Chiến dịch Albania

Trong khi đó, Kim Philby ngày càng trở thành một điệp viên quý giá đối với tình báo Liên Xô qua việc con đường công danh tiếp tục rộng mở trong bộ máy tình báo Anh. Rất có khả năng vào một ngày đẹp trời nào đấy, Kim sẽ trở thành người đứng đầu MI6. Có lẽ để chuẩn bị cho điều này, mùa thu năm 1949, Kim Philby được bổ nhiệm làm Trưởng đại diện của MI6 tại Washington, một vị trí công tác quan trọng vào bậc nhất trong hệ thống hợp tác tình báo giữa Anh và Mỹ.

Ở cương vị công tác này, Kim Philby chịu trách nhiệm làm đầu mối liên lạc giữa tình báo Anh MI6 với CIA, FBI của Mỹ và cả Cảnh sát Hoàng gia Canada.

Khi tới Washington, Kim Philby có dịp làm quen với một nhân vật cực kỳ quan trọng trong hệ thống tình báo Mỹ, James J.Angleton, người chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động bí mật chống Xô viết với các cơ quan tình báo Pháp, Anh, Tây Đức.

Cả hai người nhanh chóng trở nên tâm đầu ý hợp vì có nhiều điểm chung, cùng được dạy dỗ trong nền giáo dục phổ thông ở nước Anh, sống nhiều ở nước ngoài, có khẩu vị văn hóa và hưởng thụ tương đồng. Cả hai thích thơ ca Anh, rượu vang Pháp, âm nhạc Đức và có thể thảo luận đủ mọi thứ chuyện trên đời không biết chán.

leftcenterrightdel
Kim Philby thời trẻ. 
Dĩ nhiên, hai người còn có một điểm chung lớn nhất: Cùng hoạt động trong lĩnh vực phản gián chống lại người Xô viết.

Khi những "làn gió độc" của cuộc Chiến tranh Lạnh bắt đầu nổi lên, đặc biệt là sau cuộc binh biến giành chính quyền của những người cộng sản ở Tiệp Khắc năm 1948, CIA bắt đầu chịu trách nhiệm điều phối các nhóm hoạt động phá hoại, các tổ chức bí mật chống cộng trên lãnh thổ các nước Đông Âu như Ukraine, Gruzia, Lithuania, Albania, Hungary và Ba Lan.

Tháng 10-1949, CIA phối hợp với tình báo Anh mở chiến dịch phá hoại ở Albania, quốc gia nghèo khổ và bị cô lập nhất trong khối cộng sản Đông Âu. Tình báo Anh-Mỹ hy vọng xây dựng được một đội quân kháng chiến trong lòng quốc gia cộng sản này từ những kẻ lưu vong đang định cư vật vờ ở Roma hay Athens. Phi vụ đầu tiên, một chiếc tàu xuất phát từ Malta chở theo 9 thành viên người Albania trong một sứ mệnh biệt kích mạo hiểm. Vừa mới cập bờ Albania, 3 người bị hạ ngay lập tức trong khi cảnh sát mật Albania săn lùng những người còn lại.

Nhưng CIA không nản chí. Họ tiếp tục gửi những người Albania lưu vong tới Munich, Đức, tham gia các khóa huấn luyện nhảy dù, sau đó đưa tới căn cứ ở Athens, Hy Lạp. Tại đấy có cả một đội máy bay và phi trường thuộc quyền kiểm soát của CIA. Các điệp viên này được thả dù xuống lãnh thổ Albania và tất cả đều rơi vào vòng tay của cảnh sát mật nước này.

Hết chuyến này đến chuyến khác, cứ sau mỗi một phi vụ thả dù thất bại, các máy bay lại hoạt động với mật độ dày hơn và các khóa huấn luyện càng trở nên gấp gáp, qua loa hơn. Các biệt kích lưu vong người Albania càng được liều lĩnh thả xuống vùng lãnh thổ đối phương thì khả năng bị bắn hạ hay bắt giữ càng tăng lên. Mỗi khi bị bắt, họ bị cảnh sát mật Albania buộc phải sử dụng điện đài để tung tin giả về Trạm CIA tại Athens.

Trong suốt 18 tháng sau lần gặp đầu tiên, J.Angleton và Kim Philby thường xuyên ăn trưa hằng tuần với nhau, khi thì ở tiệm hải sản Harvey, khi thì ở Câu lạc bộ Quân đội và Hải quân Mỹ. Mối quan hệ này được sưởi ấm bởi một nguyên liệu hết sức đặc biệt: Rượu. J.Angleton là một tay tổ về khoản uống rượu, hầu như không có đối thủ trong CIA. Kim Philby, người có tửu lượng rất khá, cũng có khả năng uống như hũ chìm. Không có gì gắn bó hơn một tình bạn được gắn kết bởi rượu và công việc, nhất là khi Kim Philby lại là đại diện của tình báo Anh tại Mỹ.

Trong hơn 1 năm trời, cứ sau mỗi cuộc nhậu vào buổi trưa, J.Angleton lại chia sẻ với Kim Philby về các hoạt động phối hợp, địa điểm mà CIA sẽ thả dù những người Albania lưu vong xuống mảnh đất quê hương thù địch của họ. Số phận những người này ra sao thì hẳn ai cũng rõ. Trong gần 4 năm trời, ít nhất 200 điệp viên người nước ngoài do CIA huấn luyện đã bị tóm trong chiến dịch này-một con số tổn thất kinh khủng.

Dự án mật Venona

Thế nhưng trước khi rời Anh đi Washington, Kim Philby đã biết được về một bí mật chết người của tình báo Mỹ, chiến dịch mang mật danh Venona.

Venona là chiến dịch siêu mật Mỹ khởi sự trong thời gian Đệ nhị Thế chiến nhằm phá khóa các bức điện mật của tình báo Liên Xô gửi về Trung tâm Moscow mà phản gián Mỹ chặn bắt được. Nhờ đọc được một số bức điện mật trong tời kỳ 1944 mà phản gián Mỹ phát hiện ra tình báo Liên Xô đã cài cắm nhiều điệp viên vào các tổ chức chính quyền, các cơ sở khoa học công nghệ của Mỹ. Chính nhờ có Venona mà phản gián Mỹ đã phát hiện ra cả loạt thành viên trong lưới điệp viên hoạt động đánh cắp bí mật nguyên tử của tình báo Liên Xô.    

Tháng 10-1949, Kim Philby tới Washington và ngày càng có điều kiện tiếp cận thường xuyên hơn với dự án Venona.

Mùa hè năm 1950, Kim Philby bất ngờ nhận được một bức thư từ G.Burgess. “Có thông tin gây sốc cho anh đây: Tôi được cử sang công tác ở Washington”-G.Burgess viết trong thư.   

leftcenterrightdel
Guy Burgess thời kỳ học Đại học Cambridge. 
Kim Philby chấp nhận để G.Burgess tới ở chung với mình trong căn hộ rộng rãi ở 4100 Đại lộ Nebraska tại Washington, có lẽ do tính toán rằng việc này sẽ giúp ông kiểm soát tính khí thất thường của G.Burgess, vốn đã bùng phát trong thời gian trước đó tại Anh. Đó là một sai lầm nghiêm trọng mà mãi sau này, cả mạng lưới tình báo Liên Xô, cụ thể là Bộ Ngũ Cambridge, sẽ phải lãnh đủ.

Khi tới làm việc trong sứ quán Anh ở Washington, G.Burgess tiếp tục làm công việc đặc biệt là duy trì liên lạc giữa Kim Philby với điệp viên bất hợp pháp của Liên Xô mới được cử sang New York vào tháng 5-1950, Valery Mikhailovich Makayev, người mang mật danh Harry. Kim Philby đã báo cho V.Makayev mối đe dọa ngày càng đến gần từ dự án Venona. Từ cuối năm 1948, nhân viên phá mã Meredith Gardner, có thêm sự hỗ trợ của đặc vụ Robert Lamphere từ FBI, đã đẩy nhanh tiến độ giải mã các bức điện mật. Các bức điện mới được phá khóa của Venona đã xác định một điệp viên mang mật danh Homer hoạt động ở Washington trong thời gian cuối Đệ nhị Thế chiến, nhưng chưa chỉ ra được cụ thể điệp viên đó là ai vì những đầu mối còn khá mơ hồ. Kim Philby lập tức biết rằng Homer chính là D.Maclean.

Đến cuối năm 1950, danh sách những người bị tình nghi trong tay các nhân viên phản gián Mỹ rút xuống còn 35 người. Đến đầu tháng 4-1951, danh sách này còn lại 9 người. Vòng tròn thu hẹp dần. Vài ngày sau, Meredith Gardner đã giải mã được một bức điện mật, trong đó chỉ ra đích danh Homer chính là D.Maclean.

Vụ đào thoát của hai điệp viên Bộ Ngũ

Kế hoạch cảnh báo và giải cứu D.Maclean không phải do Trung tâm Moscow đưa ra mà do chính Kim Philby cùng G.Burgess phối hợp tiến hành. Tháng 4-1951, G.Burgess nhận lệnh triệu hồi về London sau hàng loạt những vụ việc rắc rối với cảnh sát Mỹ ở bang Virginia, với Bộ Ngoại giao và chính Đại sứ Anh. Các nhân viên phản gián Mỹ không hề ngờ vực rằng những vụ việc rắc rối đó là do G.Burgess cố ý tạo ra để có cớ hợp pháp quay trở về Anh. Trước khi G.Burgess rời New York trên chiếc tàu Nữ hoàng Mary, G.Burgess và Kim Philby đã có bữa ăn tối tại một quán ăn Tàu trong tiếng nhạc réo rắt để ngăn ngừa mọi khả năng nghe trộm. Hai người nhất trí rằng một khi về tới Anh, G.Burgess sẽ phải ngay lập tức báo động cho D.Maclean và nhân viên tình báo Liên Xô điều khiển ở địa bàn London, Yuri Modin.

Cũng trong bữa ăn này, Kim Philby nói G.Burgess phải chuyển yêu cầu cho phía Liên Xô, rằng “điệp viên Homer phải ngay lập tức chạy trốn sang Liên bang Xô viết”.

leftcenterrightdel
Donald Maclean thời kỳ học Đại học Cambridge. Ảnh: The Telegraph 
Về tới Anh vào ngày 7-5-1951, G.Burgess lập tức liên lạc với A.Blunt và yêu cầu chuyển cho Y.Modin một thông điệp khẩn. Y.Modin báo về Moscow và hai ngày sau, Trung tâm tình báo Liên Xô đồng ý với kế hoạch giải cứu D.Maclean.

Tuy nhiên, trong tình trạng tâm lý bất ổn của D.Maclean, cần phải có một người đi cùng trên hành trình đào thoát. Đến ngày 17-5-1951, Trung tâm Moscow yêu cầu Trạm London cử G.Burgess hộ tống D.Maclean về Moscow.

Trạm tình báo Liên Xô ở London nhận thấy quá trình giám sát D.Maclean do các nhân viên MI5 và Ban đặc biệt của tình báo Anh tiến hành khá lơi lỏng vào dịp cuối tuần, kể từ sau 8 giờ tối. Đặc biệt là hầu như không có nhân viên theo dõi ở nhà riêng của D.Maclean tại khu Tatsfield của London. Ngoài ra, tình báo Xô viết cũng xác định được chiếc tàu du lịch Falaise thường tiến hành các chuyến du ngoạn cuối tuần từ cảng Southampton của Anh, ghé vào một cảng của Pháp mà không đòi hỏi phải có hộ chiếu.    

G.Burgess mua vé cho mình và D.Maclean dưới những cái tên giả cho chuyến du ngoạn xuất phát vào nửa đêm ngày thứ sáu, 25-5-1951. Chiếc tàu du lịch Falaise chuyên chở chủ yếu những hành khách đứng tuổi giàu có du ngoạn trên hải trình vượt qua eo biển Manche tới bờ biển nước Pháp rồi quay lại Anh. Về lý thuyết, nó chỉ được phép đi ngoài biển nhưng trên thực tế, những người tổ chức tour du lịch này thường cho tàu cập cảng St.Malo bên phía Pháp trong vài giờ đồng hồ để du khách có thể thưởng thức những món ăn Pháp hoặc đi dạo ngắm cảnh.

Vào lúc 11 giờ 45 phút trưa hôm sau, con tàu cập cảng. G.Burgess và D.Maclean để lại hành lý trên tàu, hòa cùng dòng người lên bến cảng rồi tách ra. Hai người lên taxi tới nhà ga xe lửa ở Rennes rồi đi tàu hỏa về Paris. Từ đây, hai người tiếp tục bắt tàu hỏa đi Thụy Sĩ, nơi họ nhận được những tấm hộ chiếu giả do sứ quán Liên Xô ở Bern cấp. Hai người tiếp tục lên tàu hỏa đi Zurich. Tại đó, hai người mua vé máy bay đi Stockholm, có chặng dừng ở Prague, thủ đô Tiệp Khắc. Tới Prague, trên lãnh thổ một nước cộng sản, hai người không đi tiếp mà rời sân bay, được nhân viên tình báo Xô viết tại đây đón tiếp.

YÊN BA (tổng hợp)