Đọc những trang “Viết trong lửa đạn” của nhà báo Cao Kim, bố tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động hồi tưởng về một thời chiến đấu anh dũng của người em ruột mình nơi chiến trường năm xưa. Hình ảnh chú tôi-chàng trai Thủ đô đối mặt với quân thù giữa chiến trường ác liệt, dù cận kề giữa sự sống và cái chết vẫn tận dụng từng phút hiếm hoi giữa hai trận đánh, tranh thủ đọc những trang sách của Đại học Nông nghiệp I và từ điển tiếng Anh, tiếng Pháp mà chú mang theo trong ba lô, chờ đến ngày hòa bình lại tiếp tục thực hiện ước mơ của mình. “Nhưng ước mơ ấy không bao giờ trở thành hiện thực, vì chú-người pháo thủ số 2 trên xe tăng số 380 (trong đội hình chiến đấu của Lữ đoàn Xe tăng 203 Quân Giải phóng) đã anh dũng hy sinh ngay tại cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn trên đường tiến vào Dinh Độc lập ngày 28-4-1975”-bố tôi rơm rớm nước mắt.
    |
 |
Nhà báo Cao Kim chụp tại mặt trận. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Lúc đó, dù chưa được gặp tác giả cuốn “Viết trong lửa đạn”, nhưng khi đọc từng dòng, từng trang trong sách, những kỷ niệm và hồi ức của nhà báo chiến trường đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi-một người chưa hề biết chiến tranh, chỉ mới hiểu phần nào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta qua báo chí, phim ảnh hay bài học trong sách giáo khoa phổ thông. Tôi hình dung tác giả cuốn sách chắc phải là một nhà báo dũng cảm, mưu trí, xông xáo, luôn lạc quan, vui tính và đầy tình thương yêu đồng bào, đồng chí, đồng đội. Sau này, khi được gặp và trò chuyện với nhà báo Cao Kim, tôi càng thấy cảm nhận và hình dung của mình quả không sai. Tuy tuổi cao nhưng tác giả vẫn minh mẫn. Lần nào nói chuyện với ông, tôi cũng cảm thấy thiếu thời gian. Ông là cả một kho tư liệu quý về chiến trường, một người đầy dũng khí cách mạng và ý chí quật cường, một nhà báo lãng mạn và giàu tình cảm, có bề dày kinh nghiệm hoạt động báo chí cả trong thời chiến và thời bình. Những kỷ niệm chiến trường, những dòng ghi vội trên đường hành quân, những bản thảo viết tay (có nhiều bài đã đăng hoặc chưa kịp đăng Báo Giải Phóng và các báo xuất bản tại trận địa) được nhà báo Cao Kim cất trong ba lô hoặc gửi đồng bào giữ hộ trong chiến tranh, nay tìm lại, tuy bị thất lạc nhiều nhưng được tác giả sắp xếp, bổ sung, kết nối như một dòng chảy ký ức cách mạng hào hùng, cuộn dâng trong cuốn “Viết trong lửa đạn”. Với ngòi bút sắc sảo, lối viết dung dị, hóm hỉnh và rất linh hoạt khi chọn từng thể loại phù hợp cho từng vấn đề, nhà báo Cao Kim làm tăng sự hấp dẫn của mỗi bài viết vốn phong phú, chân thực về nội dung, ngồn ngộn tư liệu và đầy kịch tính, mang đến người đọc hơi thở của cuộc sống, chiến đấu đầy tự hào của quân và dân ta giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
Đến khi được đọc cuốn “Làm báo ở chiến trường-chuyện những người trong cuộc”, tôi lại càng hiểu thêm về sự vất vả, hy sinh và rất anh dũng, quả cảm của các nhà báo cách mạng-những người vừa cầm súng, vừa cầm bút tại mặt trận, trong đó, chính tác giả cũng là nhân vật tiêu biểu. Tôi thật xúc động khi đọc những bài về các trận đánh có nhà báo tham gia. Một trong những trận chiến đấu ấy là trận phá vây bên sông Vàm Cỏ Đông. Đó là trận đánh không cân sức: Một bên là kẻ địch đông đảo, có máy bay, pháo binh, tàu chiến yểm trợ; một bên chỉ có 4 chiến sĩ giải phóng bị bao vây giữa nơi bưng biền trống trải và không có công sự. Đặc biệt, nhóm 4 chiến sĩ ấy có 3 người là nhà báo, trong đó có nhà báo Cao Kim. Với ý chí, tinh thần quả cảm và mưu trí, dù chỉ có súng tiểu liên, súng ngắn và lựu đạn, các chiến sĩ ta vẫn bình tĩnh, kiên cường chiến đấu, bám trận địa suốt từ sáng đến chiều tối, chặn đánh và đẩy lùi các mũi tiến công, phá tan vòng vây của địch và thoát hiểm an toàn. Hồi hộp theo dõi diễn biến trận đánh vô cùng ác liệt, nhất là lúc ta và địch “giáp lá cà”, tôi không còn nhận ra đâu là nhà báo Cao Kim nữa, bởi ông đã thực sự hóa thân thành chiến sĩ giải phóng dũng cảm, xông xáo cùng đồng đội chiến đấu một mất một còn với quân địch. “Lạ thật, suốt từ sáng đến tối, 4 anh em chiến sĩ quần nhau với địch giữa nơi không có hầm hào và công sự, bom đạn Mỹ dày đặc, vậy mà-như có trời đất cùng vong linh tổ tiên và các anh hùng liệt sĩ phù hộ, cả 4 người chỉ bị bầm da, xước thịt chứ không một ai dính bom đạn Mỹ”. Hai cô du kích Long An vô cùng ngạc nhiên thốt lên như vậy và rất mừng rỡ như gặp lại người thân khi cùng bà con trong ấp bơi xuồng đi tìm các anh sau trận quần nhau với địch hiếm thấy bên sông Vàm Cỏ Đông.
    |
 |
Bìa 3 cuốn sách của nhà báo Cao Kim (Kim Toàn) mới xuất bản. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nếu không bám sát cơ sở, lăn xả vào cuộc chiến ở các mặt trận như vậy, nhà báo chiến trường không thể dùng ngòi bút vừa làm vũ khí chiến đấu, vừa là phương tiện tuyên truyền, giáo dục, vận động cách mạng để tạo dựng niềm tin vào chiến thắng trong cuộc kháng chiến chính nghĩa và vĩ đại của dân tộc.
Có lẽ phải tốn không biết bao giấy bút, sách vở để có thể khắc họa và lột tả hết được những ký ức hào hùng, bi tráng của dân tộc Việt Nam qua các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và bảo vệ Tổ quốc. Và quan trọng hơn là thái độ của những người còn sống, của thế hệ sau đối với những mất mát, hy sinh đó. Là một người trẻ, sinh ra sau chiến tranh, tôi nghĩ, các thế hệ con cháu rất cần có sự nhận thức đầy đủ, đúng đắn đối với lịch sử và với cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc được làm nên bởi những con người vĩ đại. Đó là những người thông minh, tài giỏi, dũng cảm, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù; khi trở về sau ngày chiến thắng, họ vẫn rất tâm huyết với cách mạng và đất nước, luôn gương mẫu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và rất khiêm tốn, bình dị trong cuộc sống đời thường.
Là người công tác trong ngành giáo dục, hơn 20 năm qua, tôi được làm việc, tiếp xúc thường xuyên với nhiều bạn trẻ. Từ một giảng viên trẻ bỡ ngỡ bước lên bục giảng trước những người bằng tuổi cha, chú mình ở những lớp học tại chức năm xưa, bây giờ đứng trên bục giảng đầy tự tin trước các sinh viên bằng tuổi con lớn mình, tôi luôn thấy tự hào, may mắn và đúng đắn khi lựa chọn con đường này-con đường được trực tiếp truyền tải, chuyển giao tri thức, góp phần vun đắp, xây dựng những ước mơ, khát vọng cho đời và xã hội.
Tôi rất mong có dịp được mời tác giả-nhà báo-chiến sĩ Cao Kim đến nói chuyện về “một thời hào hùng, một thời để nhớ” với thế hệ trẻ, đoàn viên, thanh viên ưu tú của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhất là những lớp học cảm tình Đảng. Tôi nghĩ, những câu chuyện người thực, việc thực, với những nhân vật lịch sử bằng xương bằng thịt, sự truyền tải tinh thần và ý chí cách mạng cho thế hệ sau sẽ thực sự đem lại giá trị nhân văn cao quý cho người nghe, chứ không phải dừng lại ở những trang viết thu hoạch mang tính hình thức đối với học viên khi kết thúc lớp học. Tôi tin, nếu được thấu hiểu và trân quý, thế hệ thanh niên ưu tú sẽ có thái độ đúng đắn về lịch sử một thời hào hùng của dân tộc, từ đó họ biết nuôi dưỡng khát vọng cống hiến, đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh và cho cộng đồng, bên cạnh mong ước phát triển sự nghiệp và bản lĩnh chuyên môn của mình. Chúng tôi, thế hệ trẻ xin được biết ơn và vô cùng biết ơn!
PGS, TS TRẦN THỊ THANH TÚ