Chặn đoàn tàu tội ác

Vào cuối năm 1949, đầu năm 1950, nhân dân Pháp trên toàn quốc sôi nổi tham gia phong trào chống chiến tranh của thực dân Pháp. Công nhân tại nhiều cảng lớn của Pháp như La Pallice, Le Havre, Marseille, Dunkerque... đã bãi công, phản đối việc chở vũ khí sang Việt Nam. Các bài báo phản chiến xuất hiện với tần suất dày đặc trên Báo L'Humanité (Nhân đạo), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp (PCF).

Vào đầu giờ chiều 23-2-1950, được tin có đoàn tàu chở vũ khí sang chiến trường Đông Dương sắp đi qua nhà ga Tours để tới bến cảng, Ban lãnh đạo Đảng bộ thành phố Tours liền thông báo gấp cho các đảng viên, quần chúng ưu tú ra ga biểu tình. Raymonde Dien cùng các đồng chí trong văn phòng lập tức đi ra ga.

Trên sân ga lúc này có khá đông người tham gia biểu tình. Băng-rôn, biểu ngữ phản đối chiến tranh của thực dân Pháp ở Đông Dương giương khắp sân ga. Chỉ ít phút sau, đoàn tàu chở vũ khí sầm sập lao đến. Mặc cho tiếng hô đả đảo của người biểu tình, con tàu vẫn lạnh lùng trườn qua sân ga. Tình thế vô cùng khẩn cấp bởi chỉ chút nữa thôi, cả khối sắt hủy diệt ấy sẽ vượt qua đoàn người biểu tình và số vũ khí trên tàu sẽ được đưa sang Đông Dương. Khi đó, hàng nghìn, hàng vạn người dân vô tội sẽ là nạn nhân của súng đạn... Bỗng từ trong đoàn người biểu tình, một người con gái lao xuống đường ray nằm chắn ngang trước mũi tàu, buộc người lái tàu phải dùng phanh khẩn cấp. Khi tàu dừng lại, mũi tàu chỉ cách thân cô gái có vài gang tay. Người con gái dũng cảm kiên cường đó chính là nữ đảng viên Đảng Cộng sản Pháp (PCF) Raymonde Dien. Khi đó cô chưa đầy 21 tuổi và mới có gần 3 năm tuổi Đảng.

Sau cuộc biểu tình trên sân ga, Raymonde Dien cùng các đồng chí trở lại trụ sở PCF làm việc. Khi cô chuẩn bị ra về, cảnh sát ập tới. Họ xác định Raymonde Dien có đặc điểm và quần áo giống như miêu tả của các nhân chứng, đó là một cô gái khoảng 20 tuổi, tóc nâu pha đen, dáng người dong dỏng cao. Cô lập tức bị giải tới sở cảnh sát. Do không khai thác được gì, cảnh sát đã tống giam Raymonde Dien vào ngục ở thành phố Tours 36 ngày, trước khi đưa về giam ở Bordeaux.

Hơn hai tháng sau, phiên tòa xét xử Raymonde Dien diễn ra vào ngày 1-6-1950. Tại phiên xét xử, khi quan tòa hỏi người lái tàu: "Tại sao lúc thấy có người nằm trên đường ray, ông không bắn một phát hơi nước nóng để đuổi họ đi?". Người lái tàu điềm tĩnh trả lời: "Có, tôi cũng định bắn, nhưng lúc ngắm bắn, tôi mới sực nhớ ra đây là tàu hỏa, chứ không phải xe tăng". Cả phiên tòa cười ồ lên. Tuy nhiên, Raymonde Dien vẫn bị kết tội là "vi phạm nghiêm trọng an ninh quốc gia" và chịu hình phạt một năm tù, đồng thời bị tước quyền công dân trong 15 năm. Cô là người biểu tình duy nhất hôm 23-2-1950 bị truy tố và kết án.

Tin Raymonde Dien bị xử tù khiến cả nước Pháp sôi sục. Các cuộc biểu tình do đảng viên PCF phát động trên toàn quốc thu hút hàng vạn người tham gia. Ngày 23-12-1950, một ngày trước đêm Noel và tròn 10 tháng kể từ khi bị bắt, Raymonde Dien đã được trả tự do sớm hơn so với bản án.

leftcenterrightdel
Bà Raymonde Dien. Ảnh: TTXVN 

Nữ đảng viên cộng sản kiên trung

Raymonde Dien, tên ngày bé là Raymonde Huberdeau, sinh ngày 13-5-1929 ở Mansigné trong một gia đình có 5 người. Cha của Raymonde là Octave Huberdeau làm nghề thợ mộc, còn mẹ là Emilia làm nông dân. Ngày còn bé, Raymonde học ở Trường Tiểu học Chemillé-sur-Dême (Indre-et-Loire). Sau khi ông Octave bị phát xít Đức bắt và giam ở Áo, bà Emilia đã làm đủ nghề để kiếm sống và nuôi 3 con khôn lớn.

Tháng 8-1947, Raymonde gia nhập PCF, trở thành đảng viên và là trợ lý cho ông André Vieuguet, Thư ký liên bang của PCF tại Indre-et-Loire. “Mong muốn trở thành đảng viên Đảng Cộng sản của tôi ngày còn bé đã thành sự thật. Được đứng trong hàng ngũ của đảng, tôi có cơ hội đấu tranh cho hòa bình. Đảng Cộng sản phấn đấu vì hòa bình, hạnh phúc của các dân tộc trên toàn thế giới. Điều đó khiến tôi rất tự hào”, bà Raymonde từng chia sẻ.
Ngày 23-7-1949, Raymonde kết hôn với Paul Dien, một người thợ sửa xe. Họ có 3 người con, gồm: Catherine (20-10-1954), Dominique (13-6-1957) và Pascal (27-8-1958).

Sau khi được trả tự do vào cuối năm 1950, Raymonde Dien tiếp tục tham gia các hoạt động phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Bà được nhiều nước mời tham dự hội nghị như: Hội nghị Thanh niên ở Ba Lan (tháng 4-1951), Liên hoan Thanh niên ở Berlin, Đức (tháng 8-1951), Liên hoan Thanh niên ở Bucharest, Romania (năm 1953), Liên hoan Thanh niên Warsaw, Ba Lan (năm 1955).

Năm 1956, Raymonde Dien lần đầu tiên sang Việt Nam tham dự Đại hội thanh niên cùng với Henry Martin, một đảng viên PCF từng đấu tranh chống lại cuộc chiến phi nghĩa của thực dân Pháp tại Việt Nam. Lần đó, Raymonde Dien được gặp Bác Hồ. Với những đảng viên PCF như Raymonde Dien, hình ảnh Nguyễn Ái Quốc-Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Ðại hội Tours đã trở nên quen thuộc. Vì vậy, được gặp Bác là món quà vô giá đối với Raymonde Dien.

Trải qua nhiều cương vị công tác ở một số cơ quan, tổ chức cho tới khi nghỉ hưu năm 1989, Raymonde Dien luôn là một đảng viên kiên trung, hết lòng phụng sự đất nước. Tên tuổi của bà vẫn gắn liền với sự kiện xả thân chắn ngang đoàn tàu chở vũ khí sang Việt Nam vào ngày 23-2-1950.
Để ghi nhớ công lao của bà, năm 2004, Nhà nước Việt Nam đã trao tặng bà Huân chương Hữu nghị. Một bức tượng Raymonde Dien nằm trên đường ray cũng được đặt trong Công viên Chiến thắng ở Saint Petersburg (Nga).

leftcenterrightdel
 Các đảng viên Đảng Cộng sản Pháp tổ chức kỷ niệm hằng năm “Ngày 23 tháng 2 năm 1950”. Ảnh: lanouvellerepublique.fr 

Tại Pháp, một ngôi trường gần nhà ga ở Tours đã được đặt tên là Trường 23-2. Con phố giáp đường ray nơi Raymonde Dien nằm xuống cũng được đặt tên là Phố “Ngày 23 tháng 2 năm 1950”. Cứ vào ngày 23-2 hằng năm, Đảng bộ CPF ở thành phố Tours lại tổ chức kỷ niệm sự kiện đáng nhớ trên tại Phố “Ngày 23 tháng 2 năm 1950” để giáo dục truyền thống và nhắn nhủ với thế hệ trẻ về tấm gương anh hùng của một chiến sĩ cộng sản dám hy sinh thân mình vì hòa bình, độc lập của nhân dân Việt Nam.

Bà Raymonde Dien, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, một biểu tượng của tinh thần chống cuộc chiến phi nghĩa của thực dân Pháp ở Việt Nam, vừa từ trần ngày 19-8-2022, hưởng thọ 93 tuổi. Cuộc đời bà là hiện thân cho tình cảm sắt son, thủy chung với đất nước và nhân dân Việt Nam

 

HOÀNG NGỌC