“Quan trọng nhất là âm thanh cất lên phải khiến người nghe cảm thấy thích thú xen lẫn sự tò mò muốn tìm hiểu về nhạc cụ cũng như giai điệu, ý nghĩa của bản nhạc. Đó mới thật sự là đỉnh cao của nghệ thuật”... Những lời nói của Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Sơn Trong, sinh năm 1956, ở xã Trung Thành (Vũng Liêm, Vĩnh Long) phần nào cho tôi hiểu về trình độ và đam mê của ông với dòng nhạc ngũ âm. Cả cuộc đời ông luôn tâm huyết với việc khơi dậy tình yêu nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc.

Vượt hơn 70km, chúng tôi tìm đến nhà ông khi nghe tin ông mới được phong tặng danh hiệu NNƯT trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Thấy tôi đeo chiếc túi máy ảnh trên vai, ông hỏi trước: “Chắc là phóng viên đến tìm hiểu về nhạc cụ của đồng bào Khmer đúng không?”.

Rồi ông mời tôi vào nhà, chuẩn bị trà và tiếp lời bằng câu hỏi dí dỏm: “Thế cô phóng viên đã biết gì về nhạc ngũ âm? Trước hết hãy nói tôi biết, nhạc ngũ âm có sức ảnh hưởng như thế nào trong đời sống của người Khmer?”... Trả lời câu hỏi của ông, tôi cũng mạnh dạn “múa rìu qua mắt thợ” bằng cách dẫn một câu ví von rất hay của người Khmer rằng: “Trẻ con Khmer biết múa, biết hát trước khi biết đọc, biết viết”.

Câu ví von ấy đã minh chứng cho sức ảnh hưởng sâu rộng của âm nhạc Khmer trong đời sống tinh thần của người Khmer. Trải qua nhiều thập kỷ, người Khmer Nam Bộ đã hun đúc nên những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Trong kho tàng văn hóa ấy, nhạc ngũ âm (Phlêng Pinpeat) được xem là “tài sản” quý giá nhất.

leftcenterrightdel

Nghệ nhân Ưu tú Sơn Trong (áo xanh) trình diễn nhạc ngũ âm.

Về mặt hình thức, dàn nhạc ngũ âm được thiết kế đẹp và tinh xảo, mỗi nhạc khí được định âm một cách chính xác, bảo đảm các yếu tố hòa âm cho cả dàn. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Nam Bộ Trần Văn Bổn, ngũ âm là 5 loại chất liệu tạo thành âm thanh của nhạc, thường là đồng, sắt, gỗ, da và hơi, thể hiện bằng 7 đến 9 loại nhạc khí khác nhau.

Trong đó, nhóm âm thanh bằng tre, gỗ có rô-niết-ek (đàn thuyền), rô-niết-thung, bộ trống sakhô-somphô, sakhô-thôm, đàn cò và bộ trống sa-dăm. Các chất liệu bằng sắt hoặc đồng, gang, như: Bộ cồng lớn và nhỏ pét-kuông-thôn, rô-niết-đek cho đến cây đàn tà-khê, đàn khưm. Loại nhạc khí thổi hơi với kèn srô-lây (hai loại srô-lây-tôck (kèn nhỏ) và srô-lây-thung (kèn lớn)...

Trong dàn nhạc ngũ âm, nhạc khí rô-niết-ek được xem là loại nhạc khí chủ đạo, có vai trò dồn bè. Nhạc khí này gồm có 26 thanh gỗ hoặc tre hình chữ nhật, dài khoảng 20cm, rộng chừng 5cm, được ghép lại với nhau thành một xâu dài. Hai đầu được gá vào một thùng gỗ có hình thức như chiếc thuyền nhỏ, chỉ có một chân đỡ. Trong lễ hội, mặc dù quy tụ nhiều nhạc cụ khác nhau nhưng âm thanh của nhạc ngũ âm vang lên luôn chiếm một vai trò chủ đạo, làm thay đổi hẳn không khí và lôi cuốn, mời gọi những đôi nam nữ nắm tay nhau, thể hiện các điệu múa duyên dáng làm say đắm lòng người.

Tất nhiên là khi ấy, tôi không nói được đầy đủ, trọn vẹn nội dung như trên mà chỉ nói được đại ý mấy điểm chính, nhưng khi nghe tôi nói, đôi mắt ông ánh lên niềm vui.

- Vậy cô phóng viên có tin vào chữ "duyên" không?

- Dạ, có ạ!-Tôi thành thật trả lời, nhưng chưa kịp hiểu ngụ ý chữ "duyên" mà ông đề cập đến là gì.

- Ngũ âm đối với tôi cũng là một "cái duyên"-NNƯT Sơn Trong nói.

Nhấp ngụm trà, NNƯT Sơn Trong bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện về "cái duyên" đến với nhạc ngũ âm và ý định truyền lửa đam mê cho các học trò nhí của mình: “Năm 10 tuổi, vào những lúc rảnh, tôi thường qua nhà cậu Ba để nghe kéo đờn gáo. Nghe, học, rồi cũng biết tí “nghề”. Đến năm 12 tuổi (tức năm 1968), khăn áo vào chùa Hạnh Phúc Tăng nơi quê nhà tu thân, học đạo nghĩa và học chữ Khmer, nhưng những thanh âm réo rắt, trầm bổng của tiếng đờn gáo cứ vang mãi và thôi thúc tôi tìm hiểu thêm về các loại hình nhạc cụ dân tộc.

“Không thầy đố mày làm nên” là sự thật”-ông nói. Dù bỏ công tìm hiểu nhưng mọi thứ vẫn chỉ là lý thuyết. Mãi đến năm 1976, một lần nữa, “cái duyên” đã đưa ông gặp nghệ nhân Thạch Kươi-nghệ nhân chuyên về nhạc ngũ âm ở ấp Đôn Hóa (Nguyệt Hóa, Châu Thành, Trà Vinh). Được sự chỉ bảo của nghệ nhân Thạch Kươi, ông bắt đầu thích và đam mê nhạc ngũ âm. Chỉ một năm sau thì trở thành thành viên chính thức trong dàn nhạc ngũ âm của chùa Hạnh Phúc Tăng.

Không thỏa mãn với hiện tại, kiến thức cơ bản có được từ thầy Thạch Kươi, NNƯT Sơn Trong thường xuyên trau dồi, học thêm kinh nghiệm từ bạn bè, đồng thời tham gia các buổi biểu diễn nhạc ngũ âm ở các chùa tại một số địa phương khác để nâng cao tay nghề. Nhờ vậy, ông sử dụng thành thạo hầu hết các loại nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm và trở thành nghệ nhân có kỹ năng, tay nghề cao.

Năm 1990, NNƯT Sơn Trong được bầu làm Đội trưởng Đội Nhạc ngũ âm của chùa Hạnh Phúc Tăng. Từ đó đến nay, bên cạnh phục vụ các nghi lễ diễn ra tại chùa hằng năm, NNƯT Sơn Trong còn tham gia biểu diễn nhạc ngũ âm nhân dịp lễ, tết ở các huyện có đồng bào Khmer sinh sống trong tỉnh Vĩnh Long và nhiều địa phương thuộc tỉnh Trà Vinh.

Mô tả tri thức và kỹ năng nghề đang nắm giữ, NNƯT Sơn Trong cho biết, ngoài việc biết chơi đủ các loại nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm, người chơi còn phải trình diễn được bài nhạc Tổ. Bài Tổ là bài nhạc quan trọng trong trình diễn nhạc ngũ âm. Đây là bài mở đầu buổi trình diễn nhạc ngũ âm trong các lễ nghi tôn giáo của người Khmer, như: Lễ dâng y, lễ an vị tượng Phật, Tết Chol Chnăm Thmây, Sene Dolta, Ok Om Bok... Sau khi đánh bài nhạc Tổ, các nghệ nhân biểu diễn những bài bản chính khác, trong đó có thể đề cập đến một số bài, như: "Donh đáp", "Ma-hô-ri", "Kalom", "Poc-sa-râu", "Chhiên-hai", "Sôi sinh", "Tro-peng-pia", "Kôr", "Rô-nuocl-khe-răng"...

