Có phác đồ nhưng thiếu thuốc điều trị

Một trong những vấn đề của ngành y hiện nay là người bệnh dồn lên quá nhiều, gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Nguyên nhân không chỉ bởi tâm lý người bệnh và người nhà bệnh nhân không tin tưởng bệnh viện tuyến dưới. Theo Giáo sư Nguyễn Anh Trí (nguyên Giám đốc Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương), còn một nguyên nhân khác là do thiếu thuốc điều trị, nên dù phác đồ điều trị đã có, nhưng bệnh viện tuyến dưới buộc phải cho chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị. “Tôi lấy ví dụ là một bệnh có phác đồ điều trị ở bệnh viện chuyên khoa, ví dụ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã điều trị rất tốt. Phác đồ ấy đã phổ biến, hướng dẫn các bác sĩ ở các tuyến có thể dùng được, nhưng vì không có thuốc nên buộc người ta phải kéo nhau tập trung về các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện chuyên khoa”, Giáo sư Nguyễn Anh Trí cho biết.

leftcenterrightdel
Giáo sư Nguyễn Anh Trí phát biểu tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). 

Tại sao bệnh viện tuyến dưới có phác đồ điều trị nhưng không có thuốc và vật tư y tế để khám, chữa bệnh cho bệnh nhân? Vì có những loại thuốc, vật tư y tế các bệnh viện rất ít dùng. Nếu chỉ vì vài chục liều thuốc, thậm chí có bệnh viện chỉ cần vài liều thuốc, mà phải thực hiện các thủ tục đấu thầu thì rất khó cho bệnh viện. Bởi vậy, có những lúc để bảo đảm cứu chữa kịp thời cho người bệnh, bác sĩ ở các bệnh viện buộc phải yêu cầu người nhà bệnh nhân ra ngoài tìm mua thuốc.

Để hạn chế tình trạng bệnh viện tuyến dưới buộc phải đưa người bệnh lên tuyến trên vì thiếu thuốc điều trị, Giáo sư Nguyễn Anh Trí đề nghị áp dụng hình thức đấu thầu tập trung với hàng hóa là thuốc men, vật tư y tế có số lượng rất nhỏ, rất ít, rất hiếm. Theo hình thức này, một cơ quan thuộc Bộ Y tế hoặc sở y tế sẽ tiến hành đấu thầu tập trung ở cấp bộ, cấp tỉnh để cung cấp cho tất cả các bệnh viện. Khi ấy, các bệnh viện sẽ không cần phải làm thủ tục mở thầu với các loại thuốc sử dụng rất ít, mà khi cần thì họ mua từ nhà thầu đã được cơ quan ở cấp bộ, cấp tỉnh đấu thầu tập trung với giá không cao hơn trần đấu thầu tập trung.

Tuy nhiên, đấu thầu tập trung dù với loại thuốc ít dùng, thuốc hiếm, không phải lúc nào cũng thuận lợi. Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) dẫn ví dụ thực tế, có địa phương chỉ có hai cán bộ phụ trách mảng đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Vậy nên chỉ cần một cán bộ bị ốm, hay gặp vấn đề khủng hoảng nội bộ, ngay lập tức hoạt động đấu thầu bị đình trệ. Thực tế cũng có trường hợp bệnh viện trình danh mục lên sở y tế địa phương đề nghị đấu thầu tập trung theo quy định, nhưng thời gian chờ đợi rất lâu, thậm chí gần 6 tháng sau mới có được thuốc. Như vậy sẽ không đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngăn tiêu cực từ máy mượn, lại nảy sinh thêm vướng mắc

Trong thực tiễn cũng có một vấn đề nữa đang nảy sinh, đó là rào cản được đặt ra để không cho phép bệnh viện công mượn máy chuyên dùng hóa chất trong các cơ sở y tế, với ý tưởng ngăn ngừa sự móc ngoặc giữa bệnh viện với các doanh nghiệp cho mượn máy. Theo quy định mang tính rào cản kỹ thuật, bệnh viện phải tổ chức đấu thầu riêng biệt với cả máy xét nghiệm và hóa chất xét nghiệm.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, điều này lại làm nảy sinh thêm nhiều vướng mắc. Các bệnh viện phải đầu tư thêm một khoản tiền không nhỏ để mua sắm máy xét nghiệm. Vì các loại máy xét nghiệm được doanh nghiệp chế tạo để sử dụng loại hóa chất do họ sản xuất ra, nên khi đã mua loại máy nào, bệnh viện có thể sẽ phải lệ thuộc vào loại hóa chất sử dụng cho loại máy đó. Khi ấy, bệnh viện có thể sẽ lâm vào thế “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Trong khi đó, nếu cho phép bệnh viện sử dụng máy đặt, máy mượn thì bệnh viện có quyền chủ động mua hóa chất sử dụng cho máy đó. Nếu doanh nghiệp cung cấp hóa chất với giá cao bất hợp lý, bệnh viện có thể chủ động dừng hợp tác và trả lại máy mượn mà không thiệt hại gì về kinh tế.

leftcenterrightdel

 Bác sĩ khám, chữa bệnh ở vùng cao gặp nhiều khó khăn vì thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Bên cạnh đó, do quy định đơn vị sự nghiệp công lập không được mượn máy móc, trang thiết bị của doanh nghiệp mà buộc phải qua đấu thầu, nên người bệnh cũng đã bị từ chối thanh toán bảo hiểm y tế khi sử dụng dịch vụ y tế của bệnh viện dùng máy mượn, theo một văn bản của Bộ Y tế. Do bất cập của quy định nên Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phải thống nhất lại về việc tiếp tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng các máy do đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn hoặc đặt sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và hợp đồng đã ký cho đến khi hết hiệu lực hợp đồng.

Để giải quyết vướng mắc này, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 55 về đấu thầu hóa chất đi kèm với sử dụng máy đặt, máy mượn để xét nghiệm tại các bệnh viện. Tuy nhiên, dự thảo chỉ quy định thời hạn 5 năm để chuyển tiếp, giúp các cơ sở y tế xử lý các vấn đề tồn tại từ máy đặt, máy mượn. Sau 5 năm, các cơ sở y tế sẽ phải chuyển hoàn toàn sang hình thức đấu thầu máy.

Thiếu thuốc vì... sợ sai

Việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh không phải là vấn đề mới, thường xảy ra nhưng ở mức độ nhỏ và luôn được khắc phục nhanh. Tuy nhiên, việc nhiều bệnh viện Trung ương thiếu thuốc và vật tư y tế gần đây khiến công tác khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) dẫn kết quả khảo sát từ các đơn vị y tế cơ sở trở lên để giải thích nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế thời gian qua là tâm lý lo ngại, sợ sai sẽ bị thanh tra, kiểm tra. Vì thế, các cơ sở y tế không dám đấu thầu, mua sắm. Một thực tế nữa là nhà thầu cung cấp thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế thường chỉ quan tâm tới những vùng đô thị, gần các khu vực trung tâm, cảng biển, sân bay... Ở vùng sâu, vùng xa thì số lượng thuốc bán không nhiều, chi phí vận chuyển cao, dẫn tới giá “vênh” nhau, nên nhà thầu thường né tránh những gói thầu cho các khu vực này. Điều này dẫn tới các địa phương ở vùng sâu, vùng xa khó tìm được nguồn thuốc khám, chữa bệnh cho nhân dân.

“Đừng sợ tiêu cực, tham ô, tham nhũng, vì chúng ta còn rất nhiều cơ chế, quy định khác để kiểm soát và trên thực tế đã minh chứng là nhiều năm rồi hoàn toàn có thể làm được”, Giáo sư Nguyễn Anh Trí nói. Ông lấy ví dụ về thời gian làm Giám đốc Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, ông từng thực hiện nhiều cuộc đấu thầu và đều làm tốt. Một phó giám đốc viện có hiểu biết về luật pháp đã rà soát và thực hiện rất nghiêm các quy định về đấu thầu. Vì vậy, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương luôn được khen ngợi thực hiện tốt việc đấu thầu và chưa bao giờ bị thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Đừng vì sợ tiêu cực, tham ô, tham nhũng mà đặt ra quá nhiều rào cản kỹ thuật trong lĩnh vực đòi hỏi sự phản ứng rất nhanh là y tế, bởi chúng ta đã có các công cụ khác để kiểm soát và xử lý sai phạm. Tâm tư của những người trong ngành y là như vậy. Còn chúng tôi thì có mong muốn, những quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phải rất rõ ràng, dễ hiểu và chỉ có thể hiểu theo một nghĩa, để các cơ sở y tế có thể tự tin thực hiện nhanh các hoạt động đấu thầu, chấm dứt tình trạng khủng hoảng thiếu như hiện nay...

Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG