Cách ứng xử độc đáo với loài hổ của người dân miệt Bảy Núi phần nào thể hiện triết lý sống chan hòa, con người và thiên nhiên tựa nương nhau tồn sinh. Những điều này còn lưu lại trong các huyền thoại và địa danh văn hóa gắn với "ông Hổ" ở đất phương Nam.
Một sáng đầu xuân, tôi xuống phà Ô Môi vượt sông Hậu sang Mỹ Hòa Hưng, một xã cù lao thuộc TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Xưa, nơi đây chỉ có một con đò nhỏ, đưa rước người dân từ Mỹ Hòa Hưng qua Long Xuyên và ngược lại. Thuở thiếu thời, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng cũng đi học bằng con đò Ô Môi này, để rồi sau đó gây dựng nghiệp lớn “Khơi lửa Ba Son, kéo cờ Hắc Hải”, tên tuổi sáng ngời vùng sông nước Cửu Long.
|
|
Bửu Long cổ tự, nơi thờ thần Hổ nổi tiếng ở xã cù lao Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang). |
Đứng trên phà, tôi dõi mắt tìm dấu tích của bậc tiền nhân, chỉ thấy dòng nước xanh trong phảng phất lớp sương như làn khói mỏng, phẳng lặng như gương mặt đức Phật tọa thiền. Sông Hậu khi chảy ngang Long Xuyên thì bị các cù lao làm cho phân dòng, trong đó lớn nhất là cù lao Mỹ Hòa Hưng với diện tích hơn 20 cây số vuông. Có lần, tôi may mắn được nhìn cù lao này từ trên cao, thấy nó xanh mướt như chiếc lá thần tiên mà thượng đế cố tình thả xuống để tặng cho dòng sông.
Các vị cao niên kể rằng, cù lao Mỹ Hòa Hưng trước kia là khu đất hoang vu. Những đoàn người từ phía Long Xuyên đã chặt cây kết bè vượt sông Hậu sang khai phá rừng hoang, mở đất làm ăn, dần dần hình thành cái xóm nhỏ cỡ vài chục nóc gia. Có vợ chồng già sống ở cù lao, làm nghề hạ bạc trên sông Hậu, trong đêm mưa gió bỗng phát hiện một con thú đang kiệt sức cố bám vào dề trấp.
Ban đầu, ông bà tưởng là chú mèo sẩy chân trôi dạt tới đây nên động lòng thương vớt về nuôi. Ai ngờ, nuôi được một thời gian, con thú bỗng lớn bất thường, coi kỹ lại thì không phải mèo mà là con hổ. Vợ chồng già sợ quá, vừa muốn đuổi hoặc giết con vật, vừa thấy thương vì nó hiền khô. Một phần do cao tuổi nhưng không có con cái, có con hổ để chăm sóc, ông bà cũng thấy “vui cửa vui nhà” nên chẳng nỡ bỏ nó.
|
|
Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng trên cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang). |
Thế nhưng, sự hiện diện của vị chúa sơn lâm ở cái cù lao nhỏ xíu này khiến dân làng bất an. Nhiều người nói xa nói gần để ông bà đuổi con hổ đi, nếu không dân làng đành bỏ xứ cù lao trở qua Long Xuyên sinh sống. Vợ chồng già rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, chỉ lặng lẽ thở dài chớ không biết làm sao cho phải đạo. Con hổ dường như hiểu được tâm tư của chủ nên trong một đêm trăng sáng, nó đã rời bỏ cù lao, vượt sông Hậu trở về Bảy Núi.
Nhiều năm trôi qua, không còn ai nhắc gì tới con hổ lạc ở xứ cù lao nữa. Chỉ có vợ chồng già không nguôi nhớ về con vật. Rồi cũng đến lúc sức yếu, vợ chồng người hạ bạc qua đời trên mảnh đất cù lao. Khi dân làng chôn cất ông bà xong, đêm đó, con hổ cũng tìm về. Nó ngồi lặng lẽ trước hai ngôi mộ, đến gần sáng thì đi. Chưa kể, hằng năm cứ vào ngày giỗ của vợ chồng người hạ bạc, ông Hổ lại cõng về một con thú rừng để “cúng”.
Cho đến một lần, ông Hổ dù đã già yếu nhưng vẫn cố vật chết con heo rừng để đem về cúng giỗ ân nhân. Để xác con heo bên mộ của vợ chồng người hạ bạc, ông Hổ đi ngược về phía đầu cù lao định vượt sông trở lại Bảy Núi thì kiệt sức, gục chết ở đầu cồn. Sáng hôm sau, dân làng phát hiện, đã chôn cất “ông” thật cẩn trọng rồi lập miếu thờ. Cũng từ đó, người dân đặt tên cù lao này là cù lao Ông Hổ.
Tôi đến miếu Ông Hổ khi những vệt nắng tinh khôi xuyên qua hàng cổ thụ, chiếu lên mái ngói rêu phong. Ngôi miếu này có tên chữ là “Bửu Long cổ tự”, nhưng người dân chỉ quen gọi là miếu Ông Hổ hay chùa Ông Hổ. Trong khuôn viên miếu, mộ của “ông” vẫn uy nghiêm tĩnh tọa dưới tán cây rợp bóng, nghi ngút khói hương.
Ông Năm là người coi quản ngôi miếu đã hơn một phần tư thế kỷ. Ở cái tuổi quá thất thập cổ lai hy nhưng trông ông vẫn tráng kiện, dáng vẻ thanh tao, gương mặt phúc hậu tuy đôi mắt đã bắt đầu phủ giăng những dấu tích thời gian. Ông từ tốn rót cho tôi một ly trà nóng để xua tan cái lạnh của mấy đợt gió xuân, rồi chậm rãi kể về sự huyền bí của ngôi miếu cổ, kể về sự linh thiêng của vị thần Hổ trên đất cù lao.
Thỉnh thoảng, ông lại dừng câu chuyện để châm một tuần trà mới hay để chào hỏi vài người quen đến miếu. Ông Năm cho biết, hằng ngày, người dân đến miếu đông lắm, hết tốp này đến tốp khác. Họ đến cầu mong vị thần Hổ độ trì cho gia đình được mạnh khỏe, bình an, cho mùa màng tốt tươi, nhà nhà no ấm. Có lẽ, hiếm nơi nào dân gian lại ngưỡng vọng một vị thần Hổ giống như ở xứ này.
Chia tay ông Năm, tôi đi dọc bờ sông Hậu, ngược về phía Trà Mơn. Hai bên đường, chen lẫn với vườn cây trái xanh um là những khóm mai vàng e ấp. Chợt thấy sắc xuân như đã phủ trùm lên cỏ cây hoa lá, mùa xuân đang bừng nở trong lòng mỗi người dân trên mảnh đất cù lao...
Bài và ảnh: TRƯƠNG CHÍ HÙNG