Không thoát nghèo một mình

Nỏ Bạn là vùng quê chiêm trũng, trước đây chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Sinh ra trong một gia đình nghèo, ngay từ thời thanh niên, ông Mẽ đã phải làm rất nhiều công việc để mưu sinh nhưng vẫn cứ nghèo, bởi nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố khách quan.

Năm 1990, trong một lần đến thăm người bạn ở tỉnh Hòa Bình, thấy ở đây có nghề làm chổi chít, ông Mẽ tìm gặp một số người thợ bày tỏ ý muốn được học nghề và được họ dạy nghề. Trong vòng 3 tháng, ông Mẽ đã thành thạo tất cả công đoạn làm chổi chít. Tay nghề, tốc độ làm của ông còn ngang với những người thợ khéo tay, có nhiều năm kinh nghiệm. Đem nghề về quê, ban đầu, ông chỉ coi làm chổi chít như một nghề phụ trong gia đình, tranh thủ làm lúc rảnh. Mỗi sáng, vợ chồng ông dậy từ 5 giờ làm mấy tiếng rồi đi làm việc khác, tối về lại làm đến khuya. Cứ thế, mỗi ngày vợ chồng ông cũng làm được chục chiếc chổi, làm ra đến đâu bán hết ngay đến đó. Thấy vậy, ông Mẽ quyết định mở rộng sản xuất, lặn lội đi Hòa Bình lấy nguyên liệu rồi về huy động nhân lực từ anh em trong gia đình, họ hàng cùng làm.

Khoảng năm 2000, thấy nhu cầu thị trường lớn, ông Mẽ mạnh dạn vay quỹ tín dụng nhân dân xã Vân Tảo 800 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Đây là một quyết định mạo hiểm, nuôi hy vọng làm giàu và mang lại nghề ổn định cho người dân trong vùng của ông Mẽ. Thế là xưởng nhà ông Mẽ như một “đại công trường” chổi chít, từ đàn ông, phụ nữ, người già, trẻ em, người khuyết tật... ai cũng hăng say lao động, quyết vươn lên bằng một nghề mới.

Ông Mẽ không ngại ngần dạy nghề cho những người xung quanh, đặc biệt là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ông dạy nghề miễn phí, nhận việc giúp, cho mang nguyên liệu về nhà làm. Đối với các hộ mong muốn phát triển nghề chổi chít thành nghề chính, ông Mẽ còn hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ nguồn nguyên liệu, đầu ra thị trường, giúp họ vừa sản xuất và kinh doanh. Tính ra có khoảng 10 gia đình được ông giúp đỡ, nay đều có xưởng sản xuất, kinh tế gia đình vào diện khá giả của thôn.

Xưởng sản xuất nhà ông Mẽ có hơn 20 lao động. Thời gian cao điểm, mỗi ngày xưởng sản xuất 10.000 chiếc chổi chít, ô tô tải liên tục ra vào chở hàng đi tiêu thụ, chủ yếu là thị trường nội thành Hà Nội. Từ chỗ là gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn Nỏ Bạn, năm 2005, không những ông bà trả hết nợ cho quỹ tín dụng xã Vân Tảo mà còn xây được ngôi nhà 3 tầng khang trang. Đến nay, nghề chổi chít đã giúp gia đình ông Mẽ xếp vào diện có kinh tế khá giả.

leftcenterrightdel

Ông Nguyễn Văn Mẽ không chỉ làm giàu từ chổi chít mà còn giúp người dân trong vùng có thêm thu nhập từ nghề này.

Bà Đỗ Thị Luyến, vợ ông Mẽ nhớ lại ngày ông mang nghề chổi chít về, bà nghĩ rằng làm nghề thủ công thế này thì giàu làm sao được, mà làm toàn bằng tay, không có sự hỗ trợ của máy móc chuyên dụng... Nhưng thấy ông cứ làm cần mẫn đến khuya, rồi chổi làm ra đến đâu bán hết đến đấy, rất nhiều người đến xin làm và học nghề, thế là anh em, làng xóm giúp đỡ nhau, “lá lành đùm lá rách”. Khi gia đình ông bà giảm quy mô sản xuất vì tuổi đã cao, thấy những người hàng xóm vẫn phát triển được nghề, ông bà không khỏi vui mừng.

