Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội là một trong những chính sách xã hội cơ bản nhất của mỗi quốc gia, thể hiện trình độ văn minh, tiềm lực, sức mạnh kinh tế cũng như khả năng quản lý của quốc gia đó. Theo Điều 3, Luật BHXH (năm 2018): BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH. Mục đích của BHXH là để giảm thiểu những rủi ro cho con người trong một số trường hợp nhất định và hưởng nhiều ưu đãi của pháp luật trong những trường hợp khó khăn hay ưu đãi trong khi sử dụng các loại BHXH.

Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hiện nay quỹ BHXH đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng-hưởng và chia sẻ giữa những người lao động cùng thế hệ và giữa các thế hệ tham gia BHXH. Diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật, đối tượng tham gia BHXH ngày càng được mở rộng, số người được hưởng BHXH không ngừng tăng lên. Giai đoạn 2012-2020, bình quân mỗi năm số người tham gia tăng khoảng 6%, từ 10,565 triệu người năm 2012 lên 16,11 triệu người năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tính đến hết tháng 9-2022, đã có hơn 17,08 triệu người tham gia BHXH, đạt 37,01% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng khoảng 537.000 người so với cuối năm 2021; gần 87,4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 88,4% dân số; hơn 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 28,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 627.000 người với cuối năm 2021. Chính sách BHXH đã chăm lo, bảo vệ đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, từng bước thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách giữa các khu vực trong cả nước.

50% người cao tuổi không có bất kỳ khoản an sinh nào

Cùng với những thành tựu đạt được, lĩnh vực BHXH ở Việt Nam hiện vẫn bộc lộ một số thách thức, hạn chế, bất cập. Đầu tiên, diện bao phủ BHXH cho lực lượng lao động còn thấp. Theo số liệu nêu trên cho thấy, hiện chúng ta vẫn còn hơn 60% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động chưa tham gia BHXH. Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW là một thách thức rất lớn nếu không có những giải pháp căn bản về cả chủ trương, chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách.

Tiếp theo, già hóa dân số tăng nhanh, chất lượng người cao tuổi thấp trong điều kiện số người đóng BHXH hiện nay mới đạt 37,01% lực lượng trong độ tuổi lao động, đồng nghĩa với việc trong tương lai, vẫn còn hơn 60% người già không hưởng lương hưu từ BHXH. Tổng cục Thống kê dự báo, dân số Việt Nam từ 65 tuổi sẽ vượt 15% tổng dân số vào năm 2039 (khoảng 17 triệu người). Nếu năm 2019, khoảng 4 triệu người cao tuổi có nhu cầu hỗ trợ về sức khỏe, thì đến năm 2049, trong số 32 triệu người cao tuổi sẽ có khoảng 10 triệu người cao tuổi có nhu cầu hỗ trợ về sức khỏe. Bởi số năm sống với bệnh tật của người cao tuổi ở Việt Nam cao, trung bình từ 8 đến 11 năm (tức 10% của tuổi thọ), cao hơn nhiều nước khác. Bên cạnh đó, theo tính toán của các nhà nghiên cứu, khoảng 50% người cao tuổi ở Việt Nam hiện không có bất kỳ khoản an sinh nào. Đây là bài toán vô cùng khó khăn đang đặt ra cho ngành BHXH.

leftcenterrightdel

Nhân viên BHXH TP Hồ Chí Minh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia bảo hiểm. Ảnh: HẠNH NGUYÊN 

Ngoài ra, tỷ lệ rút BHXH một lần tăng cao trong thời gian gần đây. Sau đại dịch Covid-19, nhiều người lao động mất việc làm, không có thu nhập đã chọn hưởng BHXH một lần. Số lao động nữ lựa chọn BHXH một lần cao hơn so với nam giới. Nhưng quan trọng hơn là do thời gian đóng bảo hiểm dài (phải đủ 20 năm) dẫn tới nhiều lao động có thời gian tham gia BHXH ngắn, khi hết tuổi lao động, không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Mức đóng BHXH của Việt Nam còn thấp, dẫn đến mức hưởng lương hưu thấp (năm 2021 trung bình khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng), không khuyến khích được lực lượng lao động tham gia BHXH.

