Hiền tài rạng danh qua các triều đại lịch sử
Hầu như thời nào họ Đặng cũng có nhân tài xuất chúng. Không ít người đảm trách vị trí cao, thậm chí cao nhất trong hệ thống chính trị quốc gia; tên tuổi lưu truyền đến muôn đời, trong đó nhiều con cháu họ Đặng đỗ đại khoa, tiến sĩ, hiền tài, danh tướng phụng sự các triều đại.
Thời nhà Đinh, họ Đặng rạng ngời công trạng. Các vị tướng Đặng Chân-Đặng Trí (cha và con), Đặng Chiêu Pháp, Đặng Sỹ Lẫm, Đặng Sỹ Nghị, Đặng Sỹ Phan giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, sau đó thành lập nước và xưng ngôi Hoàng đế vào năm 968. Tăng nhân Đặng Huyền Quang được vua Đinh phong chức “Sùng chân uy nghi” trong kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình).
Về xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng ngày nay, chúng tôi được nghe bà con nơi đây kể lại câu chuyện một gia đình sinh được 5 người con trai là: Đặng Công Xuân, Đặng Công Trung, Đặng Công Thọ, Đặng Công Tuấn và Đặng Công Nghiêm, học giỏi, văn võ song toàn, đã góp công giúp nhà Tiền Lê diệt giặc Tống. Ngũ tướng tài ba này đã được vua Lê Hoàn trọng dụng, họ tiến công trừng phạt giặc ở cửa sông Bạch Đằng rồi cùng các cánh quân khác giúp cuộc kháng chiến thắng lợi vẻ vang. Sau đó, vào năm 986, trong cơn đại hồng thủy miền Bình Hà (huyện Tiên Lãng ngày nay), 5 vị tướng lại tiên phong chống lũ, cứu dân, tiếc thay đã bị nước cuốn trôi. Nhà vua vô cùng thương tiếc, sắc phong 5 anh em là Thượng Đẳng Phúc Thần... Ngôi đình Đốc Hậu ở xã Toàn Thắng, nơi thờ 5 tướng quân họ Đặng đã được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia.
Thật đặc biệt, có một gia tộc khoa bảng, nhiều đại quan qua các triều: Lý, Trần, Lê Sơ. Khởi thủy là cụ Đặng Phúc Mãn, quê ở làng An Để, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư, Thái Bình) làm quan thời vua Lý Anh Tông, sinh ra trưởng nam Đặng Nghiêm-Tiến sĩ (quan Thuyết thư, lo việc học tập của xã tắc, giảng sách cho nhà vua và các quan trong triều). Từ đấy, hậu duệ trực hệ lớp lớp với những Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Phó bảng, Tiến sĩ, Đại quan, Quốc công, Danh tướng, Thái úy... ở các xứ sở. Đời vua Trần Thái Tông, trong kỳ thi Đình năm Đinh Mùi 1247 dành cho những bậc đại khoa trẻ nhất, Đặng Ma La đỗ Thám hoa khi mới 14 tuổi. Đây là vị Thám hoa trẻ tuổi nhất được lưu danh trong lịch sử Nho học Việt Nam. Ông làm quan, rồi được bổ nhiệm tướng võ, lập công trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất (năm 1258).
Nói về “Phụ tử kiệt xuất” cũng phải kể đến cha con Quốc công Đặng Tất-Tướng quân Đặng Dung. Hai ngài đã giúp nhà Hậu Trần chống quân xâm lược Minh. Đến triều Lê Sơ, được vua Lê Thái Tổ tặng biển vàng: "Tiết liệt cương trung-Trung thần hiếu tử", truy phong Đặng Tất làm Khuông quốc đại vương Thượng đẳng tôn thần. Hiện nay, nhà thờ Đại Quốc công Đặng Tất ở xã Tùng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) và đền Ngọc Chấn thờ danh tướng Đặng Dung ở xã Yên Trị (Ý Yên, Nam Định) đã được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia. Tên của hai vị được đặt cho hai đường phố khá đẹp cắt ngang phố Phan Đình Phùng và phố Quán Thánh (Hà Nội)...
“Nguyên khí quốc gia” thời cận-hiện đại
Họ Đặng thời cận-hiện đại, nhất là từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời đến nay, có nhiều người là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước. Không ít trí thức, học giả ở những vị trí rường cột các ngành chính trị, kinh tế, khoa học, quân sự, ngoại giao, văn hóa, xã hội...
