Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội căn cứ tờ trình của UBND TP Hà Nội, trên cơ sở công văn của Bộ Quốc phòng giới thiệu danh nhân quân đội để đặt tên đường, phố trên địa bàn Hà Nội. Con phố mang tên Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo là một con phố mới mở, dài 2.100m, rộng 60,5m với hai hàng cây thẳng tắp, nối giữa đường Phạm Văn Đồng và đường Võ Chí Công, chạy qua các khu đô thị mới Embassy Garden (Vườn Đại sứ), Tây Hồ Tây, gần Công viên Hòa Bình thuộc quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.

Cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, các thế hệ học trò, cán bộ cấp dưới của ông Hoàng Minh Thảo chắc hẳn đều cảm thấy vui mừng và không khỏi tự hào khi nhận được thông tin này. Bởi tên ông được đặt cho một con phố mới rất đẹp giữa Thủ đô Hà Nội, chính là sự ghi nhận của quân đội, của TP Hà Nội và nhân dân với những đóng góp lớn lao của ông trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, với sự nghiệp đào tạo cán bộ quân sự cho quân đội, cho Đảng ta...

Cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của ông ở chiến trường nói riêng, với Quân đội ta nói chung đã được công bố trong rất nhiều cuốn sách và các bài viết của những nhà nghiên cứu, các đồng đội và học trò của ông, nhất là trong dịp kỷ niệm 100 năm sinh Giáo sư (1921-2021) vừa qua.

leftcenterrightdel

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo lúc sinh thời.  Ảnh tư liệu

Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo là vị tư lệnh xuất sắc trên chiến trường, đã góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong thế kỷ 20. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, ông từng là Tư lệnh Chiến khu 3, Phó tư lệnh Liên khu 3, rồi Tư lệnh Liên khu 4, Tư lệnh Sư đoàn 304 cùng toàn quân lập nhiều chiến công.

Thời kỳ ông đảm trách Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là những năm bộ đội và nhân dân ta gặp muôn vàn khó khăn khi đương đầu với quân đội Mỹ trang bị hiện đại, ông đã nhanh chóng tìm ra cách đánh buộc những đơn vị sừng sỏ nhất của quân đội Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta như “chốt kết hợp vận động tấn công”. Những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên chiến trường B3 chưa đủ binh khí để công phá các loại công sự vững chắc của địch, ông đã tìm ra cách đánh “bao vây đánh lấn” bằng các bước: “Vây-lấn-tấn-phá-triệt-diệt” buộc quân đội Mỹ chịu nhiều trận thua đau.

Chiến thuật đánh địch ngoài công sự và chiến thuật đánh địch trong công sự vững chắc được ông tổng kết từ chiến trường Tây Nguyên đã phổ biến tới các chiến trường toàn quốc. Tiếp đến các chiến dịch đánh Mỹ, diệt ngụy liên tiếp diễn ra như: Chiến dịch Xuân-Hè năm 1972 diệt lính dù-lực lượng tổng dự bị tinh nhuệ nhất của quân đội ngụy-trên tuyến bờ tây sông Pô Kô.

Trong chiến dịch đập tan cụm cứ điểm Đăk Tô mà Mỹ-ngụy từng huênh hoang tuyên bố: “Bao giờ nước sông Pô Kô chảy ngược, Quân giải phóng mới đến được Đăk Tô”, mặt trận B3 bằng thế trận, bằng mưu lược, bằng hành động bất ngờ đã khiến kẻ địch phải thất bại cay đắng, tướng cố vấn Mỹ John Paul Vann và tư lệnh sư đoàn 22 ngụy Lê Đức Đạt chết trận. Chỉ trong một thời gian ngắn ta đã giải phóng một vùng rộng lớn Bắc Kon Tum, làm bàn đạp để năm 1975 ta mở chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, tạo ra đột biến chiến lược đi tới đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trải qua các thời kỳ công tác tại Học viện Quân sự, rồi Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng)... GS Hoàng Minh Thảo đều chuyên tâm đi sâu nghiên cứu các trận đánh, các chiến dịch, các mưu kế, thế trận của tổ tiên ta qua những cuộc chiến tranh chống xâm lược từ phương Bắc; kết hợp với những kinh nghiệm thực tế diễn ra trên chiến trường chống Pháp, đánh Mỹ-ngụy và bài học chiến tranh của các nước trong thế kỷ 20, đúc kết thành tài liệu, giáo trình của nhà trường để trực tiếp giảng dạy cho học viên.

Có những buổi giảng dạy về nghệ thuật quân sự Việt Nam, ông say sưa nói về chiến dịch chống quân Tống của Thái úy Lý Thường Kiệt vào thế kỷ 11, trước khi chuyển vào phòng ngự đã chủ động đưa quân vượt biên giới phá hủy cơ sở vật chất kỹ thuật của quân Tống, rồi quay về lập chiến tuyến trên sông Như Nguyệt (sông Cầu) đánh bại cuộc tấn công quy mô lớn của quân Tống cùng với lời tuyên ngôn độc lập đanh thép: “Nam quốc sơn hà nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Học viên của ông nhiều người là chỉ huy có tài trên chiến trường, nhiều người trở thành tướng lĩnh tiêu biểu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo lời của một số học trò của Giáo sư Hoàng Minh Thảo thì ông thuyết trình uyên bác, diễn tả khúc chiết quá trình quân dân Đại Việt đánh bại cuộc xâm lược của đế quốc Mông Cổ lần thứ nhất, lần thứ hai và đánh bại cuộc xâm lược của đế quốc Nguyên Mông lần thứ ba.

Cuối cùng, ông tóm lại, những chiến công oanh liệt như: Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Chương Dương, Thăng Long, Tây Kết, Vạn Kiếp, Bạch Đằng đã khiến kẻ thù ngày càng khiếp sợ. Thắng lợi liên tiếp của 3 cuộc kháng chiến trong 30 năm đã đánh gục hoàn toàn ý đồ xâm lược của đế quốc Nguyên Mông, bảo đảm cho dân tộc ta được sống trong hòa bình hơn 100 năm sau chiến tranh cho đến khi đế quốc Nguyên Mông sụp đổ...

Qua thực tiễn chỉ huy chiến đấu, từ cấp phân đội lên đến cấp chiến dịch, chiến lược và từ công tác nghiên cứu, đào tạo cán bộ quân sự, ông Hoàng Minh Thảo đã rút ra những bài học sâu sắc nhất về nghệ thuật quân sự, truyền dạy cho học trò của ông và cho cả thế hệ kế tiếp bằng ngôn từ quân sự dễ nhớ, dễ hiểu:
Biết địch biết ta trăm trận không nguy
Mưu cao nhất là mưu lừa địch
Kế hay nhất là kế điều địch
Thế tốt nhất là thế chia cắt địch

Thời đẹp nhất là lúc địch thiếu phòng bị

Mưu sinh ra kế-thế sinh ra thời
Đánh bằng mưu kế-thắng bằng thế thời.

Có thể nói, ông Hoàng Minh Thảo là vị giáo sư thông tuệ, tâm huyết, mẫu mực, nhiều kinh nghiệm thực tiễn chiến trường và đã có công lao đào tạo cho đất nước một đội ngũ cán bộ quân sự trung-cao cấp đáp ứng kịp thời xây dựng quân đội tinh nhuệ, thiện chiến đánh thắng kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc. Những tác phẩm uyên thâm của ông về nghệ thuật quân sự Việt Nam, những chiến công xuất sắc của ông góp phần đánh thắng hai đế quốc to đã được ghi đậm trong lịch sử quân sự Việt Nam.

Năm 2008, trong bức thư chia buồn với gia quyến khi biết tin Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo đột ngột từ trần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết mấy dòng như sau: “Đồng chí Hoàng Minh Thảo sớm tham gia cách mạng, là một người cộng sản kiên trung, một vị tướng có đức độ và tài thao lược. Đồng chí đã có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến lâu dài giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp đào tạo cán bộ, xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại, phát triển nền khoa học quân sự Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời, Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo đã hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ quân đội, yêu thương đồng chí, đồng đội, hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó; nêu một tấm gương sáng mẫu mực cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta. Đối với tôi, đồng chí Hoàng Minh Thảo là một người đồng chí, người bạn chiến đấu rất thân thiết, thủy chung. Tôi luôn đặt niềm tin vào đồng chí trong mọi nhiệm vụ”.

leftcenterrightdel

Con phố sẽ được gắn tên Hoàng Minh Thảo. Ảnh: MINH THÀNH  

Đầu xuân này, nhân dân phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội sẽ vui mừng đón nhận quyết định gắn tên vị tướng tài ba, đức độ cho một con phố trên địa bàn mình. Một con phố rộng, thoáng giữa khu đô thị mới kiểu mẫu, nối hai con đường lớn mang tên Phạm Văn Đồng-Võ Chí Công. Hy vọng, người dân Thủ đô sẽ góp công sức giữ cho tuyến phố Hoàng Minh Thảo luôn xanh, sạch, đẹp và ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng với công lao đóng góp của ông cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

NGUYỄN NHÂN TỎ