Có lẽ vì thế nên trong hành trang suốt cuộc đời binh nghiệp của tác giả Nguyễn Mạnh Đẩu luôn thường trực niềm tự hào, tình yêu sâu nặng với quê hương, gia đình, dòng tộc. Và, đó chính là cội nguồn sức mạnh để ông vượt qua mọi gian nguy, thử thách trên những chiến trường ác liệt. Từ một cậu bé có dáng dấp thư sinh non nớt từng giấu tuổi để nhập ngũ trở thành vị tướng trong đội quân cách mạng, tận hiến với dân, với nước để lúc về già ở tuổi ngoài 70, ông thanh thản ngồi viết lại những dòng hồi ức chân thực, giàu cảm xúc khiến tôi bồi hồi nhập hồn vào trang sách, cùng tác giả thăm lại miền quê Đại Xá (Khánh Hợp, Nghi Lộc) hay các nẻo đường chiến trận năm xưa.

leftcenterrightdel
Bìa cuốn sách "Thẳm sâu miền ký ức". 

Cuốn “Thẳm sâu miền ký ức” được tác giả chia làm 9 phần, trong đó ba phần đầu ông dành những tình cảm ấm áp, sâu nặng cho quê hương, gia đình và thời thơ ấu của 3mình. Bằng tình yêu quê hương và vốn kiến thức sâu rộng, tác giả giúp người đọc hiểu thêm lịch sử một vùng đất Nghi Lộc xứ Nghệ, về Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí bậc thủy tổ của dòng họ Nguyễn Đình mà tác giả là hậu duệ đời thứ 18. Tiếp đó là 5 phần kể chuyện về những hồi ức cá nhân từ ngày đầu trốn nhà nhập ngũ, hành quân vào miền Nam rồi qua các chiến trường Lào, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Chiến dịch Đường 9-Nam Lào vô cùng ác liệt. Ở phần thứ 8, tác giả dành nhiều trang xúc động kể lại lần bị thương nặng chết đi sống lại mấy lần trong một trận đánh ở Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971. Hành trình gian nan vô cùng đau đớn của ông khi phải nằm trên cáng thương của giao liên khiêng bộ qua nhiều chặng ra miền Bắc để chữa trị khiến người đọc phải nghẹn ngào rơi lệ. Đó cũng là bước ngoặt lớn trong đời binh nghiệp của ông từ người lính trận mạc chuyển sang làm cán bộ chính sách ở Bộ Quốc phòng. Có lẽ với bản tính khiêm nhường, tác giả không kể tiếp quá trình bền bỉ công tác và học tập, rèn luyện, phấn đấu suốt nhiều năm của mình.

Tôi đã đọc liền mạch hết mấy trăm trang sách của Nguyễn Mạnh Đẩu với niềm say mê hứng khởi không chỉ vì nội dung phong phú, thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước mà còn vì cách kể chuyện hồn nhiên, chân thực, ấm áp tình đồng đội của người lính dạn dày trận mạc. Thật lạ, vì trong cuốn “Thẳm sâu miền ký ức” có rất nhiều sự kiện, tình tiết quan trọng, liên quan đến hàng trăm nhân vật mà trong điều kiện thời chiến không thể ghi chép kỹ nhưng bằng trí nhớ tuyệt vời, tác giả đã kể lại rất tỉ mỉ, sinh động như vừa xảy ra hôm qua vậy. Cái hay, sức hấp dẫn, tính chân thực của tác phẩm còn ở cách kể chuyện đồng hiện, phi tuyến tính. Ở mỗi sự kiện và nhân vật gây xúc động trong tâm hồn người đọc, tác giả thường dừng lại, nhẩn nha kể chuyện về cuộc gặp gỡ với nhân vật ở thời điểm nhiều năm sau đó, đôi khi còn phác họa vài nét gia cảnh, việc làm, tính cách hoặc số phận của họ sau chiến tranh. Một chút đổi mới bút pháp trong văn trần thuật như vậy đã giúp các câu chuyện trong cuốn sách không bị căng cứng, tăng sức thuyết phục và hấp lực với người đọc.

leftcenterrightdel
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu 

Tôi đọc phần 3 “Vườn ươm thuở thiếu thời” trong cuốn hồi ức này cứ nhớ mãi chi tiết cậu bé Nguyễn Mạnh Đẩu cùng hai người bạn rủ nhau giấu cha mẹ lên thành phố Vinh thi tuyển vào Trường Trung cấp Mỹ thuật công nghiệp nhưng không đỗ. Nếu đất nước yên bình, không có chiến tranh, thì biết đâu ngành hội họa có thêm họa sĩ Nguyễn Mạnh Đẩu? Nhiều người trong thế hệ chúng tôi cũng giống như tác giả, đều có một tuổi thơ mơ mộng, đầy hoài bão. Nhưng khi Tổ quốc cần, họ gác lại tất cả, xếp bút nghiên lên đường ra trận. Không ít người trong số họ đã ngã xuống, dang dở ước mơ tuổi hoa niên để có ngày 30-4-1975 lịch sử. Thật khó hình dung con người sôi nổi, lãng mạn ấy năm Mậu Thân (1968) đã từng viết di chúc lúc tròn 20 tuổi, đủ thấy chiến trường Thừa Thiên Huế năm đó khốc liệt đến nhường nào! Đã là chiến tranh tất có thắng có bại. Không ít người viết hồi ức thường hay nói nhiều đến thắng lợi và né tránh thất bại, vô tình hoặc cố ý bỏ qua sai lầm, khuyết điểm của bản thân mình. Với tác giả Nguyễn Mạnh Đẩu thì không như vậy. Ông trung thực kể lại tất cả, coi đó là bài học xương máu ở chiến trường. Những chi tiết kể về thất bại trong loạt trận đánh ở Ba Đu, Tà Bạt, điểm cao 817 Tà Tách là thí dụ điển hình: Đại đội 20 Đặc công của tác giả có 85 người thì 30 người hy sinh, 25 người bị thương, nên khi về hậu cứ họp rút kinh nghiệm đã xảy ra tranh cãi gay gắt giữa chính trị viên Đẩu với đại đội phó Chúng, dẫn đến đánh nhau ngay giữa cuộc họp. Trung thành với sự thật lịch sử luôn là tiêu chí hàng đầu của người cầm bút. Tôi trân trọng và cảm phục thái độ sống và viết ấy của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu. Không chỉ trong cuốn này, tôi đã đọc hàng nghìn trang sách của ông xuất bản trong khoảng mười năm gần đây đều thấy rõ nét ưu điểm đó. Đây chính là nhân tố quan trọng làm nên giá trị của cuốn “Thẳm sâu miền ký ức”.

Chiến tranh đã lùi vào quá vãng hơn 40 năm. Lớp trẻ hôm nay sống trong hòa bình, nhất là các bạn trẻ trong lực lượng vũ trang cần nhiều thông tin về các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc để biết và kế thừa truyền thống oanh liệt của cha ông, dấn thân chiến đấu cho nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của nước nhà.

Thành công của cuốn “Thẳm sâu miền ký ức” với những giá trị lịch sử và nhân văn của nó xứng đáng có chỗ đứng trên kệ sách của nhiều gia đình, các thư viện trong và ngoài quân đội. Với cảm nhận của mình, tôi xin giới thiệu cuốn sách với quý độc giả!

Nhà văn VŨ NGỌC TIẾN