Làng có công với nước thời tiền khởi nghĩa

Mấy năm rồi, tôi mới về lại làng Yên Lộ (phường Yên Nghĩa), dù đường sá bây giờ gần lắm, tiện lắm, chỉ vài bến xe buýt rồi lên tuyến đường sắt trên cao, một tiếng đồng hồ là đến.

Đón tôi ở đình làng vừa được trùng tu khang trang là ông Nguyễn Đình Mực, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yên Nghĩa. Vào thăm đình, rồi trở ra, đi vào làng đang trở thành phố phường sầm uất, thăm lại những ngôi nhà từng là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng thời tiền khởi nghĩa, tôi bồi hồi nhớ lại chặng đường dài đắp xây làng xóm và đi theo cách mạng của người vùng quê này.

Vào năm 1928, một số thanh niên, trí thức yêu nước của các làng trong vùng đã tiếp thu tư tưởng tam dân của Quốc dân Đảng, lập chi bộ của đảng này tại làng Yên Lộ. Nhưng thất bại của Việt Nam Quốc dân Đảng và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng vào đầu năm 1930 đã thức tỉnh các đảng viên của chi bộ. Được các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) tuyên truyền, những đảng viên Quốc dân Đảng đã dứt bỏ chủ nghĩa tam dân để đến với con đường của cách mạng vô sản.

Họ cùng với những thanh niên tiến bộ vùng La (nay thuộc các phường Dương Nội, La Khê) hăng hái tham gia các hoạt động cách mạng, theo sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Quốc Việt, tạo nên phong trào cách mạng sôi nổi nhất ở Nam Hoài Đức, ven Hà Đông, trong cuộc vận động dân chủ năm 1936-1939.

Sự phát triển của phong trào cách mạng ở Yên Lộ với sự hoạt động hăng hái của lớp cán bộ trong làng là tiền đề để thành lập Chi bộ Đảng Yên Lộ vào tháng 6-1939. Chỉ hai tháng sau khi thành lập, chi bộ đã lãnh đạo cuộc đấu tranh có tiếng vang lớn trong toàn tỉnh Hà Đông, chống lại âm mưu “quản thủ điền thổ”, thực chất là bọn thống trị thực dân tại đây định cướp số ruộng công của làng và cả ruộng tư của nông dân.

Thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy Hà Đông, chi bộ đã phân công đảng viên và quần chúng cảm tình đi sâu vận động trong làng xóm, tranh thủ cả các hào lý tiến bộ, để rồi các làng lập thành thỏa ước đấu tranh chống lại âm mưu cướp đất của bọn thực dân. Thỏa ước quy định bảo vệ quyền lợi cho những người dân vì đấu tranh mà bị bắt, bị cầm tù, bị thương tích hoặc bị chết; các chức dịch tham gia đấu tranh cùng dân làng mà bị mất chức...

Sáng 3-7-1939, khi “phái đoàn” của thực dân do Phó thống sứ Bắc Kỳ, Chánh sở Địa chính Hà Đông, Thương tá Hà Đông vào đến đình Yên Lộ đã thấy chừng 600-700 người từ cổng đình vào trong "đón chờ”. Đại biểu dân (là một đảng viên) đứng ra chất vấn những tên cầm đầu phái đoàn thực dân. Mấy trăm cánh tay giơ lên hô vang: “Không được lấy ruộng đất của dân".

Tiếng hô nhiều lần vừa dứt thì một lá đơn với nhiều tờ, có chữ ký của đông đủ dân làng, yêu cầu không được lấy đất của dân được chuyển đến, giao cho viên Phó thống sứ. Bọn “quan Tây, quan ta” hoàn toàn bất ngờ, lúng túng, biết là không thể lấy được đất của làng này, liền nói vài lời lấy lệ rồi lên xe chuồn thẳng. Tên Chánh sở Địa chính Hà Đông khi lên xe còn giơ tay hằn học: "Yên Lộ, cũng như Vạn Phúc, cả làng là Cộng sản”.

Thắng lợi của cuộc đấu tranh này gây tiếng vang lớn trong toàn tỉnh Hà Đông khi đó, khích lệ chi bộ tiếp tục vận động quần chúng, xây dựng các đoàn thể vững mạnh, phát triển phong trào cả bề rộng và chiều sâu. Nhờ đó mà sau khi thực dân Pháp thẳng tay khủng bố, lực lượng cách mạng của Yên Lộ vẫn được bảo toàn, để đến tháng 6-1940, khi khu căn cứ của Xứ ủy Bắc Kỳ ở làng La Cả (nay thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông) bị lộ đã kịp thời được chuyển xuống làng Yên Lộ.

Nơi ăn, chốn ở của cán bộ Xứ ủy và Trung ương về làm việc, nơi họp của Ban Chấp hành Xứ ủy, nơi liên lạc, nơi tiếp đón cán bộ, nơi đặt cơ quan in... được bố trí liên hoàn tại các gia đình cơ sở, thuận tiện, linh hoạt nhưng kín đáo, dễ phân tán khi bị địch lùng sục và dễ tập hợp khi cần thiết. Yên Lộ đã nuôi giấu, chở che hơn 30 cán bộ Trung ương, Xứ ủy, Tỉnh ủy về hoạt động, trong đó có các đồng chí: Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh...

Đặc biệt, tháng 7-1940, Yên Lộ đón đồng chí Trường Chinh từ Thái Bình lên Hà Đông để chỉ đạo phong trào cách mạng. Tất cả cán bộ về Yên Lộ hoạt động đều được đón tiếp chu đáo, bảo vệ an toàn. Chi bộ và quần chúng cách mạng Yên Lộ còn hết lòng ủng hộ tiền, vàng vào quỹ Đảng. Một tấm gương chói ngời cho tinh thần bảo vệ cán bộ là mẹ con nữ đảng viên Nguyễn Thị Tỳ.

Một hôm địch bất ngờ sục vào làng, vào nhà bà Tỳ-gia đình cơ sở để lùng bắt đồng chí Hoàng Quốc Việt theo tin mật báo. Chúng bắt Vũ Văn Lanh-con trai bà Tỳ khi đó mới 16 tuổi và là liên lạc của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Lanh bị mật thám tra tấn dã man nhưng không khai lời nào. Địch giải hai mẹ con về Sở Mật thám Hà Nội, hết tra tấn mẹ trước mặt con rồi lại tra tấn con trước mặt mẹ.

Nhưng đòn thâm độc của địch không khuất phục được sự gan dạ, quyết tâm bảo vệ cán bộ Đảng của mẹ con người đảng viên Cộng sản. Địch phải thả mẹ con bà Tỳ vì không đủ chứng cứ. Do bị tra tấn quá dã man, Vũ Văn Lanh sau thời gian ngắn đã qua đời. Vì sự an toàn của cơ sở cách mạng, gia đình phải tung tin Vũ Văn Lanh mất vì bệnh dại để địch không tiếp tục rình mò...

Từ Yên Lộ, phong trào cách mạng phát triển sang làng Nghĩa Lộ đã góp phần giác ngộ ông Đội Tố (Lê Trọng Tố), sau này trở thành vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam: Đại tướng Lê Trọng Tấn.

Làng Yên Lộ in một dấu ấn đậm trong lịch sử cách mạng tỉnh Hà Đông xưa, được Chính phủ tặng Bằng “Làng có công với nước”, 14 gia đình được tặng kỷ niệm chương và Bằng “Có công với nước”.

leftcenterrightdel

Lễ hội truyền thống đình làng Yên Lộ, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội thường diễn ra vào đầu năm mới. Ảnh: NGUYỄN HÀ 

Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến 10 năm xây dựng hòa bình (1954-1964), làng Yên Lộ, xã Yên Nghĩa luôn phát huy truyền thống vào các nhiệm vụ mới của cách mạng.

Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Nằm ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội, xã Yên Nghĩa với địa thế rộng được chọn làm một chốt quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Bộ đội Phòng không, nhằm ngăn chặn hướng oanh tạc của máy bay Mỹ từ sân bay Cò Rạt (Thái Lan) vào Thủ đô.

Một trận địa của Đoàn tên lửa Sông Đà đã được xây dựng tại Yên Nghĩa. Đi kèm với trận địa tên lửa là các trận địa pháo 37mm, 57mm và 100mm cùng trận địa radar. Hơn 100 mẫu ruộng và bãi của người dân được dùng để xây dựng trận địa và doanh trại của bộ đội. Chợ làng cũng phải chuyển đi nơi khác. Song nhân dân Yên Nghĩa vẫn đồng tâm, đồng lòng, nhường đồng ruộng gắn bó với bao đời mình cho bộ đội. Nhân dân, lực lượng dân quân xã Yên Nghĩa còn góp hàng vạn ngày công xây dựng, gia cố trận địa. Dân quân xã Yên Nghĩa cùng các xã kề cận đã phối hợp cùng Bộ đội Phòng không chiến đấu dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.

Cùng với tích cực phục vụ chiến đấu, Đảng bộ và nhân dân xã Yên Nghĩa còn hết lòng chi viện cho tiền tuyến với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Trong 10 năm, hàng nghìn lượt thanh niên Yên Nghĩa nhập ngũ, 140 người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đảng bộ và nhân dân xã Yên Nghĩa đã được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân do có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ngày nay, Yên Nghĩa đã trở thành phường, xóm làng đã thành phố xá đông đúc. Bến xe Yên Nghĩa, khu đô thị mới Đô Nghĩa, Trường Đại học Phenikaa và trụ sở của hàng chục doanh nghiệp... được xây dựng trên đất xưa, làng cũ. Người Yên Nghĩa hiện chỉ còn canh tác trên phần đất bãi ven sông Đáy nhưng vẫn vui lòng, bởi như một truyền thống, xưa làng xã từng hiến đất để đánh thắng giặc Mỹ, nay lại hiến đất vì công cuộc hiện đại hóa đất nước.

PGS, TS BÙI XUÂN ĐÍNH