Điểm tập kết là nhà Trung tướng Phùng Khắc Đăng. Tôi đã đến thăm nhà ông mấy lần. Nhà ông tướng chẳng khác nhà thường dân bao nhiêu. Vẫn cái quạt trần Điện Cơ xanh nõn chuối dễ đã qua một phần tư thế kỷ, bộ bàn ghế mộc, mấy bậc cầu thang lát gạch vô cùng bình dị.

Đoạn đường từ trung tâm TP Hà Nội về đây chừng ba chục cây số. Ngày thứ bảy nên cũng thoáng, đi khoảng một tiếng đồng hồ đã đến làng Bùng thuộc xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất. Ô tô vào đến sát đình làng. Đã có mấy cụ đại diện Ban Quản lý di tích ngồi đợi, trong đó có cụ nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, có cụ là nhà giáo, có cụ công tác xã, có cụ là bộ đội nghỉ hưu. Các cụ là bậc cây cao bóng cả, am hiểu truyền thống, trở thành người lưu giữ ký ức của làng, tích tụ truyện xưa, tục lệ xưa, lễ nghi xưa và truyền lại cho con cháu. Thời nào cũng vậy, “đất vua, chùa làng”, “phép vua thua lệ làng”.

Thật biện chứng, sự trì kéo cũng có mà bảo tồn, chưng cất, giữ gìn, phát huy truyền thống cũng có. Thử hỏi, nếu không có tiếng nói quyết liệt của các cụ hội đồng làng xã, liệu còn giữ được gian điện thờ cổ Hậu cung giữa thời tiêu thổ kháng chiến tám chục năm trước kia chăng? Bây giờ, hình ảnh cụ từ giữ đền đã chuyển hóa trong vị thế những nhà trí thức nghỉ hưu gắn với cơ quan văn hóa xã, huyện, thành phố. Việc quản lý cũng chẳng dễ dàng gì. Chỉ một làng Bùng văn vật mà có đủ đình, chùa Kim Liên, đền và lăng mộ Trạng Phùng Khắc Khoan đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia cùng Quán, Văn Chỉ, Võ Chỉ...

Theo sử sách và truyền thuyết thì làng Bùng định hình đã hơn hai nghìn năm. Thuở xa xưa có tên An Hoa Trang, kẻ Nủa, sau đổi thành Phùng Xá, gọi nôm là làng Bùng. Chỉ mới từ đầu thế kỷ trước, làng Bùng có tới 5 cổng lớn, xung quanh có lũy tre bao bọc, gần như một pháo đài xanh. Ngày nay, làng còn 4 cổng mở ra 4 hướng. Những lối ngõ đan chéo nhau như phố thị. Lúc đi từ lăng mộ cụ Trạng ngang qua khu Văn Chỉ có một đoạn ngắn mà nhóm nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng lạc lối, phải hỏi thăm đến mấy lần.

Người làng Bùng mãi ghi nhớ công ơn vị thần hoàng Phùng Thanh Hòa. Thần phả ở đình Phùng Xá do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính (thế kỷ 16) ghi: “Đại vương họ Phùng, húy Thanh Hòa, sinh ngày 12 tháng 11 năm Mậu Thân (tức ngày 8-12-528), ở trang Hồng Vinh, quận Nam Xương (nay thuộc Lý Nhân, Hà Nam). Bố là Phùng Thủy, mẹ là Hoàng Thị Mai. Ông bà ăn ở phúc đức, hiền lành, gia tư thuộc hạng trung lưu, hay làm việc thiện nên được thiên thần phù hộ sinh ra ngài”.

Từ nhỏ, ngài đã thông minh dĩnh ngộ, sức khỏe hơn người, đặc biệt có môn đấu vật nổi tiếng cả kinh kỳ, thu hút được nhiều môn đệ, hương đảng mạnh hùng. Riêng danh xưng trạng vật có lẽ do dân gian truyền tụng, phong tặng, hình tượng hóa bậc thánh “Hộ quốc tí dân”, sức khỏe hơn người và cũng được coi là người khởi sinh ra môn vật, còn truyền lại đến ngày nay. Ông tổ vật, trạng vật này sinh trước Trạng vật Vũ Phong (Hải Dương, thế kỷ 15-16) đến cả dư ngàn năm.

Đến năm Tân Dậu (541), Lý Bí (503-548) nổi lên chống đô hộ nhà Lương. Phùng Thanh Hòa liền đưa quân theo, được phong làm Hữu tướng quân, sánh đôi với Tả tướng quân Triệu Quang Phục (524-571). Lý Bí lên ngôi (544), xưng Lý Nam Đế, đặt hiệu Thiên Đức, quốc hiệu Vạn Xuân... Thần phả đình Phùng Xá ghi rõ: “Khi ngài sinh ra thiên tư khác lạ, lớn lên thông minh, học một biết mười.

Ngoài việc học chữ nghĩa văn chương, ngài lại học binh thư võ nghệ, cung kiếm môn nào cũng giỏi. Không những thế, ngài lại có năng khiếu âm nhạc, sử dụng đàn sáo rất điêu luyện. Lúc bấy giờ, nước ta bị nhà Nam Lương đô hộ. Nhân dân lầm than đói rách, khổ cực vô cùng. Năm Tân Dậu (541), Lý Bí phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Lương, đuổi được Thứ sử Tiêu Tư, chiếm giữ thành Long Biên. Tuy ngài còn ít tuổi nhưng vốn tài năng xuất chúng, cũng triệu tập nghĩa sĩ trong vùng đứng lên hưởng ứng.

leftcenterrightdel

Đoàn nghiên cứu tại đình thờ Phùng Thanh Hòa, làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN THANH

 

Tháng Giêng năm Giáp Tý (544), Lý Bí lên ngôi vua, tức Lý Nam Đế, lập ra nước Vạn Xuân, lấy niên hiệu là Thiên Đức. Nhà Lương lại cho Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem quân sang đánh trả thù. Vua Lý Nam Đế bị vây hãm ở thành Gia Ninh. Thế giặc rất mạnh. Ngày 11 tháng 8 năm Bính Dần (546), ngài được phong là Hữu tướng quân, rồi đem quân giải vây, cứu vua cùng với Tả tướng quân Triệu Quang Phục ở hồ Điển Triệt... Sau khi Lý Nam Đế qua đời, nhà Lương đem quân sang tái chiếm Vạn Xuân.

Tả tướng quân Triệu Quang Phục rút về đền Dạ Trạch lập căn cứ, xưng Triệu Việt Vương. Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa về An Hoa trang, đổi tên thành Phùng Gia trang. Thần phả ghi đôi câu đối: An Hoa cổ tự truyền lưu hiệu-Phùng Xá tân thừa cải việt danh (An Hoa là tên làng xưa đã lưu truyền-Phùng Xá là tên mới cải thành).

Có thể nhờ việc lập thôn làng mà dân gian suy tôn ông là nhà phong thủy. Kể ra thì làng Bùng đúng là nơi “sơn cao, thủy tụ”, có núi Sài Sơn - Phật Tích - Hoàng Xá - chùa Thầy; có sông Đáy - sông Tích đôi ngả Đông - Tây... Phùng Thanh Hòa ở Phùng Gia trang hai năm rồi mất vào ngày 15 tháng 8 năm Kỷ Tỵ (22-9-549)... Những ghi chép tiểu sử chi tiết như thế này là điều quá hiếm hoi đối với một danh nhân từ thời Bắc thuộc. Quán xã Phùng Xá thờ Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa được xây dựng từ lâu đời, hình chữ nhị, gồm đủ Sân lọng, Bái đường, Hậu cung, đặt ở phía Đông Nam làng, hướng về núi Hoàng Xá. Nơi đình thờ ngài có bài vị, sắc phong, hoành phi, kiệu, tán lọng và đôi câu đối của người đời sau, khoảng cuối thời Lê: Tích nhật An Hoa kim Phùng Xá-Công minh Tiền Lý hiển Lê thì (Xưa An Hoa nay Phùng Xá-Công tích rỡ ràng Tiền Lý hiển hiện thời Lê). Nội dung gắn kết chặt chẽ với bài Minh.

Điều đặc biệt là Phùng Thanh Hòa được dân chúng tôn làm Thành hoàng làng. Trên bức cuốn thư trong đình có bài Minh ghi công lao của vị Thành hoàng:

Thanh linh tằng hách hách,

Chính khí tự nguy nguy.

Ba cổn hương thần hóa,

Sơn hà thủy thánh cung.

Công minh tiền Lý sử,

Tích hiển hậu Lê thì.

Phú tài đồng thiên địa,

Hồng ân vạn cổ thùy.

