Trong khói lửa kháng chiến chống Pháp xâm lược, vào một ngày tháng 10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghé thăm, làm việc với cán bộ, nhân viên NXB Vệ Quốc quân-tiền thân của NXB Quân đội nhân dân (QĐND) đóng dưới tán rừng đại ngàn ở Bản Vẹ, xã Định Biên, ATK Định Hóa (Thái Nguyên).

19 năm sau (tháng 6-1968), khi quân và dân miền Nam vừa tổng tiến công và nổi dậy đánh vào hang ổ Mỹ-ngụy, không biết có phải sức rung động của tựa đề và nội dung bản thảo cuốn “Vì nước vì dân” hay không mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi trên bản thảo: “Các chú nhớ ở trang đầu mỗi cuốn sách đều phải ghi một câu: "Mong bạn đọc góp ý kiến phê bình”...

Từ việc Bác tới thăm “Thủ đô gió ngàn” đến cầm bút viết lời căn dặn cán bộ, biên tập viên NXB QĐND ngay tại Thủ đô Hà Nội chứng tỏ sự quan tâm của Bác đến xây dựng, phát triển, cống hiến của ngành xuất bản quân sự.

Trở lại câu chuyện lịch sử, Nguyễn Ái Quốc chính là người đặt nền móng cho ngành xuất bản cách mạng Việt Nam. Ngay từ khi tham gia Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa tại Paris (Pháp), Nguyễn Ái Quốc vừa làm chủ nhiệm, chủ bút, phóng viên, phát hành Báo Người cùng khổ (Le Paria)-tờ số 1 ra ngày 1-4-1922, xây dựng nền tảng báo chí, xuất bản cách mạng Việt Nam... Khi Người xuất bản sách viết bằng tiếng Pháp "Bản án chế độ thực dân Pháp", tự tay Người đánh máy bản thảo, biên tập, trình bày bìa, lo tiền xuất bản, in ấn, làm việc với NXB, sửa bản in, phát hành. Người đã làm tất cả công việc cho một cuốn sách ra đời. Sách in ấn, phát hành trong điều kiện hoạt động bí mật, bị mật thám Pháp theo dõi, eo hẹp về kinh phí, vậy mà “Bản án chế độ thực dân Pháp” vẫn được bí mật đưa về Việt Nam, tuyên truyền, vận động cách mạng. Nguyễn Ái Quốc xây dựng nền tảng ngành xuất bản cách mạng Việt Nam nên Người thấu hiểu công tác xuất bản phải biết lắng nghe, kết nối bạn đọc để sửa đổi, nâng cao chất lượng các ấn phẩm xuất bản.

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó (Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) trực tiếp xây dựng, lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Mặc dù rất bận rộn với công tác cách mạng như chỉ đạo phong trào Mặt trận Việt Minh, mở đường Nam tiến... nhưng Người vẫn rất quan tâm đến công tác xuất bản. Từ núi rừng sâu thẳm, Người cho xuất bản những cuốn sách khổ nhỏ, in li-tô trên giấy dó (cỡ 9cmx12cm và 10cmx15cm): “Huấn luyện cán bộ quân sự”, “Cách đánh du kích”, “Kinh nghiệm du kích Tàu”, “Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô”... làm tài liệu huấn luyện cán bộ, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng ở Cao-Bắc-Lạng...

Do hoạt động bí mật, phải dựa vào sự giúp đỡ của đồng bào các dân tộc, Bác căn dặn đồng chí Lê Thiết Hùng, Chính trị viên Đội du kích Pác Bó: “Phải dựa chắc vào dân thì không kẻ địch nào tiêu diệt được ta”. Với công tác tuyên truyền, vận động cách mạng: Báo Việt Nam độc lập và sách tuyên truyền của Việt Minh còn mới mẻ nhưng thiết thực, lạ, hấp dẫn quần chúng. Những người cung cấp mực, giấy in, vận chuyển sách, báo đi các cơ sở bí mật, chính là người đọc, lưu truyền trong anh em, họ hàng, người thân tín và đoàn thể... Bác quán triệt cán bộ, đoàn thể trong các lớp huấn luyện: “Cố gắng học trong sách, học trong công tác và học trong chiến đấu”...

leftcenterrightdel
Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Mong bạn đọc góp ý kiến phê bình". 

Chính những bài học thiết thực, công tác chỉ đạo, hoạt động cách mạng thời kỳ đầu như thế đã được Bác vận dụng vào công tác xuất bản sau này: “Mong bạn đọc góp ý kiến phê bình”. Lời dạy của Người không chỉ với riêng ấn phẩm sách của NXB QĐND mà còn là bài học với các NXB khác, suy rộng ra là với cả việc cách mạng và xây dựng Đảng từ Trung ương tới cơ sở.

Sau ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo việc tuyên truyền, giáo dục, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, bảo vệ độc lập dân tộc, trong đó có việc xuất bản quân sự. Các cuốn sách: “Tổ quốc và quy tắc Lục quân”, “Quốc lệnh, quân liệt, thông tư”, “Chiến thuật phá hoại”, “Cẩm nang cấp cứu”... thiết thực phục vụ ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tạo cơ sở vật chất, thành quả ban đầu của ngành xuất bản quân sự, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ tại căn cứ địa Việt Bắc, lan tỏa khắp các liên khu kháng chiến.

Vừa bộn bề công việc lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến, kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa xây dựng Phủ Chủ tịch đầu tiên tại đồi Khau Tý (xã Điềm Mặc, ATK Định Hóa), Bác thức trắng nhiều đêm viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc”. Cuốn sách xuất bản lần đầu tháng 1-1948 trở thành “cẩm nang” gối đầu giường cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ tu dưỡng đạo đức, tác phong làm việc, xây dựng Đảng, chính quyền kháng chiến, kiến quốc trong điều kiện Đảng cầm quyền, đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Thời kỳ này, Bác còn cho xuất bản cuốn “Mười vấn đề của cuộc trường kỳ kháng chiến”, “Việt Bắc anh dũng”, “Đời sống mới”... tuyên truyền chủ trương, đường lối kháng chiến qua các ấn phẩm xuất bản...

Đầu năm 2016, khi làm cuốn kỷ yếu Hội thảo khoa học: Bảo tồn di tích Bác Hồ gắn với không gian văn hóa và môi trường sinh thái cho một NXB ở Thái Nguyên, tôi đưa câu “NXB mong bạn đọc góp ý kiến phê bình” ghi trên trang 2 trong sách của NXB QĐND (mà tôi đã trực tiếp phối hợp tổ chức biên tập, xuất bản nhiều cuốn sách) vào trang số 2, để gửi đến một NXB. Khi bản thảo chuyển lại cho chúng tôi chỉnh sửa thì thấy có 3 dấu chấm hỏi (???) và ghi chú: “Nên bỏ?”. Khi tôi gọi điện hỏi lại người trực tiếp biên tập, được anh trả lời:

- Bạn đọc góp ý kiến, phê bình với tác giả chứ, cần gì phải góp ý với NXB!

Tôi liền điện thoại hỏi Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Trưởng phòng Biên tập sách văn nghệ (nay là Phó giám đốc, Phó tổng biên tập) NXB QĐND thì được biết: Đó là lời căn dặn của Bác Hồ dành cho NXB QĐND.

Trao đổi lại với biên tập viên của nhà sản xuất nọ nhưng anh vẫn chưa thông. Tôi giải thích cặn kẽ lời căn dặn của Bác không chỉ phản ánh sự cầu thị của NXB mà còn là sự kiểm nghiệm sản phẩm tri thức tới tay bạn đọc. Họ bỏ tiền mua sách nên có nhận thức, nội dung, cách trình bày, khổ sách... với tác giả, với biên tập viên, với nhà in... mà cao nhất là NXB, có tư cách pháp nhân, chủ đầu mối cần lắng nghe, sửa chữa để nâng cao chất lượng ấn phẩm xuất bản... đằng sau đó là tri thức, cái tâm và tầm nhìn của NXB.

