Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1984), Ban Thông sử tỉnh Hải Hưng (nay là hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên) chủ trương gặp gỡ trực tiếp các anh hùng, chiến sĩ thi đua trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhằm tìm kiếm tư liệu cho việc viết lịch sử giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp của địa phương. Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Thòa là người đứng đầu danh sách mà chúng tôi được gặp để khai thác tư liệu.

Ngày ấy ông Nguyễn Văn Thòa còn cường tráng, da sạm nắng đủ cho thấy ông là người từng trải qua những năm tháng gian lao. Ông kể cho chúng tôi nghe nhiều trận đánh đặc biệt của du kích huyện Kim Thành. Những trận đánh ấy đều có sự tham gia của ông. Thực tế, thời kỳ kháng chiến, ông Thòa không chỉ đánh mìn mà còn tổ chức mật tập, độn thổ, hóa trang... với một lực lượng rất nhỏ nhưng hiệu quả rất lớn, mà sau này gọi là đặc công. 

Theo hồ sơ, Nguyễn Văn Thòa sinh năm 1920, tại thôn Kiến Lễ, xã Đại Đức, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. 25 năm sống dưới chế độ thực dân, người thanh niên ấy hiểu thế nào là đời sống của người dân mất nước. 

Từ đầu thế kỷ 20, huyện Kim Thành là nơi có Đường 5 và đường sắt Hải Phòng-Hà Nội chạy qua. Đây là con đường huyết mạch đối với thực dân Pháp trong chiến tranh xâm lược Bắc Bộ. Trước ngày toàn quốc kháng chiến, thực dân Pháp đã nhiều lần gây hấn ở cảng Hải Phòng, đưa 600 quân đóng ở thị xã Hải Dương với danh nghĩa thay quân Tưởng giải giáp quân Nhật, thực chất là chuẩn bị cướp nước ta một lần nữa. Vì thế, LLVT Hải Hưng được tổ chức sớm, nhất là các huyện dọc Đường 5.

leftcenterrightdel

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thòa. Ảnh tư liệu của Bảo tàng tỉnh Hải Dương 

Năm 1946, Nguyễn Văn Thòa tham gia đội du kích huyện Kim Thành. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Thòa tham gia chiến đấu hơn 60 trận đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó có Chiến lệ Đường 5. Điển hình là trận đánh mìn tại ga Phạm Xá ngày 31-1-1954. 

Khi đó, địa điểm đánh mìn phía Tây ga Phạm Xá. Ga có một đại đội ngụy do một sĩ quan Pháp chỉ huy và được trang bị hỏa lực khá mạnh. Phía Tây là bốt Xuân Mang, quen gọi là làng Măng có một trung đội ngụy chốt giữ, ngoài ra còn một trung đội địa phương quân phối hợp tuần tra ngày đêm, bởi Đường 5 không tháng nào không có tấn công của quân ta bằng nhiều phương tiện, nhất là đánh mìn nên địch rất cảnh giác. Trên đoạn đường chuẩn bị đặt mìn lại có hai hệ thống đèn pha rất mạnh đêm đêm bất thường quét sáng đan nhau. Giáp đường sắt là hai hàng rào dây thép gai kiểu mái nhà, có mìn chống bộ binh và mìn M16A1, M16A2. Ngoài hàng rào phía Nam có hào rộng 3m, sâu 1,5m chạy dọc đường tàu. Ngoài hào sâu là vạt ruộng địch cấm người dân cày cấy, dọn sạch cỏ, rất trống trải, khi đó gọi là vành đai trắng. Thỉnh thoảng, chúng bắt người dân cày vài sá song song với đường để tìm dây mìn. Cẩn thận hơn là chúng cho vẩy vôi và than xỉ lên đá dưới đường tàu, nếu có đào bới là phát hiện ngay. Hai đầu đoạn đường có điện thoại thường xuyên liên lạc. Mỗi buổi sáng có một lượt tuần đường, đêm phải 2-3 lượt.

Bị đặt trong tình thế khó nhưng không có khó khăn nào bộ đội và du kích Kim Thành không vượt qua, hơn nữa đây là trận chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, được Quân khu Tả Ngạn chỉ thị phải đánh bằng được, không để hơn 1.000 tên Âu Phi đến được Điện Biên hoặc bất cứ chiến trường nào để tàn sát dân ta. Dây thép gai thì vạch ra mà vào, mìn thì cài kíp lại... chúng đi tuần qua thì vào đào hố. Mọi việc đã xong nhưng chờ suốt từ ngày 31-12-1953 đến 15-1-1954 vẫn không thấy đoàn tàu chở quân địch đi qua, Huyện đội Kim Thành xin phép cấp trên cho đánh tàu chở hàng, sợ để lâu bị phát hiện, nhưng Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn chỉ thị: “Bằng mọi giá phải diệt bằng được chuyến tàu chở quân này, không để nó thoát, để địch thoát Kim Thành phải kỷ luật”.

Hố dành cho người giật mìn đặt dưới đường lát đá phiến xuống chùa Phạm, cách nơi đặt mìn khoảng 200m, hố đào sâu khoảng 80cm, đủ cho hai người ngồi. Phía trên hố lát hờ một phiến đá lát đường để khi mìn nổ có thể lật đá ngay, nhanh chóng tẩu thoát. Đây là vùng đất ảnh hưởng thủy triều lên xuống. Vì thế, trong một ngày thế nào cũng bị vài tiếng nước lên ngang bụng. Gian khổ nhất là suốt một tháng tiểu đội yểm trợ và các chiến sĩ trực tiếp đánh mìn phải thay phiên từng kíp, ngâm chân dưới nước và bùn.

leftcenterrightdel

Du kích nổ mìn phá hủy tàu hỏa của địch trên Đường 5 thuộc địa phận huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp.   

Đến ngày 31-1, tức 27 Tết Giáp Ngọ 1954, thông thường tàu 9 giờ 30 phút là chuyến cuối cùng buổi sáng, nhưng hôm ấy, 10 giờ tiếng còi khác thường từ phía ga Phú Thái vọng lại. 10 giờ 20 phút, đoàn tàu tốc hành 21 toa chở đầy quân viễn chinh Pháp đang lao vào trận địa. 10 giờ 30 phút toa 11 vào đúng hố mìn, một tiếng nổ kinh thiên động địa làm đường sắt và đoàn tàu tung lên đứt làm 3 khúc. 20m đường ray tung ra khỏi lề đường, 4 toa tàu bị phá hủy hoàn toàn, 17 toa và đầu máy bị lật đổ. Theo tin nội tuyến, hơn 1.000 tên lính Âu Phi bị tiêu diệt. Vừa kể cho tôi, ông Thòa vừa mô tả “cảnh tượng khi ấy như hai con trâu húc nhau trên một ruộng khoai mà những dây khoai tung lên, bụi mù mịt, đứt ra từng đoạn”.

Sau khi mìn nổ, ông Thòa chạy không kịp do tê chân sau nhiều ngày ngồi trong hố. Ông phải men theo bờ ruộng, bò dần về phía sông Rạng. Sau hơn chục phút hoảng loạn, địch tổ chức truy kích tổ đánh mìn. Ông bình tĩnh, chờ địch đến gần, nổ một băng tiểu liên, những tên đi đầu gục ngã, những tên còn lại thấy vậy liền tháo chạy. Sau băng đạn đó, ông Thòa chạy ra phía bờ sông và được đồng đội đưa về căn cứ an toàn.

Trận đánh thành công ở ga Phạm Xá đã làm tê liệt việc vận chuyển của địch trên tuyến đường huyết mạch này trong thời gian dài, hỗ trợ đắc lực cho chiến trường Điện Biên Phủ giành thắng lợi, góp phần thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích trên tuyến đường sắt và Đường 5. Sau trận này, quân viễn chinh Pháp thừa nhận là thất bại lớn. Báo chí trong nước và nhiều nước đưa tin chiến thắng lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ Tổng Tư lệnh khen thưởng và thông báo cho biết, địch chết 1.017 tên lính Âu Phi, 4 toa tàu bị phá hủy cùng nhiều sĩ quan chỉ huy của Pháp, hàng tấn quân trang, quân dụng, các phương tiện chiến đấu.

Đồng chí Nguyễn Văn Thòa qua đời ngày 18-10-1993. Vào ngày 11-6-1999, ông được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong suốt những năm tháng kháng chiến trường kỳ, không chỉ có trận đánh trên Đường 5 làm rung chuyển chiến trường Bắc Bộ mà quân và dân ta còn nhiều trận đánh oanh liệt khác. 

TĂNG BÁ HOÀNH