Thiên thời, địa lợi, nhân hòa 

Ngành công nghiệp bán dẫn (hay còn gọi là vi mạch) hiểu đơn giản là tập hợp các thành phần tham gia vào lĩnh vực thiết kế cũng như chế tạo nên toàn bộ các linh kiện, thiết bị điện tử. Mà linh kiện, thiết bị điện tử là thứ không thể thiếu, đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên công nghệ.

Với vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng, những năm gần đây, Việt Nam dần trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư lớn. Nước ta nằm trên một trong những tuyến giao thông hàng hải quan trọng, nhộn nhịp nhất thế giới; là vùng đất giàu tiềm năng và cũng là một trong những khu vực phát triển năng động nhất trên toàn cầu hiện nay.

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều dấu mốc, thành tựu quan trọng. Trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đã có nhiều thỏa thuận hợp tác, cũng như các dự án đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, như: Tập đoàn Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD; Công ty bán dẫn Amkor dự kiến sẽ khánh thành nhà máy tại Bắc Ninh trong tháng 10-2023 với tổng mức đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD... Gần đây nhất, ngày 16-9-2023, Công ty bán dẫn Hana Micron (Hàn Quốc) đã khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang). Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc nước ta. Dự kiến trong năm nay, doanh thu của công ty đạt 300 triệu USD. Đến năm 2025, công ty có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên hơn 1 tỷ USD, doanh thu dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động.

Cùng với xu thế phát triển trên thế giới, theo đánh giá của Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (CNTT), Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam đang có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có nền tảng tư duy toán tốt, nhân lực có trình độ cao không ngừng tăng. Lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, đặc biệt lĩnh vực CNTT, tự động hóa, điện tử, kỹ thuật máy tính đang dành được nhiều sự quan tâm của thế hệ trẻ. Đây là các lĩnh vực có liên quan đến các công đoạn khác nhau trong ngành công nghiệp bán dẫn. Bởi thế, các cơ sở đào tạo trong nước cần có kế hoạch đào tạo, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực để tận dụng lợi thế này.

Ngoài ra, tình hình nguồn nhân lực ngoài nước cũng đang có những tín hiệu khả quan khi mà khá nhiều tập đoàn, công ty lớn trong ngành bán dẫn đang có xu hướng chuyển dịch công nghệ đến những thị trường mới giàu tiềm năng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tích hợp thông minh, có một cơ hội mà chúng ta không nên bỏ lỡ, đó là thế giới đang trong thời kỳ nhiều nhà khoa học có sự trải nghiệm, am hiểu tường tận về ngành bán dẫn đến tuổi nghỉ hưu. Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo cách làm của Hàn Quốc, khi mà những chuyên gia của các công ty bán dẫn Hàn Quốc trong giai đoạn trước đây vốn là các chuyên gia của Nhật Bản về hưu. Chính phủ, các cấp, ngành, các trường nên chăng có cơ chế để quy tụ những người này, đặc biệt là những nhà khoa học gốc Việt. "Có thêm lợi thế là các nhà khoa học này đi đến đâu, những công ty trước kia họ công tác thường sẽ đi theo đến đó", Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường phân tích thêm.

leftcenterrightdel

Sự phân bố đất hiếm theo quốc gia (đơn vị tính: triệu tấn). Đồ họa: LIÊN HOÀNG. 

Nguồn: Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ  

Ngoài ra, Việt Nam đang có một lợi thế vô cùng lớn, đó là về nguồn nguyên vật liệu. Chúng ta hiện có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Đất hiếm là vật liệu không thể thiếu của ngành công nghiệp bán dẫn, phục vụ rất nhiều công đoạn trong chế tạo, sản xuất.

Con đường tiếp cận của Việt Nam

Giới chuyên gia, nhà khoa học đánh giá, dù ngành công nghiệp bán dẫn đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu nhưng chúng ta chưa có chiến lược phát triển mang tầm quốc gia. Vì vậy, lĩnh vực này ở nước ta vẫn còn khá sơ khai, mạnh ai nấy làm, có lúc làm theo phong trào. Để ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ta phát triển xứng tầm với các lợi thế sẵn có, theo các chuyên gia cần tập trung vào 3 nội dung chính: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế thu hút, tận dụng sự đầu tư từ nước ngoài; sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý.

Trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Tú, cùng với những thuận lợi, chúng ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề thực hành. Cơ hội tiếp cận các công cụ thiết kế vi mạch bán dẫn, trang thiết bị đo kiểm, đóng gói vi mạch còn khá hạn chế, chưa nói đến các phòng thí nghiệm chế tạo bán dẫn hiện đại.

leftcenterrightdel

Quang cảnh làm việc trong Nhà máy Intel Products Việt Nam. Ảnh: IPV

Với đặc thù luôn chứa đựng sự rủi ro nhất định nên lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam gần như chưa có sự đầu tư mạnh mẽ, bài bản để giúp các nhóm nghiên cứu, nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu hoạt động hiệu quả. Hiện các nhà khoa học của chúng ta phải làm quá nhiều công việc để duy trì hoạt động. Vì không đủ kinh phí nghiên cứu nên nhiều dự án, hay ý tưởng phải dừng giữa chừng. Cán bộ nghiên cứu phải làm thêm các dịch vụ tư vấn, hoặc làm những đề tài ít liên quan đến vấn đề mình đang theo đuổi, hoặc phải đi dạy quá nhiều để tăng thêm thu nhập. Nguồn lực vì thế mà bị phân tán.

Các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh việc tận dụng đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện phần lớn nguồn nhân lực Việt Nam vẫn đang tập trung ở công đoạn thiết kế đơn giản. Bài toán đặt ra là làm sao gia tăng được số công đoạn Việt Nam có thể làm chủ trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành này, từ đó tăng tính độc lập, tự chủ. Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường lấy ví dụ, công ty anh làm trong lĩnh vực siêu máy tính, ngoài các phần liên quan đến tích hợp và phần mềm ở lớp trên (liên quan đến con người) thì ở phần cứng, có hai thứ cần thiết: Máy tính tính toán và hệ thống kết nối chúng với nhau. Máy tính thì có, mua được ngay, nhưng thiết bị chuyên dụng để kết nối chúng với nhau thì không, để có được thiết bị này phải mua từ số ít nhà cung cấp nước ngoài với thời gian chờ đợi khoảng 1 năm.

Thực tế, chi phí để xây dựng một nhà máy sản xuất chip quá tốn kém, với hàm lượng công nghệ, tri thức cực kỳ cao, trị giá lên tới hàng chục tỷ USD, cùng rất nhiều điều khoản công nghệ đi kèm. Bởi thế, việc Việt Nam tự xây dựng nhà máy sản xuất chip (chưa tính đến khâu đầu ra cho sản phẩm) là lựa chọn chưa thật sự khả thi. Vậy đâu là cách tiếp cận tối ưu nhất của chúng ta về ngành bán dẫn? Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, Việt Nam nên tận dụng lợi thế có nguồn đất hiếm đứng thứ hai thế giới. Chúng ta có thể đàm phán, thỏa thuận với các đối tác có nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu này với điều khoản như phải đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đây là cơ hội để chúng ta đào tạo và tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Khi đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam, trong điều kiện cấp bách chúng ta vẫn có thể yêu cầu nhà sản xuất ưu tiên, tạo điều kiện nhập khẩu cho các doanh nghiệp trong nước.

Một trong nhiều minh chứng rõ ràng về kết quả của cách làm trên là, sau rất nhiều năm không chủ động được về thiết bị kết nối, Trung Quốc đã ra quy định về việc các nhà cung cấp thiết bị vào thị trường nước này phải cung cấp mã nguồn phục vụ mục đích an ninh. Nhờ thế mà sau đó Trung Quốc đã có Công ty Ruijie Networks, rồi trở thành một trong 4 nhà sản xuất thiết bị mạng lớn nhất thế giới. Họ chủ động hoàn toàn công nghệ, làm ra được tất cả sản phẩm có chức năng tương tự.

Cuối cùng, Chính phủ cần có chính sách, lộ trình sử dụng nguồn tài nguyên đất hiếm một cách hợp lý; đồng thời ngăn chặn tình trạng khai thác, buôn bán trái phép gây "chảy máu" nguồn tài nguyên này. Ngành công nghiệp bán dẫn đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế nhưng là lĩnh vực khó, đầu tư tốn kém, thời gian hoàn vốn dài... Vì vậy, chúng ta phải có chiến lược, chính sách rõ ràng, ưu đãi tốt để thu hút sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện nay, đang là thời điểm thuận lợi, cơ hội vàng để Việt Nam phát triển và khẳng định vị thế của mình trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong "cuộc chơi" khốc liệt và đầy biến động.

HOÀNG VIỆT