Bên cạnh đó, có sự khác biệt về mức thụ hưởng của hai loại hình BHXH bắt buộc. Các chế độ của bảo hiểm bắt buộc gồm: Ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất. Trong khi bảo hiểm tự nguyện chỉ có: Hưu trí và tử tuất. Đây một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc số lao động tham gia BHXH bắt buộc cao hơn nhiều so với số lao động tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến hết tháng 5-2022, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt trên 15,4 triệu người; số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,3 triệu người, tăng 130.734 người so với cùng kỳ. Mặc dù số người tham gia BHXH tự nguyện có tăng, nhưng không đáng kể. Bởi lực lượng lao động phi chính thức của Việt Nam nhiều và đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây do chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần và kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Năm 2021, Việt Nam có 33,6 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm tới 68,5% tổng số lao động có việc làm.

Thực trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH của các doanh nghiệp có diễn biến ngày càng phức tạp. Bên cạnh các doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19 nên không có khả năng nộp hoặc phải chậm nộp BHXH, vẫn còn có những doanh nghiệp cố tình chây ì, trốn đóng BHXH... Hiện có khoảng 50% doanh nghiệp, 30% người lao động có quan hệ lao động nhưng không được tham gia BHXH bắt buộc. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này sẽ gây hệ luỵ tiêu cực cho xã hội, đi ngược lại các mục tiêu trong chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập về vấn đề BHXH. Nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu là do luật và các quy định về BHXH còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, thậm chí chồng chéo và xung đột. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh Luật BHXH và văn bản dưới luật cho phù hợp với bối cảnh, yêu cầu mới hiện nay. Cụ thể, cần mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH và gia tăng quyền, lợi ích cho người lao động đang làm việc cũng như người hưởng lương hưu, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, trên cơ sở quan điểm, tư tưởng chỉ đạo tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng-hưởng, chia sẻ-bền vững”. Vì vậy, cần nâng chế độ BHXH tự nguyện hiện nay (hưu trí, tử tuất) thêm các chế độ khác như: Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau... để tăng đối tượng tham gia BHXH.

Cùng với đó, cần có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH. Nên tính toán để giảm tuổi nghỉ hưu đối với một số ngành nghề lao động trực tiếp, độc hại, nặng nhọc. Đồng thời, với những lao động đóng BHXH hơn 45 năm, nên điều chỉnh mức hưởng lương hưu lên hơn 80% để tạo động lực thúc đẩy mọi người tham gia đóng BHXH. Chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường cũng cần được nghiên cứu, bổ sung, từ đó tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và lao động có thêm sự lựa chọn tham gia BHXH để được hưởng mức lương hưu cao hơn. Cũng có thể thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn (10 năm) linh hoạt để người cao tuổi (60+) được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Ngoài ra, cần phải nghiên cứu quy định về thu, nộp BHXH tránh tình trạng rút BHXH một lần. Theo đó, giảm thời gian đóng BHXH mức tối thiểu từ 20 năm xuống 10 năm với một số đối tượng, nhóm ngành nghề và mức đóng, tăng quyền lợi đối với người lao động có thời gian tham gia BHXH chưa được hưởng một lần. Đồng thời có chính sách liên kết giữa BHXH với các ngân hàng hỗ trợ người lao động, cho họ vay khi gặp khó khăn, bất thường nhằm hạn chế rút BHXH một lần. Các cơ quan chức năng cũng nên nghiên cứu đổi mới nội dung và phương pháp truyền thông BHXH để cung cấp thông tin tác hại của rút BHXH một lần và định hướng dư luận, củng cố niềm tin của người lao động đối với chính sách BHXH, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, lâu dài của người lao động, hướng tới một Việt Nam thịnh vượng và phát triển bền vững.

PGS, TS LÊ THỊ THANH HÀ