Chính sách cần thiết

Theo quy định tại Điều 1 Luật Thanh niên năm 2020, thanh niên Việt Nam là những công dân từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Vì thế, với quốc gia đang trải qua thời kỳ “dân số vàng” như nước ta, thanh niên là một bộ phận chủ chốt trong cơ cấu lực lượng lao động, với số lượng gần 53 triệu người năm 2023.

Theo Tổng cục thống kê, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp gia tăng đã giúp giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động vào năm 2023 là 2,28%, giảm 0,06 điểm phần trăm so với năm 2022. Tuy nhiên, cũng theo Tổng cục thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm thanh niên hiện nay cao hơn hẳn so với tỷ lệ chung (7,63% vào năm 2023).

Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,91%. Số người 15-24 tuổi thất nghiệp tại thời điểm năm 2023 là khoảng 437,3 nghìn người, chiếm 41,3% tổng số lao động thất nghiệp. Tính riêng quý IV-2023, cả nước có gần 1,5 triệu người 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 11,5% tổng số thanh niên). Số liệu thống kê cũng cho thấy tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị (12,8% so với 9,5%) và ở nữ thanh niên cao hơn so với nam thanh niên (13,3% so với 9,8%).

Nhu cầu việc làm gia tăng nhanh chóng là xu hướng tất yếu với những nước có cơ cấu dân số trẻ và nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam hiện nay. Vì thế, trong khi sự phát triển của nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, còn chậm hơn sự gia tăng nhu cầu việc làm của người lao động thì khuyến khích và hỗ trợ TNKN là một chủ trương, chính sách cần thiết và quan trọng.

TNKN thành công không chỉ góp phần giảm bớt tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm của lao động trẻ, mà quan trọng hơn là từng bước thúc đẩy khả năng tự chủ kinh tế của người lao động. Xa hơn nữa, những dự án khởi nghiệp thành công có thể trở thành tiền đề cho sự hình thành các doanh nghiệp trong tương lai, qua đó góp phần giúp nền kinh tế tích lũy nội lực và phát triển bền vững.

Thời gian gần đây, các hoạt động hỗ trợ TNKN luôn được coi trọng ở nước ta. Chỉ tính riêng nhiệm kỳ 2017-2022, đã có tới hơn 3.000 cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp được tổ chức bởi các cơ quan như Trung ương Đoàn và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Hai cơ quan trên cũng đã hỗ trợ hơn 7.000 dự án khởi nghiệp, với tổng kinh phí khoảng 696 tỷ đồng.

leftcenterrightdel

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu dự Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023. Ảnh: NHẬT BẮC 

Những khó khăn, vướng mắc

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027, xác định triển khai sâu rộng chương trình TNKN sáng tạo là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, cần tạo đột phá. Tuy nhiên, các nỗ lực khởi nghiệp của thanh niên có thể đối diện với nhiều thách thức, bắt nguồn chủ yếu từ những đặc điểm tâm lý, kinh tế-xã hội của lực lượng lao động trẻ tuổi.

Những khó khăn đáng chú ý nhất với TNKN là thiếu kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; ít mối quan hệ xã hội cho nên hạn chế về tiếp cận cơ hội; chưa đủ uy tín để thuyết phục người khác về các ý tưởng mới... Những hạn chế này dẫn đến một khó khăn lớn hơn là những thanh niên với khát vọng khởi nghiệp thường khó tiếp cận vốn vay ban đầu. Thanh niên có thể không vay được vốn bởi thiếu thông tin về các nguồn vốn vay, đặc biệt là vốn vay ưu đãi mà họ có thể tiếp cận. Do còn hạn chế về hiểu biết tài chính cũng như quan hệ xã hội, sẽ rất ít thanh niên có thể chủ động tìm hiểu các nguồn vốn vay, cơ chế, cách thức thực hiện để có được các khoản vay cần thiết và phù hợp. Cũng có nghĩa, nếu thiếu sự hỗ trợ thì thanh niên muốn khởi nghiệp có thể không biết cả nơi có thể vay, chứ chưa nói đến thực hiện các thủ tục vay vốn.

Khó khăn thứ hai là thanh niên thường thiếu tài sản thế chấp cho các khoản vay. Nguyên tắc chung được các ngân hàng áp dụng cho các khoản vay là người vay phải có tài sản thế chấp hoặc nguồn thu nhập nào đó có thể bảo đảm trả nợ. Tuy nhiên, do tuổi còn trẻ, chưa có thu nhập ổn định cũng như chưa có tích lũy tài sản nên thanh niên với ý tưởng khởi nghiệp thường không thể đáp ứng được yêu cầu nêu trên. Khi khả năng bảo đảm thanh toán các khoản vay tiềm ẩn nhiều rủi ro thì các ngân hàng chỉ có thể cấp các khoản tín dụng hạn chế, thậm chí không thể cho vay.