Bản dịch: Trong sáng linh thiêng tồn mãi mãi/ Chứng thực khí tiết sáng lâng lâng/ Sóng dậy nước dân thần làm được/ Non sông tươi sáng ghi công lực/ Công lao tươi sáng triều tiền Lý/ Đến hậu Lê công tích rõ ràng ghi/ Đất trời để lại đời giàu đẹp/ Muôn đời ghi tạc ơn sâu.

Cả đoàn đến thắp hương nơi Từ đường thờ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528-1613). Kể cũng lạ! Cụ Thành hoàng Trạng vật Phùng Thanh Hòa sinh năm 528, trước cụ Trạng Bùng tròn 1.000 năm chẵn. Lạ thật! Hai cụ Trạng trong làng, một bên ngạch võ, một bên ngạch văn. Các cụ tư văn cho biết, lễ hội Thành hoàng Phùng Thanh Hòa tổ chức vào dịp đản sinh, trong khi với cụ Phúc thần Phùng Khắc Khoan lại theo ngày kỵ nhật. Bao nhiêu đời cứ theo lệ thế, chẳng biết vì sao như thế nữa.

Tôi đến đây lần này là thứ ba. Có chuyến đi từ năm 2000 cùng mấy anh em Khoa Văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, do GS Bùi Duy Tân, chuyên gia hàng đầu về Trạng Bùng dẫn đầu. So với hai mươi năm trước, xem ra sân, vườn, ao đã gọn gàng, sạch đẹp hơn nhiều. Tường nhà làm bằng loại gạch đá ong đặc thù ở vùng quê xứ Đoài. Gian ngoài nếp nhà thờ cất gỗ tạp đơn sơ, cũ kỹ, phai bạc trước mưa nắng, thời gian.

Ngắm nhìn gian nhà thờ, PGS, TS, nhà văn, nhà giáo Phạm Quang Long (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa TP Hà Nội, nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hà Nội) thảng thốt: “Không tương xứng với tầm vóc cụ Trạng! Không xứng tầm cụ Trạng!”. Rồi ông vòng ra đầu sân, nối điện thoại với ai đó. Chắc cũng một quan chức trong ngành văn hóa có trách nhiệm với việc tôn tạo di tích. Câu chuyện có vẻ ổn thỏa.

Đi cách một đoạn đường thì đến khu lăng mộ Trạng Bùng. Khoảng đất mấy chục mét vuông. Khuôn cổng cũ có tấm biển cũ ghi nhận đây là điểm di tích văn hóa. Phía ngoài có cây đa đại. Tường nhà dân xây sát bờ rào. Phía ngoài có gian nhà kho cũ nát, di sản từ thời hợp tác xã mấy chục năm xưa. Xuôi một đoạn nữa thì đến nhà Trung tướng Phùng Khắc Đăng.

Diện tích nhà các hộ dân ở đây hầu hết đều chật hẹp. Không mấy nhà còn đủ đất cho mô hình vườn - ao - chuồng. Bên những mảnh vườn nhỏ hiếm hoi, ngay cả ở góc sân lát gạch rồi vẫn có những cây hồng xiêm và bưởi giống mới, cây thấp mà quả sai trĩu. Nhà Trung tướng Phùng Khắc Đăng mái ngói, gỗ mít. Ông bảo: “Thỉnh thoảng về nằm nghỉ trên chiếc trường kỷ này, thoải mái lắm”. Ông chơi chữ, bảo rằng có người em làm "thứ trưởng" trông coi việc nhà. Ý nói người em thứ ở quê nhà thay anh làm trưởng...

Trước khi ra về, Trung tướng Phùng Khắc Đăng tặng mỗi người một tập thơ "Thời gian xanh mãi" với 123 bài. Ông nói thêm: “Thơ tớ là tâm sự của anh lính quê. Anh em đọc xem sao”... Đúng là tập thơ của người lính mãi gắn bó với quê hương, xứ sở.

Đến với quê hương trạng vật, lại nhớ bài thơ "Làng tôi" của vị tướng thời nay tưởng niệm về người muôn năm xưa: Quê hương hai tiếng thiêng liêng/ Như là vật quý để riêng tặng mình/ Đi xa vẫn nhớ mái đình/ Nhớ đền quan Trạng, nhớ dinh ông Nghè/ Nhớ bia sự tích Thanh Hòa/ Quan Thiên nhớ mộ Thám Hoa lưu truyền...

PGS, TS NGUYỄN HỮU SƠN