“Tầm sư học nghệ”

“Tôi yêu gốm như chính bản thân tôi” đó là câu cửa miệng của Lưu Xuân Khuyến-chủ cơ sở sản xuất gốm làng Ngòi, xã Tư Mại, huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Phải thừa nhận rằng, Lưu Xuân Khuyến không chỉ là một nghệ nhân tài hoa, anh còn là một điển hình cho sự kiên cường và đầy nghị lực vươn lên trong lao động nghệ thuật. Bởi vậy, có những lúc tưởng như “sắp chết đến nơi rồi” mà cuối cùng anh vẫn vực dậy được. Và giờ đây, Khuyến đã thấy mình “sống khỏe” bằng chính sự đam mê, tâm huyết dành cho gốm.

Tung hoành ngang dọc khắp trong Nam, ngoài Bắc, cuối cùng nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến vẫn quay đầu về nơi cha sinh mẹ đẻ để lập nghiệp. Trong khi đó chỉ hơn chục năm trước đây, ở làng Ngòi quê anh, tất cả nam, nữ, lão, ấu chẳng ai biết một chút kiến thức cỏn con gì về gốm. Vậy mà anh dám “ăn gan giời”, bất chấp mọi lời can ngăn từ người thân để “lao đầu” vào những thứ viển vông như một canh bạc. Đơn giản chỉ vì những suy nghĩ rất thật, rất đời của một người trai trẻ mang ước vọng làm thay đổi bộ mặt quê hương. Anh muốn chứng minh cho thiên hạ thấy rằng, cụ tổ của nghề gốm Phù Lãng vốn là ở làng Ngòi? Đặc biệt hơn, khi anh phải xót xa chứng kiến cái cảnh dân làng Ngòi cứ hùng hục đào những thửa ruộng và chở đất sét qua sông Cầu bán cho các lò gốm bên Phù Lãng (Bắc Ninh). Anh Khuyến còn nhớ như in rằng, cách đây hơn 20 năm nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, khảo cổ học đã về làng Ngòi điều tra, thám sát, khai quật và phát hiện được những hiện vật, dấu tích của các lò nung gốm cổ. Rồi cũng có giả định rằng, làng gốm Phù Lãng ở Bắc Ninh (bên kia sông) chỉ là một phần “ngọn” của gốm làng Ngòi. Có lẽ vì thế mà sau này anh Khuyến nhất mực theo đuổi cho kỳ được cái nghề thổ mộc đầy gian nan.

leftcenterrightdel
Lưu Xuân Khuyến bên bức "Vinh quy bái tổ"

Sinh năm 1977, vốn là người có năng khiếu hội họa, từ nhỏ anh Khuyến đã thích vẽ tranh, nặn đất. Những bức tượng, chú tễu, bức tranh do anh tạo ra khiến lũ trẻ cùng trang lứa ngày đó rất thích. Học hết phổ thông, anh tự ôn thi và đỗ vào Khoa Gốm trang trí, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Đỗ đại học ngày ấy đã là thứ gì thật xa xỉ ở vùng nông thôn, làng trên, xóm dưới ai cũng mừng cho anh Khuyến, ấy vậy nhưng họ cũng thấy lo cho anh. Bởi lẽ từ xưa đến nay, ở cái làng quê nghèo xơ xác này chưa từng có người nào theo học và làm nghệ thuật, vậy mà anh lại “mơ hồ” theo con đường này! Anh chia sẻ, các môn học đã khó, lại cần phải kiên trì nên phần đông sinh viên trong lớp dần “rơi rụng” hoặc bỏ học. Đến năm thứ 3 còn lại mình anh bám trụ. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp, cầm trên tay tấm bằng đại học “loại ưu”, anh được một số doanh nghiệp mời về làm việc với mức lương khá cao. Nhưng chỉ được thời gian ngắn anh lại “khoác áo ra đi”. Phiêu bạt mấy năm trời, nay ở Bát Tràng (Hà Nội), mai lại Phù Lãng (Bắc Ninh), Đông Triều (Quảng Ninh) rồi vào cả Bình Dương… nơi có trung tâm gốm phát triển để “tầm sư học nghệ”. Quãng thời gian ấy đã giúp anh Khuyến va vấp và vun đắp được rất nhiều kinh nghiệm thực tế đáng quý. Khuyến thủ thỉ: “Để học mót kinh nghiệm làm gốm không khó, cái khó là học bí quyết làm men vì không chỗ nào để lộ bí quyết này”.

