Người Hà Nội năm xưa ra đi

Sáng mùa thu trong căn nhà ngập tràn hoa nắng tại đường Lý Nam Đế, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, một cụ ông tóc bạc phơ, lần giở cuốn album chứa những tấm ảnh cũ, nhuốm màu thời gian. Dừng lại thật lâu bên những tấm ảnh đen trắng, ánh mắt cụ bỗng lấp lánh như ánh mắt của chàng trai tuổi đôi mươi. Những tấm ảnh gợi lên bao ký ức về một thời gian khó, sôi nổi khiến câu chuyện giữa ông và khách tưởng như không thể dừng lại được.

 - Tôi tên là Phan Hữu Giản, sinh năm 1941, nguyên quán ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Năm 1976, tôi là cán bộ của Thành ủy Hà Nội, có nhiệm vụ cùng với một số cán bộ phụ trách lực lượng đoàn viên, thanh niên đi xây dựng Khu kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước năm 1975 đưa dân tộc ta bước sang trang sử mới. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới đòi hỏi phải phân bố lại dân cư và lao động một cách hợp lý nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tài nguyên của đất nước. Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 4-11-1975, Ban Kinh tế mới TP Hà Nội do đồng chí Trần Duy Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Ủy ban hành chính TP Hà Nội dẫn đầu vào làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, sơ bộ khảo sát địa bàn, chuẩn bị xây dựng vùng kinh tế mới. Ngày 17-12-1975, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ra Thông báo số 154-TB/ĐBHN về quyết định xây dựng Khu kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng.

Ngày 29-3-1976, Tổng đội thanh niên tiền trạm Gia Lâm có 293 đội viên là đơn vị đầu tiên xuất quân lên đường vào Lâm Đồng và ông Phan Hữu Giản, trên cương vị Phó trưởng ban, Bí thư Đoàn Thanh niên Khu kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng đã có mặt trong đoàn quân ấy. “Mặc dù tôi là con liệt sĩ, đã có gia đình, thuộc diện ưu tiên không phải đi nhưng vì ước mơ muốn đặt chân đến miền Nam, vì tinh thần “ba sẵn sàng” nên đã xung phong nhận nhiệm vụ. Trước khi đi, tôi chỉ kịp gửi thư cho vợ lúc ấy là công nhân của Nông trường Sông Lô tận Tuyên Quang báo tin rằng tôi đã đi vào miền Nam và hứa sẽ trở về đón cô ấy”, ông Phan Hữu Giản bồi hồi nhớ lại.

Bà Nguyễn Thị Mão, Phó bí thư Đoàn Thanh niên Khu kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng cho biết: "Sau khi Tổng đội thanh niên tiềm trạm Gia Lâm vào Lâm Đồng thì lần lượt các tổng đội thanh niên xung phong các huyện Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì và các khu phố Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng... đã tập kết đầy đủ ở khu vực Nam Ban (Lâm Đồng) theo kế hoạch. Đến cuối năm 1978, đã có gần 2.700 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) Hà Nội vào Lâm Đồng tham gia xây dựng Khu kinh tế mới Hà Nội. Trong đoàn quân “Nam tiến”, ngoài một số ít cán bộ chỉ huy đã có tuổi thì hầu hết còn rất trẻ, trong độ tuổi mười tám, đôi mươi. Năm 1954, khi Hà Nội giải phóng, thế hệ chúng tôi mới chào đời. Nhưng hơn 20 năm sau, chúng tôi là những chàng trai, cô gái căng tràn sức trẻ, mang trong mình lý tưởng cao đẹp, không ngại gian khổ, hy sinh, lên đường xây dựng đất nước”.

leftcenterrightdel

Gia đình ông Phan Hữu Giản lúc mới vào Nam Ban, Lâm Đồng (ảnh chụp lại). 

Dâng tuổi xuân cho một “Hà Nội mới”

Tại khu vực Nam Ban, các ĐVTN bắt tay vào công việc mở đường, xây dựng trường học, nhà máy, nhà trẻ, trạm y tế, nhà cửa, đào giếng, khai hoang sản xuất để chuẩn bị đón dân vào sinh sống. Công việc vất vả, đời sống kham khổ cộng với mưa rừng, muỗi, vắt và mối nguy hiểm thường trực từ lực lượng phản động Fulro khiến không ít người nản chí, thậm chí có người đã ngã xuống do bị bệnh sốt rét, dưới họng súng của quân thù. Tuy nhiên, hầu hết cán bộ và ĐVTN đều quyết tâm bám trụ, hăng hái lao động sản xuất, đánh thức rừng hoang, đất lạ trở thành vùng quê mới gắn bó.

Giai đoạn 1976-1980, lực lượng ĐVTN Thủ đô đã khai hoang 1.900ha đất, xây dựng gần 1.000 căn nhà, đào 117 giếng nước, làm 271km đường giao thông, 35 cầu cống các loại. Tham gia tổ chức sản xuất thử nghiệm, tìm hiểu thời vụ, quy trình kỹ thuật, khả năng phát triển của cây trồng, vật nuôi để chuẩn bị mở rộng sản xuất đại trà... Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đến năm 1978, sản lượng lương thực, thực phẩm của vùng kinh tế mới có bước phát triển rõ rệt. Tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 4.300 tấn, nhiều giống cây trồng, vật nuôi sau thời gian thử nghiệm đã thích nghi và phát triển tốt như ngô, khoai, sắn, lúa, dâu tằm, bò sữa, lợn... Kết quả này có tác dụng thuyết phục, cổ vũ nhân dân Thủ đô vào xây dựng vùng kinh tế mới ngày càng đông.

Không chỉ xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác di dân, lực lượng thanh niên tiền trạm còn tham gia hoạt động vũ trang, bảo vệ an ninh cho vùng kinh tế mới. Sau năm 1975, Lâm Đồng là địa bàn trọng điểm chống phá của lực lượng Fulro. Tại vùng Nam Ban, Lán Tranh, nơi đứng chân của các đội thanh niên tiền trạm, lực lượng Fulro thường xuyên tổ chức hoạt động tập kích khủng bố, giết hại cán bộ, dân thường, phá hoại cơ sở vật chất, reo rắc tâm lý hoang mang, lo sợ cho cán bộ và người dân. Tháng 4-1976, bọn Fulro đã bắt và giết đồng chí Nguyễn Thi, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch UBND xã NThol Hạ. Cuối năm 1978, chúng tập kích vào trụ sở xã Phú Sơn, đốt hợp tác xã mua bán. Đêm 23-12-1979, chúng tập kích vào trụ sở xã Đạ Đờn; đêm 2-2-1980, chúng tập kích vào Tiểu đoàn 810 (Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng) đóng ở Tân Văn và tập kích vào xã Phi Tô... "Một ngày cuối năm 1978, hai cặp nam nữ thanh niên xung phong từ khu vực Lán Tranh đi bộ ra Đức Trọng làm thủ tục đăng ký kết hôn. Khi đến khu vực dốc 800 đã bị lực lượng Fulro sát hại, trong số 4 người bị giết có một người tên là Nguyễn Văn Xôi, thuộc Tổng đội Đông Anh, tôi còn nhớ rõ", bà Nguyễn Thị Mão ngậm ngùi nhớ lại.

leftcenterrightdel
Một góc thị trấn Nam Ban hôm nay (trước đây là Khu kinh tế mới Hà Nội). 

Nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, Khu kinh tế mới Hà Nội đã thành lập 3 đại đội với 30 trung đội dân quân, tự vệ, gồm 1.570 cán bộ, chiến sĩ, phối hợp cùng các lực lượng bộ đội, công an địa phương truy quét bọn phản động Fulro có vũ trang ở ngoài rừng, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trong cuộc chiến đấu, lao động mở đường xây dựng và bảo vệ vùng kinh tế mới, đã có 7 cán bộ, đội viên thanh niên lao động tiền trạm hy sinh. 

Nhờ sự chuẩn bị tích cực của lực lượng thanh niên tiền trạm, những rừng hoang mênh mông đầy thú dữ, muỗi, vắt và là nơi ẩn náu của lực lượng phản động Fulro dần trở thành những nông trường, khu dân cư bình yên, trù phú, chào đón hơn 5.100 hộ dân cùng với khoảng 24.000 nhân khẩu từ các quận, huyện của TP Hà Nội vào sinh sống, lập nghiệp trong giai đoạn 1976-1985. Kết quả này chính là tiền đề để năm 1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra quyết định thành lập huyện mới Lâm Hà trên cơ sở sáp nhập Khu kinh tế mới Hà Nội và một số xã của huyện Đức Trọng. Tên huyện Lâm Hà là ghép từ hai địa danh Lâm Đồng và Hà Nội, thể hiện sự gắn kết giữa hai vùng đất, là niềm thương, nỗi nhớ của người dân với Thủ đô, nơi họ đã ra đi và sự tri ân đối với mảnh đất Lâm Đồng, nơi đã cưu mang những người con của Hà Nội.

48 năm đã trôi qua kể từ lứa thanh niên xung phong đầu tiên của Hà Nội vào Lâm Đồng, những vùng đất hoang vu năm xưa như Nam Ban, Lán Tranh giờ trở thành những thị trấn, xóm thôn sầm uất, trù phú, mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội và những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi ngày ấy giờ đã trở thành những cụ ông, cụ bà. Có người sau thời gian công tác đã trở lại Thủ đô, nhưng cũng rất nhiều người ở lại xây dựng cuộc sống, hạnh phúc trên vùng quê mới. Nhưng dù ở đâu, làm gì thì những người còn lại hôm nay đều luôn ghi nhớ, tự hào về những tháng năm thanh xuân đã cùng nhau khai sinh ra một Hà Nội thu nhỏ trên vùng đất Nam Tây Nguyên phồn sinh và hùng vĩ.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG