Là sự kiện thể thao lớn đầu tiên trong khu vực sau hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia nhận định, SEA Games 31 chính là dịp thuận lợi để Việt Nam quảng bá du lịch với khách quốc tế. Nhất là khi thời điểm này, dịch bệnh trên thế giới cơ bản được kiểm soát và ngành du lịch cũng như người dân toàn cầu đã sẵn sàng cho các hoạt động du lịch sau thời gian dài chịu ràng buộc bởi những biện pháp phòng, chống dịch.
Tận dụng cơ hội này, 12 địa phương có môn thi đấu và các vùng lân cận đã tích cực chuẩn bị kế hoạch để xúc tiến quảng bá du lịch tại chỗ. Là địa phương tổ chức SEA Games 31, đăng cai nhiều môn thi đấu, Hà Nội đã sớm chuẩn bị 14 khách sạn làm nơi lưu trú cho các đoàn thể thao; xây dựng hàng chục tour du lịch; quảng bá trên kênh truyền hình CNN; tổ chức tiệc chiêu đãi kết hợp giới thiệu ẩm thực Hà Nội... Cùng với đó là hàng loạt các hoạt động, sự kiện như Lễ hội quà tặng, Lễ hội du lịch, Chương trình ẩm thực và quà tặng với chủ đề “Hà Nội-Đến để yêu”. Cũng như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Phú Thọ, Hà Nam, Hải Dương, Bắc Giang, Hòa Bình ngoài chuẩn bị tốt phục vụ các môn thi đấu, các địa phương cũng xây dựng từ sớm những tour du lịch, quảng bá du lịch thông qua hoạt động bên lề tới các đoàn vận động viên, phóng viên, khán giả.
|
|
Hình ảnh giới thiệu điểm đến Tam Cốc (Ninh Bình). Ảnh: TITC |
Trước đó, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với các địa phương xây dựng thông tin du lịch, cung cấp tới các đoàn thể thao về sản phẩm, dịch vụ, điểm đến, trong đó có các chương trình du lịch hấp dẫn, độc đáo cho đoàn thể thao và khán giả. Cùng với đó, Tổng cục Du lịch cũng xây dựng chuyên trang quảng bá du lịch Việt Nam nhân dịp SEA Games 31 tại địa chỉ: https://seagames31.vietnamtourism.gov.vn, bao gồm các nội dung như: Thông tin chung; thông tin về các địa phương có địa điểm thi đấu và các địa phương phụ cận, các địa phương có tiềm năng về du lịch; thông tin về các tour, điểm mua sắm, giải trí, khách sạn... bằng tiếng Việt và tiếng Anh; mở chuyên mục riêng trên các nền tảng mạng xã hội: YouTube, Zalo; thiết kế logo riêng cho sự kiện kết hợp chiến dịch truyền thông du lịch quốc tế “Live fully in Vietnam” và SEA Games 31, đặt trên các chuyên mục và ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” có liên kết với chuyên trang...;15 chương trình du lịch chiêu đãi cao cấp, tham quan dành cho các trưởng đoàn, vận động viên đoạt giải đặc biệt, phóng viên kênh truyền thông quốc tế, blogger có tầm ảnh hưởng cũng được Tổng cục Du lịch tổ chức với thông điệp: Việt Nam mở cửa du lịch an toàn chào đón khách quốc tế.
Bất cứ quốc gia nào khi tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao... đều xác định đó là cơ hội để quảng bá văn hóa, đất nước, con người, thu hút du lịch. Nhiều nước thậm chí đã đầu tư kinh phí rất lớn cho các sự kiện này và du lịch cũng được hưởng lợi. Sau khi đăng cai Olympic 2008, sân vận động quốc gia Bắc Kinh (Tổ Chim) với kinh phí xây dựng hơn 400 triệu USD đã được Trung Quốc khai thác cho nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng hấp dẫn khách quốc tế khi đến quốc gia này. Tòa nhà APEC Nurimaru xây dựng phục vụ cho Hội nghị nguyên thủ thường niên tại Busan năm 2005, sau đó cũng là điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Hàn Quốc...
Thế nên, thật khó để nói hiệu quả kinh tế mang lại cho du lịch từ sự kiện SEA Games 31 cụ thể là bao nhiêu, nhưng chắc chắn rằng, nếu tận dụng được cơ hội “vàng” này thì những giá trị mang lại cho du lịch cũng như kinh tế nước ta sẽ rất lớn và lâu dài. Đó là nhận định hoàn toàn có cơ sở, bởi du lịch Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đón khách quốc tế sau đại dịch từ tháng 11-2021. Việc liên tục giành được nhiều giải thưởng du lịch quốc tế uy tín về điểm đến hàng đầu châu Á và thế giới những năm gần đây đã chứng tỏ sức hút của Việt Nam. Từ cuối năm 2021, nhất là đầu năm nay, theo công cụ phân tích dữ liệu du lịch của Google, Việt Nam hiện là quốc gia hàng đầu trên thế giới được khách du lịch tìm kiếm. Cũng từ khi mở cửa lại du lịch quốc tế, du lịch Việt Nam đã có thêm những thị trường mới như Mông Cổ, đang xúc tiến thị trường Kazakhstan, Uzbekistan. Cùng với đó, những nỗ lực nhằm phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam, tăng doanh thu ngành du lịch từ nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn, đa dạng, tăng cường khai thác du lịch đêm, liên kết vùng... đã tạo được kết quả nhất định.
Năm 2022, du lịch nội địa vẫn sẽ được xác định là chủ đạo nhưng SEA Games 31 chính là thời cơ thuận lợi để Việt Nam biến mỗi vị khách quốc tế từ sự kiện này trở thành một sứ giả quảng bá cho du lịch Việt. Thời cơ càng thuận lợi hơn để đón đầu du khách khi không lâu nữa, từ khoảng tháng 9 đến tháng 10 tới đây sẽ là giai đoạn cao điểm của du lịch quốc tế.
Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần giới thiệu một số hình ảnh về các điểm du lịch, ẩm thực... trên chuyên trang quảng bá du lịch Việt Nam nhân dịp SEA Games 31.
HÒA DƯƠNG