Cái tên Hung Tran trong bài đã gây ấn tượng mạnh với tôi. Anh đang tuổi thanh xuân tràn đầy nghị lực và sức sáng tạo ở lĩnh vực công nghệ mũi nhọn của thời đại. Thế rồi hơn 15 năm sau, câu chuyện chip bán dẫn bỗng sôi nổi sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến nước ta năm 2023 và Việt Nam được xác định nằm trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
|
|
Nhà khoa học trẻ Trần Hoàng Hưng (bên phải) thời kỳ đầu từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sang làm việc ở Cộng hòa Liên bang Đức, trong phòng thí nghiệm chất bán dẫn của Đại học Dresden (năm 2001). Ảnh do nhân vật cung cấp |
Các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước bàn thảo rất nhiều chuyện liên quan đến đào tạo, tuyển dụng nhân lực thiết kế chip bán dẫn. Gần đây, tôi lại được đọc bài về cơ hội và tương lai cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam trên Tạp chí Tia sáng (số 20, 20-10-2023) của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó có nói đến một nhà khoa học trẻ Việt Nam đang ở Mỹ, tham gia vào việc thiết kế, chế tạo loại chip trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ mới nhất. Lần theo đường dẫn (link) của bài, tôi tìm thấy tên tác giả Hung Tran ghi trên bài báo gốc ở Tạp chí điện tử Mỹ nổi tiếng IEEE Xplore. Nhìn ảnh, đây đúng là chàng trai tôi từng gặp trong một gia đình trí thức vốn quen biết đã lâu ở Hà Nội, cũng chính là nhân vật Hung Tran-Trần Hoàng Hưng được Báo Tiền phong giới thiệu năm 2006.
Theo tờ tạp chí Mỹ nói trên, Hung Tran (tức Trần Hoàng Hưng) tốt nghiệp kỹ sư điện tử năm 1996, có bằng thạc sĩ năm 1998 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau đó anh sang làm việc ở Cộng hòa Liên bang Đức, nhận bằng Dr.Ing (tiến sĩ kỹ sư) của Đại học Dresden. Năm 2007, anh gia nhập tập đoàn điện toán khổng lồ của Hoa Kỳ: IBM Microelectronics, East Fishkill, làm việc trên nhiều công nghệ khác nhau từ BiCMOS8HP đến CMOS 5nm... Như vậy, việc anh sớm từ Đức chuyển sang Mỹ làm việc là đúng với “lo lắng” trước đấy của Giáo sư Schrotter. Từ năm 2014, anh làm việc tại Trung tâm IBM T. J. Watson (Yorktown Heights, New York, Hoa Kỳ), nghiên cứu khám phá chất bán dẫn. Đến năm 2019, anh chuyên nghiên cứu về khối gia tốc AI (artificial intelligence accelerator research).
Ta biết rằng, cuối năm 1947, tại phòng thí nghiệm Bell ở Murray Hill, New Jersey, 3 nhà khoa học Mỹ, gồm: William Shockley, John Bardeen và Walter Brattain đã phát minh ra bóng bán dẫn (transistor). Chỉ sau đó vài thập niên đã dẫn đến sự thay đổi ghê gớm của công nghệ điện tử trên thế giới. Bóng bán dẫn, buổi đầu có mục đích thay thế ống chân không, bỗng chốc trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi trong quân sự và trong ngành máy tính cũng như ngành truyền tin. Năm 1958, Jack Kilby tại Texas Instruments đã phát minh ra mạch tích hợp, ngày nay được gọi là chip.