Đôi tay làm nên thương hiệu

Năm 2003, anh Lưu Xuân Khuyến thuê đất xây lò gốm đầu tiên của mình ở Bát Tràng. Lò xây xong nhưng khi hoạt động có đến 15 mẻ gốm bị sống, bị vỡ thì hoặc rộp men. Vẫn biết “vạn sự khởi đầu nan” nhưng chỉ thế thôi cũng đủ để anh “vãi mồ hôi hột”, trong khi bao nhiêu vốn liếng anh cóp nhặt, vay mượn được đã bị “nướng” cùng lò gốm hỏng. Rút kinh nghiệm dần dần là chìa khóa để anh thành công sau này và sau đó những mẻ gốm chất lượng cao đã ra lò. Khi đã thành công, khách hàng biết đến, anh quyết định về quê lập nghiệp trên mảnh đất hương hỏa của tổ tiên. Mong ước mang gốm về làng nhưng gia đình đều phản đối. Bố mẹ anh đã rất “gay gắt” bởi lẽ: “Bao nhiêu năm ra Thủ đô học cho chán chê rồi cuối cùng lại quay về vùi đầu vào đất ở cái vùng quanh năm chiêm khê mùa thối này”. Hơn nữa trong khi phần đông đám thanh niên làng rời bỏ đồng ruộng ra thành phố tìm kế sinh nhai thì anh lại bỏ phố về làng. Còn nữa, giữa lúc nghề gốm của cả nước đang bị điêu đứng trong vòng quay của kinh tế thị trường (năm 2003) thì anh lại tìm cách lao vào… tất cả những lý do đó đều làm anh Khuyến “phải nghĩ”.

Ngoài đam mê, một lý do khác đã thôi thúc Khuyến quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ vì làng Ngòi cách làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh) một con sông Cầu, trong khi người dân Phù Lãng vẫn sang đây mua đất về để làm gốm. Anh nói: “Bên đó phải sang tận làng Ngòi chúng tôi lấy đất về làm gốm thì lẽ nào làng tôi lại không có một lò gốm”?. Vậy là bao nhiêu vốn liếng anh đổ hết vào gốm, thiếu thì nhờ người thân, bạn bè cho vay. Anh đặt tên cho sản phẩm của mình là gốm “Làng Ngòi”. Kể từ đó tên tuổi gốm làng Ngòi gắn với sự nghiệp của anh. Nghệ nhân Khuyến cho biết: “Giữa lúc thị trường gốm có sự cạnh tranh lớn, gốm làng Ngòi lại vừa mới “khai sinh”, vô vàn khó khăn, thử thách, tôi đã chuyên tâm nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm có phong cách riêng, độc đáo và khác biệt. Điều đó được thể hiện ở mẫu mã sản phẩm và trang trí hoa văn”. Khác với gốm Bát Tràng chỉ vẽ và trang trí bằng màu, gốm Phù Lãng chỉ vuốt và dội men, gốm làng Ngòi được trang trí bằng hoa văn nổi do chính bàn tay họa sĩ tạo nên. Các sản phẩm sáng tạo theo tác phẩm văn học và các tích truyện dân gian như Chí Phèo, Thị Nở, chú Tễu, cô gái quan họ, cô gái dân tộc vùng cao... Các đề tài trang trí họa tiết xuân, hạ, thu, đông; tùng, cúc, trúc, mai; long, ly, quy, phụng; vinh quy bái tổ, phong cách giản dị nhưng đậm đà bản sắc. Những mảng tranh gốm mang dòng văn hóa dân gian dựa trên nền của tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống và đặc biệt văn hóa vùng miền của cả nước đã được anh đưa vào sản phẩm.

Chính những điều đó là một lợi thế để gốm làng Ngòi đứng vững trên thị trường, nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa dùng. Hiện tại, cơ sở của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động. Cùng đó, gốm làng Ngòi vinh dự được mời tham gia hàng trăm cuộc hội chợ, triển lãm trong nước, đặc biệt tại thời điểm diễn ra Hội nghị APEC (năm 2006, tại Hà Nội) sản phẩm của anh vinh dự có một gian hàng trưng bày đại diện “Hình ảnh APEC và đại diện văn hóa Việt Nam”. Đến nay, sản phẩm gốm làng Ngòi đã xuất hiện tại nhiều công trình ở khắp mọi miền đất nước cùng nhiều mẻ hàng xuất sang Nhật, Dubai, Ai Cập, châu Âu… Năm 2007, nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của… Và ngày nay gốm làng Ngòi đã phát triển thị trường, được nhiều khách hàng ưa chuộng ở khắp trong Nam, ngoài Bắc, trong đó sản phẩm thiên về gốm trang trí. Căn biệt thự của tư gia nằm nổi bật giữa cánh đồng làng Ngòi vừa được anh Khuyến xây dựng từ trí tuệ, mồ hôi công sức của cả gia đình trong hơn chục năm qua là thành quả chứng minh cho hướng đi đúng đắn của chủ nhân ở đây.

Chính niềm đam mê gốm cộng thêm tinh hoa từ đôi bàn tay người nghệ sĩ, Lưu Xuân Khuyến đã tạo nên thương hiệu gốm làng Ngòi với những nét riêng không thể lẫn với bất cứ một dòng gốm nào khác.

Bài và ảnh: ĐÔNG KHÁNH