Những năm gần đây, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho âm nhạc dân tộc đã được các cấp chú trọng, quan tâm đầu tư. Nhiều chương trình, hội thảo, tọa đàm... liên quan đến lĩnh vực này được tổ chức, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp văn nghệ sĩ, thế hệ trẻ và công chúng yêu nhạc. Một số chính sách đang được áp dụng hiện nay như miễn, giảm học phí, học bổng... góp phần thu hút nguồn đầu vào cho các cơ sở có đào tạo lĩnh vực âm nhạc dân tộc.

Khoa Âm nhạc truyền thống, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã tuyển sinh được nhiều học viên, sinh viên có năng khiếu, là nguồn lực rất đáng quý. Trong ngành âm nhạc dân tộc, nhiều bộ môn, như: Sân khấu cải lương, hát bội, đờn ca tài tử... đào tạo nhạc công, giáo viên, nghệ sĩ có sự khởi sắc. Lực lượng tốt nghiệp ra trường đã đi dạy ở các trường phổ thông, cơ sở đào tạo... Một số học viên trở thành nghệ sĩ biểu diễn, nhạc công nổi tiếng ở Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen...

Tuy nhiên, việc đào tạo một sinh viên, học viên ngành nhạc rất khó, mất thời gian mà không chắc chắn các bạn sẽ có hoạt động nghề nghiệp tốt, lâu bền theo nghiệp. Việc làm cho học viên, sinh viên ngành âm nhạc dân tộc sau tốt nghiệp là “bài toán” còn chưa có lời giải thỏa đáng. Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, chỉ có một số địa chỉ nhà hát như đã nói ở trên, hay có thêm Chương trình “À ố show” hoặc một số đơn vị có biểu diễn nội dung này sẽ tìm đến nhạc viện để kết nối với đội ngũ học viên tài năng. Tuy vậy, một số người chọn hướng giảng dạy không theo con đường hoạt động chuyên nghiệp thì khó tìm việc làm hơn, bởi vị trí này trong các cơ sở giáo dục chưa nhiều.

Là một người nghệ sĩ, nhà giáo lâu năm trong ngành âm nhạc dân tộc, tôi cũng có nhiều trăn trở, mong muốn tạo điều kiện để phát triển âm nhạc dân tộc, nhất là cho giới trẻ trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Âm nhạc là không biên giới và một người biết về nhạc cụ, âm nhạc truyền thống sẽ là nền tảng tốt để có thể giao lưu trong và ngoài nước. Trên thực tế, nhiều chương trình giao lưu, hội nghị, sự kiện quốc tế đều rất trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc và âm nhạc là một lĩnh vực để mọi người tự tin hơn trong giao tiếp, thể hiện bản lĩnh trước đám đông.

leftcenterrightdel

TS, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thị Hải Phượng. Ảnh do nhân vật cung cấp

Để nguồn nhân lực âm nhạc dân tộc được phát triển dồi dào, đa dạng, theo tôi, bên cạnh công tác đào tạo cơ bản, cũng cần chú trọng việc phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện để phát triển các nhân tố có năng khiếu, tài năng nghệ thuật về âm nhạc dân tộc trong cộng đồng xã hội. Đặc biệt, môi trường học đường cần nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các chương trình đào tạo, đưa âm nhạc dân tộc vào sớm hơn, nhiều hơn.

Từ đó, thế hệ trẻ được thấm sâu những làn điệu dân ca, điệu nhạc cổ truyền, nhất là làm quen và có thể học được cách chơi ít nhất một loại nhạc cụ dân tộc. Nhìn rộng hơn, đó cũng là phương thức góp phần vun bồi tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người. Theo quan sát của tôi, hiện nay có Trường Đại học FPT-một cơ sở giáo dục dân lập-đã đưa môn học âm nhạc dân tộc (đàn tranh, sáo trúc, đàn bầu, đàn nguyệt...) trở thành môn học bắt buộc. Đây là một mô hình, hướng đi rất tốt. Tôi mong muốn có được nhiều trường thực hiện hơn.

Ở các nước hiện nay cũng rất coi trọng đào tạo âm nhạc cho giới trẻ để đào tạo những người biết cảm thụ âm nhạc, rèn luyện kỹ năng, nâng cao đời sống tinh thần, thái độ với cuộc sống. Hơn hết là góp phần hình thành nhân cách, tính cách từ nghệ thuật âm nhạc. Vì vậy, theo tôi, không nhất thiết nhân lực âm nhạc dân tộc là phải theo hướng nghệ thuật chuyên nghiệp mà âm nhạc dân tộc phải hiện diện trong mọi nhà, mọi lĩnh vực, ngành nghề. Ở đó, thông qua các chương trình cộng đồng, sinh hoạt tập thể, các hội thi, hội diễn chuyên nghiệp hay quần chúng đều có sự xuất hiện của những tiết mục âm nhạc dân tộc thì lĩnh vực này dễ dàng lan tỏa hơn.

HỒNG GIANG (ghi)