Từ thực tế làm tư liệu, bút ký, vận dụng lời dạy của Bác Hồ, tôi có được bài học sống động: Bạn đọc là người thẩm định các thông tin tư liệu liên quan đến sự kiện lịch sử hoặc nhân vật trong sách nêu từ góc độ có hay không, những ai chứng kiến, cần chỉnh sửa hoặc bổ sung gì, kết nối với ai để làm rõ, giới thiệu với tác giả làm sách những người có thể cung cấp thêm tư liệu hoặc NXB sưu tầm tác phẩm để làm sách chuyên đề... Đặc biệt, khi viết về các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước càng phải hết sức cẩn trọng. Thật thấm thía lời căn dặn của Bác Hồ với NXB QĐND tháng 6-1968: “Bác biết các chú văn hay chữ tốt, nhưng dù sao, nhân dân trăm tai nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh có thể giúp các chú tiến bộ hơn. Không riêng gì viết sách báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”.

Chính ý kiến của bạn đọc giúp tôi hoàn chỉnh bản thảo cuốn bút ký-tư liệu: “Tình yêu bất tử Hoàng Văn Thụ-Hoàng Ngân” để ấn hành thành sách. Chẳng phải NXB đã kết nối tác giả với bạn đọc, chắp cánh cho tôi phát triển ý tưởng tác phẩm đó sao? Sự tiếp thu ý kiến đóng góp, phê bình của độc giả và NXB, kết nối, xây dựng lòng tin đến với tác giả, để tác phẩm đi vào lòng bạn đọc.

leftcenterrightdel
Bìa cuốn sách "Vì nước vì dân" do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành. 

... Vào một ngày cuối thu năm 2010, tại Văn phòng Ban quản lý Khu di tích lịch sử-sinh thái ATK Định Hóa (Thái Nguyên), tôi tiếp một chị tuổi 60, cầm theo cuốn sách “ATK in dấu lịch sử” của tôi viết, ấn hành năm 2007. Chỉ vào bức ảnh tư liệu (sau trang 212), trong ảnh là một chàng trai mặc trang phục màu đen, cao tầm 1,8m, nét mặt thanh tú, với chú dẫn: Tổng Bí thư Trường Chinh và Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng Hoàng Quốc Việt thăm nhà máy quân giới ở ATK Định Hóa, mắt chị rớm lệ nhìn tôi:

- Anh có biết người mặc áo đen cạnh đồng chí Trường Chinh là ai không? - Rồi chị tự trả lời: Anh ấy là chồng tôi. Làm cán bộ ở Bộ Kinh tế thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ở Chiến khu Việt Bắc. Tôi hôm nay đáp máy bay từ TP Hồ Chí Minh ra tìm anh để hỏi về lai lịch bức ảnh và nơi chồng tôi đã ở và làm việc bên Bác Hồ ở ATK.

Tôi thấy mình có lỗi vì bức ảnh tư liệu đó chưa khảo sát được địa điểm, thời gian tác giả chụp cùng sự kiện lịch sử. Tuy nhiên, chị không hề trách cứ tôi, mà còn kể những câu chuyện tốt đẹp về người chồng mà theo chị thì dù anh đã về theo Bác Hồ cách đó mấy năm nhưng chị nghĩ chỉ có những người từng theo, sống với Bác Hồ, được Bác giáo dục, đào tạo mới tốt thế. Từ bức ảnh trên trang sách của tôi mà chị tìm về nơi làm việc của chồng bên Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc... Chị không tiết lộ tên anh, chỉ tặng tôi cuốn sách “Nhớ những ngày ở ATK Việt Bắc” của Ban liên lạc cán bộ Bộ Kinh tế cũ...

Sở dĩ tôi có được niềm tin mến của độc giả chính là ở NXB đã giúp tôi ấn hành tác phẩm của mình. Việc góp ý kiến, trao đổi về nhân vật, ảnh tư liệu trong cuốn sách với người đọc theo lời dạy của Bác Hồ thiết thực biết bao.

Năm 2017, tôi được NXB QĐND tái bản lần thứ 3 cuốn sách ảnh “Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Thái Nguyên” và “Di tích Bác Hồ ở ATK Việt Bắc”, xuất bản lần đầu cuốn “Theo dấu người bảo vệ Bác Hồ”. Tôi hạnh phúc, tự hào là cộng tác viên thực hiện lời căn dặn của Bác: “Mong bạn đọc góp ý kiến phê bình”.

ThS ĐỒNG KHẮC THỌ