Cụ Đặng Xuân Khu, tức Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Cụ quê ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường, Nam Định), là cháu nội của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng thời vua Tự Đức. Năm 1931, trong xiềng xích lao tù Hỏa Lò, Đặng Xuân Khu đã hét vào mặt tên quan Tây: “Lý tưởng của tao là giải phóng dân tộc, chống áp bức bất công”. Con trai của Tổng Bí thư Trường Chinh là Giáo sư (GS), Tiến sĩ (TS) Đặng Xuân Kỳ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội nhân văn quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)... Con trai của GS, TS Đặng Xuân Kỳ là TS Đặng Xuân Thanh, hiện là Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam...
|
|
Hội đồng Đặng tộc Việt Nam, nhiệm kỳ 2024-2029. |
Bên cạnh đại gia đình chính trị gia tiêu biểu ấy còn có rất nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa họ Đặng nổi tiếng cùng thời đại như: GS Đặng Thai Mai, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam, là con cụ Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, hậu duệ của danh tướng Đặng Dung; GS, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); GS Đặng Đình Áng, Chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học TP Hồ Chí Minh; GS Đặng Vũ Minh, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Việt Nam...
Trong lĩnh vực y tế có GS, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nhà khoa học đầu ngành nghiên cứu về ký sinh trùng ở Việt Nam; người có công nghiên cứu, tổ chức sản xuất “nước lọc Penicillin” cứu giúp biết bao chiến sĩ, thương binh trong cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi cuối cùng; TS Đặng Hồi Xuân, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; bác sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm...
Danh nhân quân sự họ Đặng cũng khó kể xiết. Trong đó có Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Vũ Hiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông từng là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên (B3)-Quân đoàn 3 và lập nhiều chiến công oanh liệt trên mảnh đất Tây Nguyên. Từ Chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3-1975) đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đều ghi dấu ấn hoạt động của ông Đặng Vũ Hiệp...
Hai vị Trung tướng người họ Đặng ở làng Hành Thiện được phong Anh hùng LLVT nhân dân cùng một đợt năm 2023 là cụ Đặng Kinh, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và cụ Đặng Quân Thụy, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Cụ Đặng Kinh, khi là Tỉnh đội trưởng Kiến An (Hải Phòng) nổi danh trong chỉ huy trận đánh sân bay Cát Bi tháng 3-1954. Với 32 cán bộ, chiến sĩ trong 17 giờ đã phá hủy 59 máy bay Pháp, mở đầu cho những chiến công huy hoàng khác. Còn cụ Đặng Quân Thụy là vị chỉ huy từng “Nam chinh, Bắc chiến”, trải qua rất nhiều chiến dịch lịch sử chống Pháp, chống Mỹ, rồi làm nhiệm vụ quốc tế với những thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Con cháu họ Đặng thời kỳ đổi mới
Con cháu Đặng tộc thời nay cũng góp phần làm rạng danh tiên tổ với hàng trăm nhân vật xuất sắc, nhất là trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, sản xuất, kinh doanh, văn hóa, thể thao... Có những trí thức trẻ tiêu biểu như: TS Đặng Vũ Thiên Thanh sinh năm 1980, quê ở Nam Định. 23 tuổi tốt nghiệp Y khoa tại Đại học Liège (Bỉ); tác giả của phát minh “Não vẫn tỉnh ngay cả khi trong giấc ngủ sâu” thuộc ngành nghiên cứu giấc ngủ mà các nhà khoa học mới xúc tiến từ đầu thế kỷ 21. TS Đặng Hoàng Anh sinh năm 1986, quê ở Nghệ An, trở thành đảng viên (thuộc Chi bộ Lưu học sinh Việt Nam tại Viện Bách khoa Grenoble-Pháp) và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật điện ở đó năm 27 tuổi. Hiện anh là giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên nghiên cứu lĩnh vực khoa học mới nhất về hiệu quả năng lượng...
Trên dải đất Tổ quốc còn có rất nhiều doanh nhân tên tuổi của dòng họ Đặng như: Đặng Lê Nguyên Vũ, người sáng lập và là Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên; Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị TTC Group... Và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng góp phần làm rạng danh đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế, như: Nghệ sĩ Nhân dân, đạo diễn Đặng Nhật Minh, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam; nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn; nghệ sĩ cải lương gạo cội Út Bạch Lan (Đặng Thị Hai)...
Họ Đặng đã và đang là một điểm sáng tiêu biểu về học tập và cống hiến của đất nước, như “quyết sách” mà Đại hội Đặng tộc Việt Nam, nhiệm kỳ 2024-2029 đã đề ra, trong đó nhấn mạnh: Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài; tích cực hưởng ứng Phong trào “Xây dựng dòng họ học tập” nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài nguyên khí quốc gia... góp phần xây dựng đất nước phồn vinh.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG