Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, Công ty Cổ phần Agrifeed Việt Nam chuyên sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi vẫn đứng vững trên thị trường, doanh thu trong năm 2021 đạt hơn 1.600 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu về nộp ngân sách nhà nước...
Hiểu nông dân cần gì?
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, chúng tôi cùng anh Vương Văn Khuyến, nhân viên bán hàng khu vực tỉnh Thái Nguyên thuộc Công ty Cổ phần Agrifeed Việt Nam đến thăm hộ gia đình anh Trần Văn Tài, xóm Làng Hin, xã Phấn Mễ (Phú Lương, Thái Nguyên). Anh Tài chăn nuôi gia cầm gần 10 năm nay và đã trải qua không ít thất bại, có thời điểm thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Anh bảo rằng, anh không đủ kiến thức để xác định nguyên nhân thất bại, cho dù đã làm hết sức có thể.
Vì vậy, nhiều lần anh định bỏ cuộc, chấm dứt việc chăn nuôi gà, vịt. Trong lúc bí bách ấy, anh được người quen giới thiệu đến với đại lý thức ăn chăn nuôi của Công ty Cổ phần Agrifeed Việt Nam ở TP Thái Nguyên. Kể từ đây, Agrifeed là bạn đồng hành chí cốt của anh, đồng thời bắt đầu thu được lợi nhuận từ việc chăn nuôi gà, vịt, trung bình mỗi năm đạt 250-300 triệu đồng.
|
|
Công ty Cổ phần Agrifeed Việt Nam tại Mỹ Hào, Hưng Yên. |
Mặc dù đã gắn bó với nhau nhiều năm, nhưng mỗi lần đến thăm cơ sở chăn nuôi của anh Tài, nhân viên công ty vẫn tranh thủ tư vấn kỹ lưỡng về quy trình chăn nuôi, chế độ dinh dưỡng, cách phòng, chống bệnh cho các loại gia cầm với thái độ chân tình, cởi mở như với người thân trong gia đình mình. Hiện khi sử dụng thức ăn chăn nuôi của Công ty Cổ phần Agrifeed Việt Nam, trong khoảng 3 tháng, trung bình mỗi con gà hồ của anh Tài đạt trọng lượng 2,7kg, tốc độ tăng trưởng có con lên tới 1,3kg/tháng. Anh dự tính, trong năm 2022 sẽ tăng đàn và nuôi thêm 2.000 con vịt. Với tốc độ này, ước mơ trở thành tỷ phú trước tuổi 40 của anh Trần Văn Tài là hoàn toàn có cơ sở.
Khác với gia đình anh Trần Văn Tài, trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Châu Thắng ở thị trấn Văn Giang (Văn Giang, Hưng Yên) đang duy trì nuôi 500 con lợn nái ở Kim Động (Hưng Yên) và một trại nuôi 2.000 con lợn thịt ở thị trấn Văn Giang. 10 năm qua, anh Thắng sử dụng thức ăn chăn nuôi của Công ty Cổ phần Agrifeed Việt Nam và chưa một lần thất bại. Việc chăn nuôi mang lại cho anh lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/tháng. Dù đã thành công và có thu nhập cao từ chăn nuôi, nhưng bất kể khi nào khó khăn, anh đều được nhân viên của công ty hỗ trợ kịp thời.
Trên đây là hai trong số hàng vạn gia đình nhà nông ở khắp mọi miền đất nước đã được nhân viên Công ty Cổ phần Agrifeed Việt Nam tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng thức ăn chăn nuôi của công ty để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Để có được kết quả ấy, sau khi nghiên cứu, đề ra chiến lược “gắn bó với nông dân”, nhiều năm qua Công ty Cổ phần Agrifeed Việt Nam đã chuẩn bị lực lượng kỹ lưỡng từ khâu lựa chọn nhân sự, tập huấn, bồi dưỡng và tự đào tạo. Để khơi dậy nhiệt huyết trong đội ngũ nhân viên tư vấn bán hàng, ngoài các biện pháp thông thường, công ty liên tục tổ chức các cuộc thi thợ giỏi, kiện tướng bán hàng và trao thưởng xứng đáng cho những người đoạt giải.
Nâng cao uy tín, phát triển văn hóa doanh nghiệp
Công ty Cổ phần Agrifeed Việt Nam đặt tại thôn Ngọc Lãng, xã Ngọc Lâm (Mỹ Hào, Hưng Yên), đi vào sản xuất chính thức từ năm 2010, đang là một trong những thương hiệu mạnh trong ngành thức ăn chăn nuôi của Việt Nam và nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Bằng chứng là, mặc dù gia nhập thị trường thức ăn chăn nuôi muộn hơn các doanh nghiệp khác, nhưng những năm qua, hệ thống dây chuyền sản xuất của nhà máy luôn chạy hết công suất, đạt 150.000 tấn/năm. Ngoài sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gia súc, đại gia súc, gia cầm, thủy cầm... trong tương lai, công ty dự kiến sẽ xây dựng, lắp đặt dây chuyền sản xuất thức ăn cho thú cưng, nhuyễn thể, hướng đến xuất khẩu.
Trò chuyện với chúng tôi tại phòng thí nghiệm sinh hóa của công ty, anh Nguyễn Văn Cường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Agrifeed Việt Nam cho hay, dù công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại, cho ra hàng loạt sản phẩm chất lượng cao, nhưng công ty thường xuyên kiểm soát đầu ra, đầu vào các sản phẩm hết sức chặt chẽ, nghiêm túc. Theo đó, các loại nguyên liệu nhập về đều được bộ phận kỹ thuật lấy mẫu, kiểm tra bằng máy phân tích chặt chẽ các chỉ tiêu kỹ thuật trên nhiều trang thiết bị phân tích hiện đại. Các mã hàng ra cũng phải kiểm nghiệm, ghi cụ thể từng loại.
Để chứng minh cho việc ấy, cô nhân viên phòng thí nghiệm sinh hóa Phạm Thế Mỹ Hương đã thực hiện một lần kiểm nghiệm mẫu nguyên liệu là sản phẩm đậu tương cho chúng tôi xem. Sau khi kiểm tra cảm quan, soi chiếu đánh giá độ mốc/tạp chất trên kính hiển vi, chị Hương tiếp tục lấy mẫu cho vào máy phân tích NIR (một thế hệ máy phân tích cận hồng ngoại hiện đại). Chừng một phút sau, các thành phần của nguyên liệu với vài chục chỉ tiêu đã hiển thị trên màn hình. Chị Hương tâm sự, phòng thí nghiệm sinh hóa với các thiết bị kiểm nghiệm, phân tích hiện đại sẽ cho ra số liệu chính xác tuyệt đối. Số liệu này phục vụ công tác quản lý, tổng hợp dữ liệu, đánh giá chất lượng nguyên liệu nhập vào và sản phẩm sản xuất ra.
Theo chia sẻ của lãnh đạo công ty, muốn sản phẩm được người chăn nuôi tin dùng thì phải đồng hành với họ. Có nghĩa là phải sống cùng mong muốn và ước vọng của nông dân, giúp nông dân chăn nuôi có hiệu quả kinh tế.
- Chúng tôi thấy nhiều đại lý bán thức ăn chăn nuôi làm rất đơn giản. Ai có nhu cầu đến mua thì bán. Nếu có tư vấn thì cũng chỉ chung chung. Anh có cách làm khác họ như thế nào?-Chúng tôi hỏi anh Cường.
- Khác nhiều chứ. Mỗi giống vật nuôi có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Để gắn bó với nông dân, các nhân viên kỹ thuật của công ty luôn theo sát đại lý, sát từng hộ dân để giúp người chăn nuôi chọn lựa giống, tư vấn xây dựng chuồng trại, quy trình chăn nuôi, cách thức phòng, chống dịch bệnh... Việc cho ăn hằng ngày cũng phải có định lượng phù hợp.
Ngoài lực lượng kỹ thuật chuyên sâu, nhân viên bán hàng cũng là những kỹ sư tốt nghiệp ở các trường khối nông nghiệp, như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Đại học Nông lâm Huế, Học viện Thủy sản... Các nhân viên bán hàng này ngoài kiến thức cơ bản được học, công ty còn đào tạo chuyên sâu về sản phẩm, dinh dưỡng, thú y..., tổ chức các buổi hội thảo trực tiếp, trực tuyến, nghe các chuyên gia phổ biến kiến thức, kinh nghiệm và thông tin thị trường, nên họ rất nhuần nhuyễn kiến thức, kỹ thuật. Vì vậy, khi vào thực tiễn công việc, họ không chỉ là những chuyên gia về thức ăn chăn nuôi, mà còn là chuyên gia tâm lý, luôn sát cánh động viên tinh thần người chăn nuôi.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Điều này cho thấy sự cạnh tranh thị phần giữa các doanh nghiệp rất khốc liệt. Do đó, phương châm sống còn mà Công ty Cổ phần Agrifeed Việt Nam áp dụng là gắn bó với nông dân; hiểu người chăn nuôi như người thân trong gia đình là hướng đi đúng đắn, góp phần nâng cao uy tín và không ngừng phát triển văn hóa doanh nghiệp trong thời gian tới.
Bài và ảnh: NGUYỄN MẠNH THẮNG