Những bàn tay "phù phép" sắc hoa

Đang tiết xuân, ruộng hoa của ông Hồ Văn Thơi ở xã Trung Mầu rực rỡ cả một vùng trời, trở thành điểm nhấn trong tiết trời se se lạnh. Từ đầu năm cho đến tháng 4 là cao điểm của trồng cây hoa giấy, bởi thế, mới sáng sớm, ông Thơi đã có mặt tại ruộng hoa. Năm nay đã 60 tuổi và có kinh nghiệm gần 10 năm trồng hoa giấy, ngày nào ông Thơi cũng cần mẫn với 3 sào Bắc Bộ. Ông kể, một ngày chỉ kiểm tra và tưới nước, bón phân từng cây cũng hết thời gian.

leftcenterrightdel

Ông Hồ Văn Thơi cần mẫn chăm bón hoa giấy mỗi ngày. 

Dưới ánh nắng, bóng cây hoa giấy rất có hồn. Những bông hoa với đủ sắc màu tím hồng, cam đỏ, trắng tinh khôi đung đưa trong gió như đang vui đùa, nhảy múa. Thi thoảng tán cây lại rung rinh thu hút sự chú ý của khách đến thăm. Một cây hoa giấy để có thể nở ra những bông hoa tươi sắc đều nhờ sự dày công chăm sóc của người trồng hoa.

- Công đoạn trồng hoa giấy khá đơn giản nhưng cần thời gian chăm sóc tỉ mỉ. Ban đầu, tôi sẽ chiết cành từ cây giống, sau đó nhúng cành vào thuốc kích thích mọc rễ, giâm vào cát để nảy mầm rồi cho ra bầu. Sau một tháng, cây cao khoảng 20cm, tôi sẽ cắt cây gần 10cm-Ông Thơi hướng dẫn.

Nhờ có kinh nghiệm trồng hoa giấy và kỹ thuật tốt nên tháng 2 vừa rồi, ông Thơi đã bán được gần hết 3 sào hoa giấy. Hiện tại, ông tiếp tục bán những bầu cây lẻ và cây hoa giấy tím bắc. Cây hoa giấy tím bắc cao khoảng 60cm bán được 700 bầu cây, giá bán buôn là 100.000 đồng/bầu. Còn với hoa giấy thông thường trồng quanh năm, giá bán buôn là 50.000 đồng/bầu. Với khoảng 3 sào ruộng, thu nhập bình quân một năm của ông Thơi đạt từ 140 đến 150 triệu đồng.

Hiện nay, xã Trung Mầu có khoảng 400 gia đình trồng hoa giấy. Dù đến Trung Mầu vào mùa nào, du khách cũng có thể được chiêm ngưỡng những cánh đồng bạt ngàn hoa giấy nhuộm màu rực rỡ. Mỗi cây lại có một kiểu dáng riêng biệt, được cắt tỉa gọn gàng thành các hình dáng đẹp đẽ phục vụ nhu cầu của khách hàng. Có không ít cây hoa giấy khổng lồ cao từ 3m đến 5m với trị giá hàng tỷ đồng trở thành điểm thu hút du khách đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại các ruộng hoa của Trung Mầu.

Đổi thay nhờ hoa giấy

Dạo quanh làng hoa giấy, chúng tôi bắt gặp nhiều nhóm bạn rủ nhau đến cắm trại để vừa thưởng thức vẻ đẹp của hoa trong không gian thiên nhiên vừa câu cá. Dưới ánh nắng, những thiếu nữ tíu tít chụp ảnh, thả dáng điệu đà giữa bạt ngàn hoa. Trước khi thay áo mới bằng nhiều cánh đồng hoa rực rỡ, làng Trung Mầu từng trải qua thời kỳ trồng lúa nước vô cùng khó khăn. Dù lúa nước là cây trồng phổ biến tại làng nhưng một năm hai vụ, bà con chỉ lãi khoảng vài triệu đồng. Tuy rằng nghề trồng hoa giấy tại xã Trung Mầu đã có từ trước đó nhưng còn manh mún, chưa đạt hiệu quả kinh tế cao do ít bà con sẵn sàng tham gia.

leftcenterrightdel

Khách hàng chụp ảnh lưu niệm với hoa giấy. 

Năm 2017, lãnh đạo xã Trung Mầu triển khai quy hoạch và tổ chức sản xuất tập trung theo mô hình cây ăn quả và cây cảnh, hoa giấy bắt đầu phát triển từ đây. Người dân được vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện cho thuê ruộng với giá từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/ruộng để trồng hoa giấy kết hợp mô hình nhà vườn trồng rau, nuôi cá. Thấy nhiều gia đình làm nghề hiệu quả, từ đó, nghề trồng hoa giấy được phát triển ra toàn xã.

Là một trong những người đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang hoa giấy, ông Hồ Văn Thơi đã góp công sức không nhỏ vào việc vận động dân làng tham gia. Những ngày vận động bà con tham gia trồng hoa giấy, ông Thơi gặp không ít khó khăn. Không bỏ cuộc, ông tự mình trồng cây và chỉ cách cho bà con chăm bón trên ruộng hoa của mình. Đồng thời, ông cấp miễn phí cho bà con đến xem mỗi người một bầu cây giống hoa giấy mang về trồng thử và cung cấp cây giống với tổng trị giá hàng tỷ đồng. Thời gian đó, ông cũng đến từng nhà xem cây và hướng dẫn bà con cắt lá, cắt cành, bón phân. Nhờ vậy mà thêm nhiều gia đình đã biết cách trồng hoa giấy, nhiều người cũng tâm huyết với nghề hơn. Năm 2017, Hội Cây cảnh xã Trung Mầu được thành lập với 95 hộ tham gia và ông Thơi làm chủ nhiệm.

leftcenterrightdel

 Chủ ruộng hoa tự mình vận chuyển hoa giấy bằng xe máy đến các vùng lân cận.

Gần xã Trung Mầu là dòng sông Đuống uốn lượn chảy qua, phía bãi sông tấp nập người qua lại, chốc chốc lại thấy xe tải chạy vào, chạy ra. Ông Thơi bảo, tuy rằng ruộng ông đã bán hết cây nhưng nhiều gia đình khác trồng khoảng 3 vạn cây vẫn đang bán sỉ sang các tỉnh lân cận ở phía Bắc. Xe tải là của bên vận chuyển, ngoài ra còn có các thương nhân từ nhiều đầu mối ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng... đến cung cấp chậu đá và dây thép uốn cây. Người dân xã Trung Mầu từng bàn kế hoạch kinh doanh thêm chậu và dây thép, nhưng khi hoa giấy Trung Mầu dần phát triển mở rộng, nhiều thương nhân bàn bạc liên kết kinh doanh. Từ đó, dân làng mua được giá sỉ rẻ hơn so với thị trường vài nghìn đồng. Một vườn có thể lấy rẻ từ 5 đến 10 triệu đồng, phụ phí mỗi bầu cây giảm khoảng 10.000 đồng. Hiện tại, thu nhập của bà con trồng hoa giấy đạt khoảng 200 triệu đồng/năm. Toàn xã Trung Mầu có gần 70ha hoa giấy. Thành quả nhiều năm đã kết thành trái ngọt khi cuối năm 2023, xã Trung Mầu đón chứng nhận hoa giấy đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao do TP Hà Nội công nhận.

Hoa giấy phát triển rộng tại Trung Mầu những năm gần đây khiến làng hoa giấy Trung Mầu dần trở nên nổi tiếng, là địa điểm lý tưởng cho kỳ nghỉ cuối tuần của nhiều gia đình. Mặc dù việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ban đầu gặp không ít khó khăn nhưng đây là lựa chọn đúng đắn để làng hoa giấy Trung Mầu không chỉ là nơi kinh doanh, buôn bán mà còn trở thành địa điểm du lịch sinh thái trong tương lai.

 Bài và ảnh: HẠ ANH