Nhìn bé Ly Chương Bình (8 tuổi, dân tộc Dao) chạy nhảy tung tăng, rồi cầm tờ giấy trên bàn làm việc của mình đọc vanh vách các dòng chữ, Thiếu tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, cũng như một số cán bộ, nhân viên học viện có mặt hôm ấy đều rưng rưng xúc động. Bởi cách đây hơn một năm, em là bệnh nhân đã trải qua ca phẫu thuật ghép phổi kéo dài 10 tiếng đồng hồ và sau đó được chăm sóc đặc biệt nhiều tháng liền tại Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y). Đây cũng là ca ghép phổi đầu tiên thành công, đánh dấu một mốc son mới về kỹ thuật ghép phổi trên người từ hai người cho sống ở Việt Nam.
Ôm cậu bé Bình vào lòng, GS, TS Đỗ Quyết nói: “Mai này cháu cố gắng học giỏi rồi đi học trường y về làm bác sĩ ghép tạng nhé. Lúc ấy, ta lại bàn tiếp chuyện ghép tạng cho người khác…”.
Chứng kiến sự thân thiết của vị tướng thầy thuốc quân đội với con trai mình, chị Phàn Thị Tâm (mẹ của bé Ly Chương Bình) rơm rớm nước mắt. Chị Tâm kể: “Trước đây, Bình yếu lắm, hay bị ho hen, khò khè, khó thở, suốt ngày nằm bẹp, rất ít vận động, thường xuyên phải nhập viện vì nhiễm trùng hô hấp. Mỗi lần ho thì tím tái cả mặt. Cháu còn bị suy dinh dưỡng nặng. Kể từ khi được ghép phổi đến nay, sức khỏe rất ổn định, mọi sinh hoạt, ăn ngủ hằng ngày của cháu đều tốt và đã tăng cân đều. Cháu hiện là học sinh lớp 2 của một trường tiểu học thuộc quận Hà Đông, TP Hà Nội. Mặc dù hằng ngày phải uống 5 loại thuốc nhưng đến trường cháu vẫn chạy nhảy vui chơi, tham gia tập thể dục, vận động bình thường như các bạn khác”.
    |
 |
Thiếu tướng, GS, TS Đỗ Quyết và bé Ly Chương Bình tại Học viện Quân y, tháng 8-2018 |
Đem lại sự sống hay góp phần cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân chính là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả và cũng là niềm hạnh phúc vô bờ bến của những người thầy thuốc. Theo Thiếu tướng, PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Hoàng Mạnh An, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, kể từ ca ghép thận đầu tiên năm 1992 đến nay, đã có 351 bệnh nhân được ghép tạng tại Bệnh viện Quân y 103. Trong đó, 345 ca ghép thận, 2 ca ghép gan, 2 ca ghép tim, 1 ca ghép đồng thời thận-tụy và 1 ca ghép phổi. Ngoài ra, bệnh viện còn thực hiện hơn 20 ca ghép giác mạc và một số cơ quan khác. Sức khỏe bệnh nhân sau ghép tạng đã được cải thiện rõ rệt. Trong đó có em Nguyễn Thị Diệp-bệnh nhân được ghép gan đầu tiên tại Học viện Quân y năm 2004, đến nay sức khỏe và chức năng gan ghép ổn định, đã tốt nghiệp khóa đào tạo y tá tại Trường Trung cấp Quân y 1 (nay là Trường Cao đẳng Quân y 1), người bố cho gan vẫn khỏe mạnh. Nhiều bệnh nhân khác sau khi ghép tạng trở về cuộc sống làm việc bình thường. Có phụ nữ sau khi ghép tạng vẫn có thể sinh con. Có người trở thành thương nhân, đóng góp lớn cho xã hội. Ca ghép có cuộc sống kéo dài nhất đến nay là 26 năm (hiện vẫn khỏe mạnh).
Để làm nên những bước đột phá về lĩnh vực ghép tạng như vậy là nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ cán bộ, nhân viên Học viện Quân y. Được biết, ngay từ thời kỳ chiến tranh, các thầy thuốc của học viện luôn mơ ước đến việc ghép tạng và đã triển khai ghép da trong điều trị vết thương, vết bỏng, ghép thận thực nghiệm trên động vật… Năm 1992, trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, học viện đã thực hiện ca ghép thận đầu tiên thành công nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia y tế trong nước và nước ngoài, mở ra một trang sử mới cho y học Việt Nam. Từ đó đến nay, Học viện Quân y đã có một truyền thống khá dày về chuyên ngành ghép tạng. Nếu như 10 năm đầu triển khai ghép tạng, mỗi năm Bệnh viện Quân y 103 chỉ ghép được một đến vài ba ca thì nay mỗi năm đã ghép tới vài chục ca, có ngày ghép 2-3 cặp. Riêng ghép thận là phẫu thuật thường quy được thực hiện hằng tuần tại bệnh viện. Nhiều kỹ thuật khó trong ghép tạng đã được các chuyên gia ở đây thực hiện như: Lấy thận nội soi ngoài phúc mạc, ghép từ người hiến không cùng huyết thống; ghép khác nhóm máu ABO; ghép thận cho người đái tháo đường bị suy thận giai đoạn cuối; ghép cho người có nguy cơ miễn dịch cao; xử lý thận ghép có nhiều bất thường về mạch máu…
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng, GS, TS Đỗ Quyết thì trong số hàng trăm ca đã được ghép tạng, ca nào cũng có những khó khăn nhất định, như: Ca thì khó khăn về nguồn tạng, có ca thì phải chạy đua với thời gian để kịp thời cứu sống bệnh nhân, chăm sóc trong và sau phẫu thuật… Chính vì vậy, mỗi ca ghép tạng thành công không chỉ là công sức của một nhóm người mà là tổ hợp sức mạnh của một tập thể đa chuyên khoa, sự phối hợp nhịp nhàng từ công tác tổ chức đến công tác chuyên môn trong toàn học viện, cũng như sự hợp tác giúp đỡ của các bệnh viện trong nước và quốc tế. Mỗi ca ghép là sự kết nối của hàng nghìn mắt xích với nhau, chỉ cần đứt một mắt xích thì sẽ không thành công.
Hiện nay, Học viện Quân y có hơn 500 giảng viên, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực ghép tạng và các chuyên ngành liên quan như: Hồi sức, điều trị sau ghép, điều trị chống thải ghép, miễn dịch, hóa sinh, giải phẫu và giải phẫu bệnh. Là 1 trong 4 trung tâm hàng đầu về ghép tạng của quân đội và cả nước nên các chuyên gia ghép tạng của Học viện Quân y qua các thời kỳ đều có dấu ấn tích cực trong việc hỗ trợ và chuyển giao công nghệ cho các trung tâm ghép tạng, bệnh viện khác. Thời gian tới, Học viện Quân y sẽ tiếp tục nghiên cứu để thực hiện tốt hơn, tăng số lượng ca ghép tim, gan, phổi, đồng thời tiếp tục chinh phục những “đỉnh núi” khác trong lĩnh vực ghép mô, tạng trên người.
Bài và ảnh: HÀ THANH MINH