Một hôm, tôi thấy một thằng bé cũng lên 7, lên 8 trạc tuổi tôi, còn thò lò mũi xanh, xuất hiện trong nhà bác. Hỏi thì nó bảo tên là Tiến, là con trai bác Tiếu, ở quê Nam Định, ngày hè bố đón lên để dạy cho đánh đàn bầu. Tôi quen Nguyễn Tiến từ độ ấy. Căn phòng của bác Tiếu bé lắm, chỉ đủ kê một cái giường để hai bố con nằm và một góc kê chiếc đàn bầu. Ngày ngày, chúng tôi thấy Tiến ngồi mài đũng quần bên đàn, chăm chỉ luyện tập. Có bố chỉ bảo hay bố lên phòng tập, nó cũng ngồi cần mẫn gảy đàn như thế. Toàn những điệu dân ca man mác tình quê...
Hết hè, Tiến về quê đi học. Ai dè những ngón đàn bố truyền cho đã làm nó nên tài, thành danh rất sớm. Năm lên 10 tuổi, nhân một lần Bác Hồ về thăm Nam Định, Tiến được biểu diễn đàn bầu bài “Hành vân” cho Bác nghe, được Bác xoa đầu khen ngợi, lại còn thưởng cho kẹo. Hiếm đứa trẻ nào tuổi thơ được vinh hạnh như Tiến. Báo chí hết lời ngợi ca, tên tuổi Tiến từ độ ấy đã vang xa như là một tài năng nghệ thuật trẻ!
Sau này, khi 17 tuổi, tôi lên đường nhập ngũ vào mặt trận. Có một bận được ra Hà Nội tập huấn văn nghệ, đến Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), ai dè gặp lại người bạn tuổi thơ là Nguyễn Tiến ở đây. Anh cũng vận bộ quân phục còn thơm lựng mùi hồ. Anh cho tôi hay cũng đã nhập ngũ, được về học ở Trường Nghệ thuật Quân đội. Tôi nói vui: "Đàn bầu chỉ có một dây, cậu đã học suốt từ tuổi thơ rồi, lại từng biểu diễn được Bác Hồ khen, vậy còn gì để mà học nữa?". Nguyễn Tiến cười rất lành, nói rất nghiêm chỉnh ra dáng anh bộ đội: “Còn nhiều điều để học lắm cậu ạ. Bố tôi đã là một nghệ nhân đàn bầu xuất sắc, một nghệ sĩ đàn bầu quốc gia, mà suốt cuộc đời có lúc nào là không học tập, nghiên cứu về cây đàn bầu đâu? Thế giới âm nhạc của ông cha ta mênh mông lắm, suốt đời học không hết”.
Đúng là “có công mài sắt, có ngày nên kim”. Sau khi tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Quân đội loại xuất sắc, Nguyễn Tiến được đưa về Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội), kế tục sự nghiệp của nghệ sĩ đàn bầu Mạnh Thắng. Năm 1973, Nguyễn Tiến 22 tuổi, Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị được là đại diện tuổi trẻ nước ta tham dự Festival thanh niên và sinh viên quốc tế với tên gọi "Đoàn Nghệ thuật Thanh niên Việt Nam”, tiết mục đàn bầu “Vì miền Nam” của anh được trao tặng huy chương vàng tại liên hoan. Ông Khắc Tuế, Đoàn trưởng Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị khi ấy, cho hay: "Tuy nhiều năm qua chúng ta thường mang đàn bầu đi biểu diễn khắp thế giới, nhưng chỉ là giao lưu nghệ thuật, còn lần này là chúng ta tham dự một liên hoan nghệ thuật quốc tế". Đoàn trưởng Khắc Tuế khẳng định: "Tiết mục đàn bầu của Nguyễn Tiến là lần đầu tiên đàn bầu Việt Nam giành được huy chương vàng nghệ thuật quốc tế. Thật hết sức tự hào cho cây đàn bầu Việt Nam và hết sức tự hào cho tài năng nghệ thuật Nguyễn Tiến...".
Biết anh từ tuổi thơ, lại gắn bó với anh nhiều năm tháng sau này, tôi hiểu cuộc đời của Nguyễn Tiến là một cuộc đời trọn vẹn với cây đàn bầu (anh có nghệ danh “Tiến bầu” cũng bởi lý do này). Cũng cần phải nói thêm, trong gia đình anh, không chỉ có bác Tiếu-thân sinh anh và anh chơi đàn bầu mà ông nội anh cũng là nghệ nhân đàn bầu Thành Nam. Con trai anh, nghệ sĩ Nguyễn Tùng xuất phát điểm cũng từ cây đàn bầu. Vậy là “tứ đại đồng đường” với cây đàn bầu! Mồ hôi, nước mắt, vinh quang hay khổ đau, hiếu thảo với cha ông hay giận hờn với con cái... gần như tất cả cuộc đời Nguyễn Tiến là trong tiếng đàn bầu. “Đàn bầu ai gảy thì nghe/ Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”. Chẳng phải chỉ con gái, mà con trai nghe tiếng đàn bầu Nguyễn Tiến cũng dè chừng, nó mênh mang, xao xuyến lắm, hút hồn người lắm, đến Tây nghe còn “ngơ ngẩn quên hết đường về”...
Cũng nói thêm, cuộc đời Nguyễn Tiến chính là nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu, là nghệ sĩ đàn bầu xuất sắc nhất toàn quân, nghệ sĩ đàn bầu hàng đầu quốc gia, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, rồi Nghệ sĩ Nhân dân cũng bởi tiếng đàn bầu điêu luyện và cống hiến, tiếng đàn bầu làm rạng danh đất nước... Nhưng, Nguyễn Tiến không chỉ có vậy. Anh còn một sự nghiệp âm nhạc đáng kể khác, đó là những sáng tác của anh. “Nhà anh có một vườn cau/ Nhà em có một vườn trầu/ Chiều chiều nhìn sang bên ấy/ Hoa cau bên này rụng trắng sân nhà em”. Gần như người yêu âm nhạc nào từ đô thị cho tới làng quê cũng đều biết và yêu thích bài hát “Hoa cau vườn trầu” của Nguyễn Tiến. Rồi những “Chuyện tình lá diêu bông”, “Chiều mưa Hà Nội”, “Gió Đại Phong đã thổi”, “Nhớ đêm giã bạn”... đã giúp anh nhận được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Cũng ít có nghệ sĩ biểu diễn nào được những vinh quang như anh!
Cuộc đời nào rồi cũng đến phút dừng. Hôm nay, chúng ta chia tay anh-người nghệ sĩ trọn một đời gắn bó với cây đàn bầu dân tộc, trọn một đời gắn bó với nghệ thuật và Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Xin nghiêng mình chào đồng chí Đại tá, nguyên Giám đốc nhà hát, với những danh hiệu cao quý và những tấm huân chương lấp lánh trên ngực áo...
TRƯƠNG NGUYÊN VIỆT