Hiện nay, toàn thôn Nỏ Bạn có khoảng 100 gia đình sản xuất và kinh doanh chổi chít, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Làm được mới nói được

Không chỉ là tấm gương dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, ông Mẽ còn là một công dân đi đầu trong mọi hoạt động đoàn thể của địa phương. Năm 2018, vừa được kết nạp vào hội, ông Mẽ liền được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Nỏ Bạn. Nhận thấy con đường gần nhà (còn gọi là đường từ Lăng đá Quận Vân đến V26) rất nhỏ hẹp, chỉ vừa một xe máy di chuyển, thường xuyên bị tắc nghẽn nếu có hai xe máy đi ngược chiều, ông Mẽ vận động hơn 20 gia đình hiến đất mở rộng con đường. Đoạn đường ấy đi qua đất thổ cư nhà ông Mẽ gần 30m. Muốn người khác cùng làm thì mình phải làm trước, nghĩ vậy, ông bàn với vợ đập tường, xây lùi lại để hiến đất mở đường, cũng không yêu cầu tiền đền bù xây tường mới. Sau đó, ông cùng hội viên người cao tuổi đi đến từng nhà vận động hiến đất, có gia đình rất tán thành nhưng “tấc đất tấc vàng”, không ít gia đình còn lưỡng lự. Thế là, nay ông đến nhà với tư cách Chi hội Người cao tuổi, Hội Nông dân xã, mai là bạn làm nghề hoặc đơn giản là người hàng xóm đến chơi. Rằng, lâu nay đường đi lại khó khăn ra sao, đường rộng sẽ thuận lợi như thế nào, nếu một nhà không đồng ý thì những nhà khác hiến đất cũng chẳng mấy ý nghĩa, con đường sẽ thò ra thụt vào vô cùng xấu xí...

Mưa dầm thấm lâu. Cuối cùng, hơn 20 hộ dân trên con đường làng đều đồng ý hiến đất vui vẻ. Con đường dài gần 1km được làm lại, có nắp cống phẳng phiu, với kinh phí 450 triệu đồng từ sự đóng góp của các hộ gia đình, trong đó gia đình ông Mẽ đi đầu. Trước con đường khang trang rộng rãi, không chỉ hai xe máy đi vừa mà còn đi được cả ô tô, người dân vô cùng phấn khởi.

Tiếp nối thành công từ con đường, ông Mẽ tiếp tục vận động nhân dân hiến đất để mở rộng con đường khác. Con đường chạy qua khu đất tăng sản của hơn chục hộ dân, ông Mẽ đã vận động mỗi gia đình hiến 20m2, để có được con đường rộng rãi. Vậy là, hai con đường làng chật hẹp ngày nào đã thay hình đổi dáng thành những con đường rộng rãi, đó là thành quả xứng đáng của công tác dân vận khéo và thể hiện sự đoàn kết, tình làng nghĩa xóm.

Bà Trương Thị Oanh, Phó chủ tịch UBND xã Vân Tảo cho biết: “Ông Mẽ là tấm gương sáng làm kinh tế giỏi ở địa phương và đã giúp đỡ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, tạo bước chuyển lớn trong cơ cấu kinh tế. Là người có uy tín trong thôn, ông còn tích cực vận động được hàng chục hộ dân hiến đất mở đường, xây dựng nếp sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới”. Năm 2018, ông Mẽ được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu "Người tốt-việc tốt". Ông và gia đình cũng luôn nhiệt tình trong các cuộc vận động do địa phương tổ chức như quyên góp vì người nghèo, công đức vào các di tích lịch sử, ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, ông Mẽ vẫn ngày đêm tham gia trực chốt phòng, chống dịch, chẳng nề hà tuổi cao. Ông đã được nhận các danh hiệu khen thưởng từ những đóng góp cho cộng đồng, nhưng hơn hết, phần thưởng quý giá nhất đối với ông chính là sự yêu quý, tôn trọng của nhân dân địa phương.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG