Tháng 4-1984, mới chân ướt chân ráo mang ba lô đến Pursat, đối với chàng thiếu úy mới ra trường như tôi thì cái gì cũng mới, cái gì cũng lạ. Nhờ có Sok Khol mà trong tôi xóa dần đi những bỡ ngỡ lúc ban đầu. Khi ấy tôi là Trợ lý Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Đoàn Quân sự 9903; Sok Khol là bộ đội địa phương tỉnh Pursat, cùng đóng quân trong thị xã. Từ những ngày đầu đến đây, tôi dễ dàng thân thiết với Sok Khol, đơn giản là vì anh có thể nói chút ít tiếng Việt, còn tôi thì một tiếng Khmer cũng không biết. Sở dĩ anh biết chút ít tiếng Việt là bởi năm 14 tuổi, Sok Khol có một khoảng thời gian sống chung với bộ đội Việt Nam sau khi được giải thoát khỏi tay bọn diệt chủng Pol Pot. Gần anh, tôi có thể trao đổi thông tin dễ dàng hơn, có thể học ngôn ngữ Khmer nhanh chóng và biết thêm nhiều về phong tục, tập quán của đất nước Chùa Tháp đáng yêu này. Sok Khol có chiếc xe đạp nhưng không vè chắn bùn, cũng không có thắng. Những khi rảnh rỗi, anh lại chở tôi đi loanh quanh thị xã.

Một hôm, vào ngày nghỉ, hai đứa đạp xe đi dạo như mọi khi. Khi ngang qua chợ Pursat, tôi nhận ra có gì đó khác lạ. Chợ như đông người hơn, nhiều sạp bán hàng mọc thêm, nhiều mặt hàng phong phú hơn, người dân đến mua sắm cũng nhiều hơn.

Tôi bày tỏ thắc mắc của mình thì Sok Khol giải thích là sắp đến ngày Tết Chôl Chnăm Thmây.

Sok Khol vừa đạp xe vừa kể: Chôl Chnăm Thmây nghĩa là bước vào năm mới, mừng thêm một tuổi, hy vọng một năm mới với nhiều may mắn, ý nghĩa cũng tương tự như Tết Nguyên đán của người Việt. Tết Chôl Chnăm Thmây còn có ý nghĩa mùa nắng hạn đã qua đi, bước sang mùa mưa, thời tiết mát mẻ, nước nhiều, hứa hẹn vụ mùa no ấm. Tuy ngày lễ mừng năm mới chính thức chỉ diễn ra trong 3 ngày nhưng người dân thường nghỉ khoảng một tuần liền. Đối với họ, khoảng thời gian ấy mới đủ để thực hiện hết các hoạt động mua sắm, chuẩn bị năm mới cũng như vui chơi, giải trí. Đặc biệt, ngày Tết của Campuchia không bắt đầu từ đầu năm âm lịch như Việt Nam mà bắt đầu từ ngày 13-4 đến 15-4 dương lịch hằng năm. Trong những ngày này, người Campuchia thường đổ ra đường hòa mình với không khí tưng bừng đón chào năm mới, rộn ràng tổ tham gia các hoạt động vui chơi.

Kể đến đây thì Sok Khol buồn buồn nói: “Đó là trước khi bọn Pol Pot nắm quyền, bây giờ, tuy bọn quỷ dữ đã bị đánh tan tác nhưng đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cho nên những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây không còn được như xưa”.

leftcenterrightdel
 Tác giả (bên trái) chụp cùng người bạn Sok Khol.  Ảnh do tác giả cung cấp 

Những ngày cận Tết, bộ đội ta kết hợp với lực lượng quân đội bạn tăng cường truy quét tàn quân Pol Pot, nhất là ở những khu vực trọng điểm. Tổ chức tuần tra, canh gác, đề phòng chúng lẻn về cướp lương thực của dân hoặc phá hoại ngày Tết cổ truyền của dân tộc Khmer.

Ngày Tết đầu tiên, tôi tháp tùng Đại tá Ba Phần, Phó chỉ huy trưởng về Chính trị Đoàn Quân sự 9903 đến dự Tết Chôl Chnăm Thmây tại xã Rô Líp. Là một xã chỉ cách thị xã Pursat khoảng 15 cây số nhưng đời sống nhân dân ở đây còn nghèo lắm, dân chúng chủ yếu sống bằng nghề lấy nước thốt nốt, trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ. Tết Chôl Chnăm Thmây, chính quyền đã tặng hai con bò để người dân ở đây liên hoan.

Con đường chính dẫn vào điểm tổ chức tiệc mừng năm mới của xã được dựng một cổng chào rất ấn tượng bằng những vật liệu đơn giản từ thiên nhiên như thân cây chuối, lá đủng đỉnh, bẹ thốt nốt... Nhìn từ xa, cổng chào như làm bằng chất cẩm thạch pha lẫn ngọc bích lung linh dưới ánh nắng. Người dân đến dự tiệc ai cũng chọn cho mình bộ trang phục đẹp nhất, mới nhất. Mới 9 giờ mà thời tiết đã nóng hầm hập. Ở một góc sân, mùi thức ăn từ những bếp lò dã chiến tỏa hương thơm nức mũi. Những cô gái vận xà rông mới đang thoăn thoắt múc thức ăn từ nồi ra. Trên một khoảng sân rộng, những tấm bạt thật to được căng thẳng thớm để che nắng. Họ bày bàn ghế ra, xếp thành những hàng dài, dọn thức lên ăn chuẩn bị liên hoan. Bàn dành cho lãnh đạo, chỉ huy và đại biểu được đặt ở giữa sân.

Ngày Tết thứ hai, Sok Khol dùng chiếc xe đạp của anh chở tôi du xuân khắp nơi trong thị xã. Sok Khol nói, theo tập tục thì hôm nay gọi là ngày Virak Wanabat, là ngày người ta tổ chức làm từ thiện, giúp đỡ những người nghèo khó. Nhưng thực tế sau cơn lốc diệt chủng, người dân ai cũng khó khăn như nhau, còn giữ được mạng sống là hạnh phúc lắm rồi, cũng chính vì vậy mà họ rất thương yêu nhau. Đến trưa, Sok Khol dừng xe trước chùa Prei Nhép, ngôi chùa đẹp nhất thị xã Pursat. Tôi chưa kịp hỏi thì anh đẩy chiếc xe đạp vào bụi cây rồi kéo tay tôi nói: “Mình vào đây ăn cơm”.

Bên trong chùa là một khoảng không gian rộng lớn, nền được lót gạch với những hoa văn tinh xảo, đẹp mắt. Trên nền gạch bày sẵn nhiều mâm thức ăn được xếp thẳng hàng, nhưng lạ là thức ăn trên mâm không mâm nào giống mâm nào. Có nhiều người đang cùng nhau ngồi ăn. Khi những người dùng cơm xong, đứng dậy ra về thì lập tức có người từ ngoài chạy vào bưng mâm chén bát và thức ăn thừa rời đi. Sok Khol kéo tôi ngồi vào một mâm cơm chưa có người, trong khi chờ đợi, anh giải thích: Vào năm mới, mỗi gia đình đều làm một mâm cơm mang vào chùa. Chất lượng bữa ăn tùy vào hoàn cảnh kinh tế từng gia đình. Khách thập phương sẽ đến chùa chọn mâm dùng bữa, cứ mười người vào một mâm. Lúc khách ăn, người nhà đứng ngoài nhìn vào hồi hộp chờ đợi. Khi khách ăn xong, người nhà vào bưng mâm của mình về. Người dân tin rằng nếu khách ăn hết những thức ăn mà họ mang đến thì chắc chắn năm mới gia đình họ sẽ làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn. Ngược lại, nếu khách ăn để lại thức ăn thừa nhiều quá thì năm mới gia đình họ sẽ gặp nhiều rủi ro, trắc trở. Nghe Sok Khol giải thích, tôi cảm thấy bùi ngùi, chỉ sợ ăn không hết khiến chủ nhân mâm cơm buồn. Thế là hôm đó, mặc cho 8 người khách đã ra về mà tôi cứ ngồi ăn miết cho... sạch mâm. Sok Khol thì nhìn tôi ăn mà cười chảy cả nước mắt. Nhìn nét mặt đầy hân hoan của gia đình khi bưng mâm thức ăn trống không về nhà, tôi chắc rằng mình đã tặng họ một niềm vui trong năm mới.

Ngày Tết thứ ba, từ sáng sớm, dân chúng đã lục tục đến chùa nghe thuyết pháp, đốt đèn nhang. Họ mang đến những chậu nước sạch được ướp hương hoa để tắm Phật. Họ tin rằng những nghi thức ấy sẽ gột rửa mọi điều không may trong năm cũ, cùng nhau chào đón một năm mới may mắn, đong đầy hạnh phúc. Tối hôm ấy, tại thị xã Pursat tổ chức múa rôm vông chào đón năm mới. Màn đêm vừa buông xuống, một đống lửa to được đốt lên giữa sân vận động thị xã. Tiếng trống bập bùng mời gọi. Lễ hội rôm vông bắt đầu. Mọi người lần lượt bước vào vòng tròn xoay quanh đống lửa với những bước đi thành thạo theo nhịp trống. Vòng nhảy cứ cuốn tròn rộn ràng, hào hứng.

Sok Khol nắm tay tôi kéo vào dòng người rộn rã. Thấy tôi lúng túng, anh vừa làm động tác múa vừa bảo tôi làm theo. Bàn tay đưa lên thì ngửa, bàn tay để xuống thì úp, cứ thế lần lượt thay đổi. Chân cứ bước theo nhịp trống, đi xuôi theo vòng tròn.

Thời gian trôi qua, càng về khuya người bước vào vũ hội càng một đông thêm. Đống lửa vừa hạ xuống, người ta lại thêm củi vào và lửa lại bùng lên cao, đẩy lui màn đêm u tối.

Nhìn những gương mặt người dân trong vũ hội đêm ấy, tôi có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc bừng sáng ánh mắt họ. Nếu trong thời bình, lễ hội sẽ kéo dài cho tới khi bình minh ló rạng, nhưng hôm ấy cuộc vui chỉ đến 22 giờ thì dừng lại trong sự luyến tiếc của mọi người.

PHAN HIẾU LỄ