Đất học, làng thơ

Tình cờ gặp ông Cao Bá Ấm, cháu 5 đời của danh nhân Cao Bá Quát, nghe ông tự hào kể về làng Sủi quê mình với truyền thống khoa bảng khiến tôi nóng lòng tìm về. Một chiều, tôi đi theo Quốc lộ 5, rẽ vào Khu công nghiệp Phú Thị, hỏi đường về làng Sủi, ai nấy đều nhiệt tình chỉ dẫn. Khác với suy nghĩ ban đầu về một làng cổ yên bình như bao làng khoa bảng khác, làng Sủi hiện lên với khung cảnh tấp nập, những nhà cao tầng khang trang, hệ thống giao thông thuận tiện cùng nhiều công ty tư nhân kinh doanh dịch vụ. Theo ông Cao Bá Ấm, tri thức đã và đang góp phần “thắp sáng” vùng đất này.

Trò chuyện với ông Cao Bá Ấm, tôi được biết, “Sủi” có gốc từ âm Việt cổ "S'lủi", sau phiên âm Hán Việt là Thổ Lỗi. Từ thời Lý, đây là trung tâm của hương Thổ Lỗi. Không rõ từ bao giờ, làng được đổi tên thành Phú Thụy. Người dân làng Sủi tự hào vì quê mình là đất khoa bảng, làng trung nghĩa. Thế kỷ 18, làng Sủi có 10 tiến sĩ được lưu danh trên bia ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Trong đó, họ Nguyễn Huy có 5 vị, số còn lại thuộc các dòng họ Đoàn, Cao, Trịnh, Trần và Nguyễn Xuân. Làng Sủi còn có “Nhất môn tam tiến sĩ” (một nhà 3 người đỗ tiến sĩ) và là làng duy nhất trên cả nước có “Đồng triều tứ Thượng thư” (cùng triều có 4 thượng thư), gồm: Nguyễn Huy Nhuận, Đoàn Bá Dung, Cao Dương Trạc và Trịnh Bá Tướng.

Cũng bởi danh xưng khoa bảng, đất học nên Phú Thụy còn nổi danh là làng thơ văn. Thế kỷ 19, Phú Thụy có hai nhà thơ lớn có tiếng trong cả nước. Đó là cử nhân Nguyễn Huy Lượng, tước Chương lĩnh hầu, Hữu thị lang Bộ Hộ, tác giả của “Tụng Tây hồ phú”. Người thứ hai là Cao Bá Quát, vị "Thánh thi", lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Mỹ Lương. Nhằm phát huy truyền thống làng văn thơ, năm 1993, Câu lạc bộ thơ Cao Bá Quát làng Sủi được thành lập, trở thành sân chơi của những người yêu văn thơ và tâm huyết giữ gìn truyền thống cha ông. Ông Nguyễn Xuân Ư, Chủ tịch Câu lạc bộ thơ Cao Bá Quát làng Sủi, cho biết: “Câu lạc bộ hiện có 30 hội viên, duy trì sinh hoạt định kỳ vào ngày 16 âm lịch hằng tháng. Tại đây, các thành viên sẽ ôn lại truyền thống quê hương, đọc cho nhau nghe những bài thơ do mình sáng tác để mọi người góp ý, chỉnh chữa. Từ năm 2010 đến nay, câu lạc bộ luôn nằm trong tốp 3 đơn vị có thành tích tốt nhất tại các hội thi thơ và câu đối huyện Gia Lâm”.

leftcenterrightdel
Bàn thờ danh sĩ Cao Bá Quát tại Nhà thờ họ Cao. 

Nằm gần chợ Sủi đông đúc, tấp nập nhưng Khu di tích đình-đền-chùa làng Sủi và Khu tưởng niệm danh nhân Cao Bá Quát vẫn giữ được vẻ thanh tịnh, uy nghi. Chùa Sủi còn có tên là Đại Dương tự, đời Lý Thánh Tông, Nguyên phi Ỷ Lan đã về đây làm lễ cầu tự và sau đó sinh được Thái tử Càn Đức, tức vua Lý Nhân Tông, do đó bà đã cho xây dựng lại ngôi chùa này gọi là Sùng Phúc tự. Đình làng Sủi thờ tướng quân Đào Liên Hoa, người có công giúp Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Còn đền là nơi thờ Nguyên phi Ỷ Lan. Trong sân đền còn có giếng cổ, tương truyền khi bà Ỷ Lan về cầu tự đã tắm nước giếng này. Năm 1989, di tích đình-đền-chùa làng Sủi đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích cấp quốc gia và làm nhà văn bia. Năm 2005, toàn bộ khu di tích được trùng tu. Đến năm 2009, nhà tưởng niệm danh nhân Cao Bá Quát được xây dựng tạo nên một cụm di tích khang trang xứng tầm với những giá trị văn hóa-lịch sử của vùng đất này.

Về thăm thôn Phú Thụy hôm nay, vãn cảnh chùa, nghe các cao niên trong làng giải thích ý nghĩa của những tấm bia đá, hoành phi câu đối... tôi thấy mọi thứ đều rõ ràng, dễ hiểu. Nhưng để có được những tư liệu đó, các cụ trong làng đã vất vả sưu tầm, tìm kiếm, đọc và đối chiếu những tài liệu cổ. Từ năm 1975, đội ngũ cán bộ lão thành nghỉ hưu về làng đã có tâm huyết sưu tầm, giữ gìn, tôn tạo các di tích, khôi phục lễ hội, viết sách về lịch sử quê hương. Riêng việc chứng minh được đây là làng Sủi, tức Thổ Lỗi đã là cả một quá trình gian nan.

Viết tiếp truyền thống hiếu học

Nằm ở trục đường chính của làng Sủi, Nhà thờ họ Nguyễn Huy là công trình được UBND TP Hà Nội xếp hạng di tích văn hóa, lịch sử. Ông Nguyễn Huy Miện, Trưởng dòng họ Nguyễn Huy, cho biết: “Trước đây, nhà thờ cũ bị giặc Pháp ném bom làm hư hại. Dòng họ đã xây dựng lại nhà thờ trong hai năm 1995 và 1996. Qua lần trùng tu, nâng cấp năm 2008, nhà thờ giữ nguyên kiểu dáng cho đến nay. Vào ngày mồng 9 tháng 6 âm lịch hằng năm, con cháu họ Nguyễn Huy tề tựu để cùng tổ chức giỗ Tổ. Ngoài ra, vào ngày mồng 4 Tết hằng năm, dòng họ đều tụ tập tại nhà trưởng họ để đi tảo mộ đầu xuân, có năm đông đến trên trăm người”.

Bao năm qua, Nhà thờ họ Nguyễn Huy là nơi để các thế hệ con cháu dòng họ hội họp, giáo dục truyền thống và đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài. Theo số liệu mà ông Nguyễn Huy Miện cung cấp: Từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, khoảng 30 chi họ Nguyễn Huy trên phạm vi các tỉnh, thành phố phía Bắc đã có 356 cử nhân, 66 thạc sĩ, 40 tiến sĩ, 2 giáo sư và 10 phó giáo sư. Riêng 4 chi dòng họ Nguyễn Huy tại làng Sủi có 62 cử nhân, 12 thạc sĩ, 4 tiến sĩ. Trong số hàng chục cán bộ hưu trí của dòng họ Nguyễn Huy tại làng Sủi có 4 vụ trưởng, phó vụ trưởng thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. “18 năm nay, kể từ khi xã Phú Thị lập Hội Khuyến học, mỗi năm dòng họ Nguyễn Huy có trên 15 học sinh giỏi được khen thưởng. Nhằm khích lệ tinh thần hiếu học, dòng họ Nguyễn Huy có quỹ khuyến học nhằm động viên các cháu có bằng cử nhân tiếp tục học lên cao học, nghiên cứu sinh”, ông Nguyễn Huy Miện cho biết thêm.

leftcenterrightdel
Đại
Đại diện Quỹ Khuyến học dòng họ Nguyễn Huy tặng thưởng học sinh xuất sắc.

Chỉ cách Nhà thờ họ Nguyễn Huy chừng 200m, Nhà thờ họ Cao nổi bật bởi sự kết hợp giữa kiến trúc cổ và hiện đại. Ông Cao Bá Hiệp, thành viên Ban thường trực Cao tộc thôn Phú Thụy, tự hào: “Trong năm 2020, dòng họ Cao đã làm được hai việc lớn. Một là di dời mộ của cụ Cao Bá Quát về nghĩa trang của thôn để trả lại mặt bằng làm đường mới cho xã. Hai là con cháu dòng họ đã thành tâm quyên góp tôn tạo, sửa chữa nhà thờ”.

Từng là giáo viên tiểu học nên sau khi về hưu vào năm 2013, ông Cao Bá Hiệp đã đi đầu trong việc vận động con cháu trong dòng họ thành lập Hội Khuyến học. Hằng năm, vào ngày mồng 10 tháng Giêng, con cháu họ Cao ở khắp nơi đều tề tựu tại nhà thờ tổ ở thôn Phú Thụy để ôn lại truyền thống khoa bảng và vinh danh những học sinh có thành tích học tập xuất sắc. Ông Cao Bá Hiệp khẳng định: “Việc khen thưởng học sinh tại nhà thờ họ có ý nghĩa đặc biệt, vừa ôn lại truyền thống khoa bảng vừa giúp các cháu có thêm động lực, ý chí vươn lên. Khi tới đây, chúng tôi còn hướng dẫn các cháu cách lau dọn bàn thờ, sắm lễ để thành tâm dâng lên các vị tiên tổ của dòng họ”.

Ông Cao Bá Trung, Trưởng ban khuyến học dòng họ Cao tại làng Sủi cho biết: “Quỹ khuyến học dòng họ Cao mỗi năm đều dành từ 4 đến 5 triệu đồng nhằm khen thưởng học sinh trong họ có thành tích học tập xuất sắc. Ngoài ra, riêng với những học sinh đỗ đại học, cá nhân tôi cũng có phần thưởng riêng là 500.000 đồng. Món quà tuy nhỏ, nhưng tin rằng việc được động viên, khích lệ kịp thời từ Ban khuyến học, con cháu dòng họ Cao sẽ tiếp nối truyền thống hiếu học, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp theo truyền thống của cha ông”.

Bài và ảnh: YÊN NINH