Khó khăn thứ ba là những yêu cầu phức tạp của hồ sơ vay vốn. Để thuyết phục được các ngân hàng cho vay, bất cứ ai chứ không riêng TNKN, đều phải hoàn thành nhiều thủ tục, đáp ứng yêu cầu từ phía ngân hàng. Đáp ứng được quy trình và thủ tục vay vốn là một thách thức không nhỏ với những người còn trẻ, hạn chế về kiến thức chuyên môn tài chính cũng như kinh nghiệm về thủ tục hành chính.

Kể cả có thể được tiếp cận các khoản vay thì một vấn đề tiếp theo với TNKN là lãi suất vay có thể cao, đặc biệt là đối với các khoản vay nhỏ, so với năng lực tài chính và khả năng sinh lời của dự án khởi nghiệp. Thực tế, do không có nguồn lực sẵn có cho nên việc trả được lãi hằng tháng cũng có thể trở thành vấn đề nan giải với thanh niên vay được vốn để khởi nghiệp.

Một khó khăn nữa cũng được chỉ ra tại nhiều hội nghị về hỗ trợ TNKN là nhóm này thường thiếu kiến thức và kinh nghiệm quản lý tài chính. Với những người trẻ, thậm chí chưa từng được đào tạo qua bất kỳ khóa học nào về quản lý tài chính thì nguy cơ sử dụng vốn vay không hiệu quả luôn hiện hữu. Vì thế, không đủ năng lực quản lý tài chính có thể trở thành nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong quá trình khởi nghiệp, chứ không hẳn do tác động của các yếu tố thị trường hay thiếu nguồn lực.

Để khởi nghiệp thành công

Là nhóm xã hội trẻ, với những hạn chế và bất lợi nhất định, TNKN chỉ có thể thành công trên quy mô quốc gia nếu được sự đồng hành của các cơ quan, tổ chức và những chính sách thiết thực, phù hợp với nhu cầu của nhóm đối tượng khởi nghiệp. Một điều đáng mừng là tháng 7-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 897/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Hỗ trợ TNKN giai đoạn 2022-2030.

Để có thể gia tăng khả năng thành công cho các nỗ lực khởi nghiệp của thanh niên, giải pháp đầu tiên là cần tiến hành những khảo sát thường niên để nắm bắt chính xác các nhu cầu, mong đợi, những khó khăn gắn với đặc điểm bối cảnh địa phương, đặc thù của các ý tưởng khởi nghiệp, cũng như bản thân tác giả ý tưởng. Về nguyên tắc, chỉ khi nắm bắt đúng nhu cầu thì sự hỗ trợ mới phù hợp và hiệu quả.

Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu khởi nghiệp, chính quyền địa phương, đặc biệt là tổ chức Đoàn thanh niên, cần tiến hành những khóa tập huấn ngắn hạn để giúp thanh niên nhận thức được những cơ hội, thách thức khi khởi nghiệp, cũng như những thông tin và kiến thức cần thiết khi muốn nhận được sự hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ tài chính. Các khóa tập huấn nên được thực hiện theo nhóm nhu cầu đang xuất hiện chứ không nên tổ chức máy móc, theo kế hoạch hoạt động hằng năm.

Trên bình diện quốc gia, Chính phủ cần ban hành những chính sách, chương trình cụ thể và thiết thực hơn nữa để hỗ trợ nhóm TNKN. Quan trọng nhất là những chính sách hỗ trợ về pháp lý, tìm kiếm thị trường, giảm lãi suất vay vốn, đơn giản hóa thủ tục vay vốn và phổ biến thông tin về các nguồn vốn vay ưu đãi mà TNKN có thể tiếp cận.

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng cần có những chỉ đạo, hướng dẫn để các ngân hàng thương mại nhận thức được rằng, khởi nghiệp của thanh niên không đơn thuần chỉ là hoạt động kinh tế mà còn là những dự án có tác động xã hội sâu rộng và lâu dài. Trên cơ sở đó, các ngân hàng, đặc biệt như ngân hàng chính sách xã hội, cần tính toán để cung cấp những sản phẩm vốn vay phù hợp với nhu cầu và khả năng của TNKN.

Để gia tăng năng lực quản lý tài chính, bên cạnh bản thân mỗi TNKN cần ý thức tự nâng cao kiến thức và kỹ năng cần thiết, những tổ chức, đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là các ngân hàng, cũng cần định kỳ kiểm tra và thực hiện những hoạt động tư vấn, đào tạo và hướng dẫn về quản lý tài chính cho TNKN.

Nếu khuyến khích TNKN đã là một việc khó thì hỗ trợ TNKN thành công còn là nhiệm vụ khó hơn. Tuy nhiên, sự thành công của TNKN sẽ có tác động sâu rộng đến tương lai phát triển của đất nước. Cũng vì thế, khuyến khích và hỗ trợ TNKN cần được xác định là một nhiệm vụ chính trị của các đơn vị thành viên hệ thống chính trị ở mỗi địa phương. Thành tích hỗ trợ TNKN cần được coi trọng trong việc đánh giá kết quả lãnh đạo, quản lý của các đơn vị. 

TS NGUYỄN VĂN ĐÁNG