|
|
TS Trần Hoàng Hưng cùng mẹ trước Nhà Trắng, thủ đô Washington, D.C. khi anh đã từ Đức chuyển sang Mỹ làm việc (đầu năm 2008). Ảnh do nhân vật cung cấp |
Từ đó, lúc đầu có hàng chục, rồi hàng trăm, đến hàng triệu, nay lên đến hàng tỷ transistor chứa trong con chip, tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới về công nghệ điện tử của thế giới hiện đại. Nhất là những năm gần đây, từ khi Chat GPT ra đời thì chuyện AI cũng như công nghệ chip bán dẫn trở thành một đề tài nóng rẫy, được bàn thảo khắp thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các hệ AI được tạo ra để bắt chước trí tuệ con người, việc này đòi hỏi rất nhiều sức mạnh xử lý. Đầu tiên phải có các thuật toán và các quy tắc để máy học tập, phân tích và tạo ra kết quả như tri thức con người. Phần này ta gọi là phần mềm (software). Phần rất quan trọng là phải có một thực thể giống như não người để làm cho phần mềm hoạt động hiệu quả trên đó, gọi là phần cứng (hardware). Như thế, AI phải thực hiện các thuật toán tinh vi, xử lý dữ liệu lớn và các phép tính phức tạp trong thời gian thực.
Cho đến nay, AI được thực hiện trên các siêu máy tính khổng lồ, đắt tiền. Chẳng hạn, siêu máy tính Deep Blue của IBM từng đánh thắng vua cờ Kasparov là ví dụ đầu tiên trong phát triển AI. Nhưng nếu cứ như thế thì AI khó mà đến được từng nhà, giống như những năm 1980 chưa có chuẩn IBM-PC (hay Apple) thì làm sao có desktop, laptop thông dụng đặt trên mỗi bàn làm việc hôm nay. Đã đến lúc phải có những con chip tiên tiến nhất cho AI, mà sức lực một người hay một nhóm nhỏ không dễ gì nghiên cứu thiết kế nổi. Phải tập hợp trí tuệ của một tập thể đông đảo chuyên gia trên nhiều lĩnh vực để tạo ra người máy hoạt động như siêu máy tính nhỏ gọn, tiêu tốn ít năng lượng, có thể cắm vào máy tính để bàn của mọi nhà. Mỗi chuyên gia trong tập thể đó thực sự là một tài năng công nghệ của thế kỷ 21 này.
|
|
Giới thiệu về TS Trần Hoàng Hưng trên Tạp chí điện tử Mỹ IEEE Xplore, vol 57, 2022.
|
Theo bài viết trên Tạp chí Tia sáng thì con chip thế hệ mới nhất dành cho AI của Tập đoàn IBM, trên diện tích 600mm2 được cấy 2 tỷ bóng bán dẫn, tiêu tốn khoảng 300 triệu USD. Cụ thể, nhóm thiết kế chip gồm 43 chuyên gia người Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ... Trong số đó có một người Việt Nam là Hung Tran. Cũng theo Tạp chí IEEE Xplore: “... Hung Tran đang là chủ nhân nắm giữ 27 bằng sáng chế của Hoa Kỳ và quốc tế tính đến năm 2021”.
Gần đây lại có một tin vui nữa. Theo trang chủ của IBM, thông báo những thành tựu nổi bật năm 2023 của từng thành viên nhóm thiết kế chip AI thế hệ mới, có tên nhà khoa học người Việt Nam Hung Tran, tức Trần Hoàng Hưng, kèm theo lời biểu dương: “Xin chúc mừng những cá nhân và tập thể được trao Giải thưởng Khoa học kỹ thuật! Chúng tôi ghi nhận nỗ lực cùng những đóng góp của các bạn thông qua bằng sáng chế mới, đã giúp IBM trở nên quan trọng hơn đối với khách hàng và cộng đồng thế giới”.
Chàng trai Hà Nội Trần Hoàng Hưng mà tôi được biết buổi đầu qua báo chí mười mấy năm về trước, nay đã thực sự trưởng thành. Anh là một trong số những chuyên gia hàng đầu thế giới về thiết kế chip bán dẫn AI. Những bằng sáng chế Mỹ, quốc tế mà anh có hôm nay, theo nhận định của giới chuyên môn là rất đáng nể và chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số nêu trên đối với một nhà khoa học tuổi còn sung sức, đang đạt độ chín về nghề nghiệp.
Thật mừng và tự hào biết bao về trí tuệ của người Việt Nam chúng ta!
PHẠM QUANG ĐẨU