Đang hăng say kể chuyện, gương mặt ông bỗng chùng xuống khi nghe tôi hỏi, giới trẻ bây giờ có biết và yêu thích nhạc ngũ âm hay không? NNƯT Sơn Trong nghẹn ngào: “Giờ đây, các nghệ nhân biết chơi và chơi giỏi nhạc ngũ âm trong cộng đồng người Khmer tỉnh Vĩnh Long đang ít dần. Giữa “dòng xoáy” âm nhạc hiện đại, những nét đẹp văn hóa của người Khmer đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Lớp trẻ thích những nhạc cụ đắt tiền, sôi động hơn cái trống, cây đàn của dàn nhạc ngũ âm...”.

leftcenterrightdel

Nghệ nhân Ưu tú Sơn Trong dạy nhạc ngũ âm cho lớp trẻ huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long).

Lo cho cái hồn túy của văn hóa Khmer có nguy cơ thất truyền, NNƯT Sơn Trong thường cùng những người có uy tín tìm đến từng nhà để trò chuyện, động viên lớp trẻ. Ông nói về cái hay, cái đẹp của văn hóa Khmer và đặc biệt là sự quý giá của các loại nhạc cụ dân tộc. Ông luôn cố gắng khơi dậy và thắp lên ngọn lửa đam mê âm nhạc, nhạc cụ dân tộc trong tâm hồn các bạn trẻ.

NNƯT Sơn Trong nói rằng, chơi nhạc ngũ âm ngoài việc thỏa mãn đam mê, ông còn mang tâm nguyện lớn với hy vọng lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Vì thế, ông cầm tay, chỉ từng nốt nhạc cho người học. Khó khăn cũng dần qua đi, trẻ bắt đầu cảm nhận được tiếng đàn, tiếng trống nên say mê học hỏi, rồi thạo bài. Ông bảo: “Lớp học này là ước vọng từ lâu của tôi, đến nay, tôi làm được vậy nên mừng lắm. Vì mình thì ngày một già, nếu không dạy tụi nhỏ, sợ sau này không còn ai biết nhạc ngũ âm nữa, nguy cơ thất truyền là khó tránh khỏi. Cái xứ này không có tay nhạc, thành ra, tôi ráng dạy mấy đứa”...

NNƯT Sơn Trong cho biết, các cháu rất thông minh và đam mê loại hình nghệ thuật dân tộc. Cho nên, mới học được hơn một tháng đã có thể đánh thạo những bài cơ bản. 3 tháng, 6 tháng bắt đầu đem đi biểu diễn tại các chùa trong tỉnh, tham gia hội thi. Đây là đội nhạc ngũ âm “nhí” duy nhất của tỉnh Vĩnh Long. Mặc dù mới học chưa đầy một năm nhưng các “nhạc công” nhí chơi rất hay và đầy nhiệt huyết....

Mặt trời gần đứng bóng, chúng tôi nói lời tạm biệt để ra về. NNƯT Sơn Trong và những cô cậu học trò trong đội nhạc biểu diễn tặng chúng tôi một bài nhạc truyền thống của người Khmer. Đúng là chỉ có thể sử dụng hai từ độc đáo để diễn tả về nhạc ngũ âm. Giai điệu, tình cảm của người chơi khiến tôi thêm tin tưởng vào sự trường tồn của loại hình nghệ thuật dân tộc này nơi miền Tây Nam Bộ.

Bài và ảnh: THÚY AN