Sau khi phát hiện ra cao nguyên Langbiang vào năm 1893, người Pháp quyết định xây dựng Đà Lạt thành khu nghỉ dưỡng phục vụ bộ máy chính quyền thực dân. Để xây dựng Đà Lạt, vấn đề tiên quyết là phải thiết lập được hệ thống giao thông từ đồng bằng ven biển lên đây. Năm 1915, đường bộ Phan Rang-Đà Lạt được mở rộng. Đến năm 1922, đường sắt xe lửa răng cưa chạy song song với tuyến đường bộ này cũng được gấp rút hoàn thành, hai tuyến đường đều băng qua khu vực cách trung tâm Đà Lạt khoảng 10km về hướng đông bắc. Đây được xem là những dấu mốc chính cho sự phát triển của Trại Mát sau này.

leftcenterrightdel
Trại Mát vẫn giữ được nhiều nét xưa. 

Theo các cụ cao niên trong vùng kể lại, cái tên Trại Mát bắt nguồn từ việc công nhân dựng trại nghỉ ngơi khi làm đường Phan Rang-Đà Lạt. Đất đai ở Trại Mát màu mỡ, địa hình đẹp, khí hậu lý tưởng nên người Pháp đã sớm thành lập ở đây các đồn điền, trang trại trồng rau, hoa, dược liệu và chăn nuôi gia súc. Năm 1920, đồn điền đầu tiên là Dacori ra đời, dấu vết của nó nay là dãy nhà xưởng của Công ty Gốm sứ Lâm Đồng. Khu vực xung quanh chùa Linh Phước ngày nay là đồn điền của một phụ nữ Pháp tên là bà đầm Pho. Khu vực hồ Nô-en là trang trại của ông Giô-en, trồng rau, hoa và cây ăn trái, bị người Việt gọi chệch đi là Nô-en. Khu vực Tự Tạo ngày nay vốn là đồn điền trồng cây khuynh diệp để lấy tinh dầu làm thuốc của ông Platasion. Đồi Thạch Thông là đồn điền trồng rau của người Pháp tên là Đarigat, sau này bán lại cho một người Việt là ông Võ Quang Hàm. Năm 1928, Viện Paster Đà Lạt lập vườn trồng cây canhkina nhằm chiết xuất dược chất bào chế thuốc chống sốt rét. Vườn cây hiện vẫn còn, do Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng quản lý, khai thác. Năm 1933, ga Trại Mát khánh thành và bắt đầu hoạt động, mỗi ngày có hai chuyến tàu chạy tuyến Đà Lạt-Tháp Chàm đến và đỗ tại ga.

Để khai phá, xây dựng đồn điền, công trình giao thông, thực dân Pháp đã đưa đến đây những người bị bắt xâu, bắt phu, bắt lính và tù nhân các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Về sau có thêm một số dân cư nghèo khổ, không chịu nổi sự áp bức, bóc lột của cường hào, ác bá đã tìm về làm thuê cho các đồn điền của thực dân Pháp, rồi tự khai hoang, làm vườn, sống quần tụ thành xóm, thành làng. 

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Trại Mát là vùng lõm chính trị, địa bàn hoạt động trọng yếu của nhiều cán bộ và tổ chức cách mạng tỉnh Tuyên Đức cũ và thị xã Đà Lạt. Đây cũng là nơi tiếp giáp với các trường trại lớn của địch như Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, Trung tâm Huấn luyện cảnh sát cơ bản, Trung tâm Huấn luyện cảnh sát quốc gia, Nhà lao thiếu nhi. Vì vậy, địch luôn tổ chức phòng thủ và kiểm soát vô cùng gắt gao. Dù vậy, quân và dân địa phương vẫn bền bỉ bám địa bàn, liên tục đấu tranh, kết hợp nhuần nhuyễn phương châm đấu tranh chính trị với tiến công vũ trang, xây dựng thực lực cách mạng ngày càng lớn mạnh. Trong những năm 1970-1975, khu vực Trại Mát đã phát triển gần 200 gia đình cơ sở cách mạng với hơn 400 người. 

Trong khi nhiều khu phố ở Đà Lạt đang bị cơn lốc "bê-tông hóa", "hiện đại hóa" cuốn đi thì Trại Mát vẫn giữ được nhiều nét xưa với những dãy nhà gỗ xinh xắn có tuổi đời gần 1 thế kỷ, nhiều vườn rau và hoa ôn đới chưa bị “nhốt” vào những nhà kính bít bùng mà vẫn rực rỡ và xanh mướt lộ thiên trên những ngọn đồi nhấp nhô. Đường sắt Đà Lạt-Trại Mát vẫn hoạt động. Chiếc đầu máy và những toa tàu cổ mỗi ngày vẫn chở những vị khách phương xa về thăm góc phố xưa và trải nghiệm cảm giác đi “hỏa xa” của người Việt cách đây gần 1 thế kỷ. Xa xa, những ngôi nhà ẩn mình giữa khu vườn xanh mướt, những ngôi chùa cổ kính, tịch lặng, đồi thông điệp trùng, xanh biếc, trải rộng tới tận chân trời.

Sẽ là thiếu sót nếu về Trại Mát mà không thưởng thức cà phê. Phố chợ dài gần 1km nhưng có hàng chục quán cà phê lúc nào cũng tấp nập khách vào ra. Hiếm nơi nào mà cà phê lại ngon và rẻ như ở Trại Mát bởi chỉ cần 7.000 đồng, khách sẽ được thưởng thức một ly cà phê sữa đậm đà, thơm ngon. Giờ giấc hoạt động của quán cũng khá đặc biệt. Bà Liêu Thị Thúy Anh, chủ quán cà phê Chúc cho biết: “Các quán cà phê ở đây thường mở cửa từ lúc 1 giờ sáng và đóng cửa vào chập tối. Do khách chủ yếu là dân làm vườn. Họ phải dậy từ nửa đêm để thu hoạch rau, hoa để sáng mai kịp buổi chợ và nhằm bảo đảm cho rau, hoa luôn đẹp, tươi ngon. Trước khi ra vườn, họ thường uống cà phê cho tỉnh táo. Ở đây, cà phê cũng quan trọng như khí trời, như cơm nước vậy”.

Trại Mát hôm nay đã trở thành điểm đến cho những người yêu thích tìm về ký ức và không gian yên ả, thanh bình. Cảnh vật, con người nơi đây tựa như một bảo tàng thu nhỏ, thì thầm kể cho du khách nghe những câu chuyện về vùng đất cao nguyên một thời đã xa.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG