ đến mẹ của mình.

Sau Chơn Thành, chúng tôi tiếp tục tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh vào Sài Gòn. Đoàn Phòng không 77 đã cùng bộ binh đánh chiếm các mục tiêu hướng Tây Sài Gòn, đánh Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát... Trước đó là đánh vào Hậu Nghĩa, Đức Huệ, Đức Hòa... và bảo vệ bến phà vượt sông Vàm Cỏ của cả đội hình các binh chủng hợp thành hướng mặt trận 232.

50 năm (1973-2023) thành lập, chiến đấu và trưởng thành của Đoàn Phòng không 77 chỉ là một mốc thời gian hạn định. Chiến trường khốc liệt, nhập vào, tách ra..., các đơn vị trong đội hình Lữ đoàn Phòng không 77 hôm nay đã trải qua những chặng đường lịch sử, góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Những con số thống kê sau đây có thể chưa nói hết mọi điều, nhưng nó là những dấu mốc của lịch sử lữ đoàn: Đã tổ chức chiến đấu 1.123 trận, tiêu diệt 137 máy bay... 7 tập thể và 14 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân... Năm 2011, Lữ đoàn Phòng không 77 vinh dự được đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân...

Lại nhớ ngày vào chiến trường miền Đông Nam Bộ để sáp nhập vào đội hình Lữ đoàn Phòng không 77, chúng tôi còn đầu xanh tuổi trẻ, thấm thoắt nay đã là những ông già. Mãi mãi không thể nào quên những địa danh: Đường Trường Sơn, Lộc Ninh, Bù Đốp, Phước Long, Chơn Thành, đường 14, Đức Huệ, Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Long An... Tuổi trẻ của chúng tôi gắn liền với những địa danh ấy. Và Lữ đoàn Phòng không 77-Quân khu 7 hôm nay vẫn như ngôi nhà thân thuộc đón chúng tôi trở về mỗi khi có dịp vào Nam. Mỗi lần hội ngộ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn có cảm giác gắn bó ấm áp, thân thuộc. Có lẽ, bởi tất cả chúng tôi đều cùng có chung một hướng nhìn, một bầu trời, với những khoảng trời dẫu là chiến tranh hay hòa bình, thì cũng đều là Khoảng trời của mẹ...

Bút ký của PHẠM NGỌC TIẾN